(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số gần 1.200 nữ cựu TNXP đơn thân, số chị em đang phải sống một mình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có khoảng 600 người. Làm gì để cuộc sống các chị bớt khó khăn, an tâm sống tiếp quãng đường còn lại? Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với những người trong cuộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để cuộc sống chị em tốt hơn

Trong số gần 1.200 nữ cựu TNXP đơn thân, số chị em đang phải sống một mình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có khoảng 600 người. Làm gì để cuộc sống các chị bớt khó khăn, an tâm sống tiếp quãng đường còn lại? Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với những người trong cuộc.

Để cuộc sống chị em tốt hơn

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa: Phấn đấu để cuộc sống chị em tốt hơn

PV: Ông có thể cho biết những đóng góp của TNXP Thanh Hóa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?

Ông Lê Văn Thành: Cùng với TNXP cả nước, lực lượng TNXP Thanh Hóa ngoài tham gia mở những con đường ở vùng xa xôi, hẻo lánh phục vụ cho kháng chiến chống Pháp như: đường lên Điện Biên, đường 16, một số con đường từ Lai Châu trở về (sau này là đường biên giới)..., TNXP còn là lực lượng dũng cảm phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, vận chuyển thương binh...

Trong kháng chiến chống Mỹ, TNXP Thanh Hóa luôn có mặt ở những trọng điểm quan trọng làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt, đưa hàng, đưa người ra mặt trận. Trong tỉnh, nhiều địa danh như: cầu Đò Lèn, Hàm Rồng, núi Nấp, phà Ghép... luôn là trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhằm ngăn sự chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, TNXP trong tỉnh tham gia làm đường, san lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển thương binh. Đã có nhiều TNXP anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như sự hy sinh của 13 nữ TNXP khu vực núi Nấp, phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Dù ở các trọng điểm trong tỉnh hay các mặt trận tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị..., TNXP Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và với ý chí “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Thanh Hóa có hơn 700 TNXP hy sinh trong số 9,2 vạn TNXP (trong 3 thời kỳ: chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng bảo vệ Tổ quốc), thì riêng thời kỳ chống Mỹ có 600 người hy sinh. Đóng góp của TNXP Thanh Hóa đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đưa giang sơn thu về một mối.

PV: Hiện tại, cuộc sống của nữ cựu TNXP đơn thân đang gặp nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần. Thời gian qua Hội cựu TNXP tỉnh đã có những hoạt động nào để sẻ chia, động viên các chị, thưa ông?

Ông Lê Văn Thành: Trong số 1.200 nữ cựu TNXP đơn thân, có 600 chị có hoàn cảnh rất khó khăn phải sống một mình, không có người thân bên cạnh. Động viên, chia sẻ, giúp chị em vơi bớt khó khăn, thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp luôn đồng hành với hội trong công tác nghĩa tình đồng đội, như: tặng hơn 2.000 sổ tiết kiệm; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 700 ngôi nhà dột nát, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; trao hơn 50.000 suất quà cho tập thể, cá nhân các cựu TNXP khó khăn, có tinh thần nhiệt tình, tâm huyết với tổ chức hội. Tiêu biểu, như: Báo Tiền phong, Ban Công tác nữ Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, Quỹ Từ thiện - Công đoàn Giao thông - Vận tải; Ban vận động Quỹ Bầu ơi; Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa,...

Thực hiện vai trò nhân chứng lịch sử, Hội Cựu TNXP tỉnh đã phối hợp với ban ngành đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề nghị giải quyết phần lớn các chính sách đối với các cựu TNXP. Đã có 13.300 người được hưởng chế độ theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp liên ngành hoàn chỉnh hồ sơ và đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận phiên hiệu TNXP theo Thông tư số 18 của Bộ Nội vụ cho 33 Đội TNTN-TNXP khắc phục hậu quả sau chiến tranh, xây dựng kinh tế, với số lượng qua hai lần rà soát là gần 30.000 người và đồng ý cho giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 đối với 11 đội vừa được công nhận phiên hiệu TNXP được thành lập trước 30-4-1975; chế độ mai táng phí được giải quyết kịp thời... Những hoạt động này đã góp phần quan trọng động viên, sẻ chia kịp thời cựu TNXP, nhất là nữ cựu TNXP đơn thân.

Tuy nhiên, trong số 600 nữ cựu TNXP đơn thân hiện nhiều chị tuổi cao, sức yếu, đang sống một mình không có người thân chăm sóc, nhà ở xuống cấp... Thời gian tới, ngoài tiếp tục vận động các nhà hảo tâm chung tay đóng góp xây nhà tình nghĩa, Hội Cựu TNXP tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp bộ đoàn, chính quyền cơ sở quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, động viên chị em. Cùng với đó, duy trì các hoạt động nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình TNXP, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và tổ chức cho cựu TNXP thăm lại chiến trường xưa. Những hoạt động này sẽ là “liều thuốc bổ”, góp phần động viên các chị vui vẻ phấn khởi, với tinh thần “sống vui, sống khỏe, sống vì nghĩa tình đồng đội”.

Để cuộc sống chị em tốt hơn

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa): Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn

PV: Giúp nữ cựu TNXP đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã có những hoạt động như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Trong số 130 nữ cựu TNXP trên địa bàn thị trấn Bút Sơn có 20 nữ cựu TNXP đơn thân. Trong đó có 9 chị có hoàn cảnh rất khó khăn, ốm đau bệnh tật thường xuyên. Nhằm động viên, sẻ chia giúp các chị vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, ngoài trích một phần ngân sách, địa phương đã tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn quan tâm, hỗ trợ đối với nữ cựu TNXP. Bằng nguồn xã hội hóa kết hợp ngân sách địa phương, thị trấn đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho nữ cựu TNXP đơn thân Phạm Thị Kén, phố Phúc Sơn. Ngoài ra, vào dịp lễ, tết, thị trấn cùng các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã tổ chức đi thăm, tặng quà cho 20 nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Vào ngày truyền thống của lực lượng TNXP, cấp ủy, chính quyền thị trấn chỉ đạo Hội cựu TNXP tổ chức các hoạt động tọa đàm và văn hóa - văn nghệ, đồng thời hỗ trợ kinh phí để hội tổ chức thực hiện...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều chị đang sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, cần được xây dựng, sửa chữa. Mức thu nhập 540.000 đồng/người/tháng từ chế độ hỗ trợ của Nhà nước không đủ để các chị trang trải cuộc sống, nhất là khi ốm đau, bệnh tật... Vì vậy, ngoài nỗ lực của chính quyền trong việc tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ Hội Cựu TNXP xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, sửa chữa, xây dựng nhà ở và tặng quà nhân ngày lễ tết cho nữ cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa, địa phương sẽ quan tâm giải quyết tốt, kịp thời các chế độ chính sách đối với cựu TNXP.

Tào Lý (thực hiện)


Tào Lý (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]