(vhds.baothanhhoa.vn) - Bác Hồ viết Di chúc từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969. Trong thời gian đó cứ đến tháng 5 hằng năm Bác đều xem lại, thêm bớt ý, sửa chữa câu chữ rồi để lại 1.086 chữ vàng, thể hiện tư tưởng, tình cảm của một bậc vĩ nhân đối với toàn thể nhân dân ta, dân tộc ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học tập, suy ngẫm theo nội dung Di chúc của Bác Hồ

Bác Hồ viết Di chúc từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969. Trong thời gian đó cứ đến tháng 5 hằng năm Bác đều xem lại, thêm bớt ý, sửa chữa câu chữ rồi để lại 1.086 chữ vàng, thể hiện tư tưởng, tình cảm của một bậc vĩ nhân đối với toàn thể nhân dân ta, dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).

Nội dung Di chúc của Bác súc tích, ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng nhân văn cao đẹp, nhân văn cộng sản nhằm nâng cao giá trị của con người, tin tưởng vào sức sáng tạo của con người và chủ trương chiến đấu để giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công để con người tự làm chủ vận mệnh của mình.

Đọc Di chúc của Bác ta thấy hiện lên một chặng đường dài từ khi Bác rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước đến khi giành lại một nửa đất nước. Bác đã ra đi trong sự gắn bó với toàn Đảng, toàn dân để giải phóng và thống nhất nước nhà. Bác khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Bác còn nhấn mạnh những điều cần thiết và phương hướng cụ thể để Đảng, Nhà nước và toàn dân ta lo liệu tiếp tục: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân văn chính là ở đấy và cũng từ đấy Người đã trở thành nhà Văn hóa kiệt xuất của thế kỷ 20. Bản Di chúc một lần nữa khẳng định cốt lõi tư tưởng nhân văn của Bác, điểm hội tụ tư tưởng và tình cảm của Bác trước lúc đi xa.

Nhà tư tưởng nhân văn kiệt xuất Hồ Chí Minh đã kết hợp được sức mạnh của ý chí với chính nghĩa và đã cho biết cách đấu tranh cho mục đích được đặt ra. Tất cả những gì Bác căn dặn trong Di chúc chúng ta có thể hiểu được Người đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng ta, sức mạnh và tiềm năng sáng tạo của nhân dân ta trong việc thực thi nguyên lý nhân văn của công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Giải phóng con người và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người là cốt lõi của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Tính nhân văn cao quý của Người đã trở thành mục tiêu hành động và phấn đấu làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Để thực hiện di huấn của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo và phát huy nhân tố con người, coi con người là tài sản vô giá, tất cả vì hạnh phúc con người.

Bác dạy cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đối với thanh niên Bác nêu rõ: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, chỉ có tiến thủ nên Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết". Đó là việc đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên, không ngừng học tập rèn luyện, tu dưỡng nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để làm tròn phận sự đối với đất nước, với nhân dân.

Bản Di chúc còn toát lên những lời giáo huấn của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tư tưởng nhân văn của Người đã tạo ra sức mạnh trong chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc mà Bác là hình ảnh sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đối với Công an nhân dân, Bác đã để lại 6 điều căn dặn và bất cứ một chiến sỹ công an nhân dân nào cũng đều học thuộc lòng nhằm đạt được những kết quả tối đa trong khi thi hành công vụ. Cũng như anh bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân hy sinh quên mình vì nhiệm vụ là con đường dẫn đến vinh quang bền vững nhất.

Kể từ ngày Bác đi xa, bao nhiêu mùa thu gợi nhớ. Niềm mong muốn của Bác đã trở thành hiện thực. Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối. Di chúc của Bác đã trở thành di sản vô giá, vì trong đó chứa đựng tính nhân văn cao quý nhất của Người và mãi mãi để lại cho con cháu muôn đời 3 chữ chân - thiện - mỹ. Bản Di chúc đã nằm ngay giữa trái tim tình yêu thương, kính trọng tha thiết của nhân dân ta đối với Bác. Mọi người đều thấy trong đó tất cả những gì đẹp đẽ, cao thượng, tốt lành và chân thực nhất, vĩ đại nhất.

Cứ mỗi lần đọc lại Di chúc của Bác lại nhớ Bác, một bậc vĩ nhân phi thường. Người đã thể hiện “đầy đủ nhất đức từ bi của Phật, công bằng, bác ái của Chúa Giêsu và đạo đức cộng sản chủ nghĩa” (Thiên Trường). Và nói như Đavít Hamboxtan: “Hồ Chí Minh là một nhân vật kỳ lạ của thời đại này, hơi giống Ganđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”.

Người Việt Nam chúng ta tự hào có Bác, “người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam). Bác đã đi xa nhưng bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng của Bác để lại như Người vẫn còn sống bên cạnh chúng ta và dẫn dắt chúng ta đi tới đích cuối cùng - xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng nhân văn cao đẹp trong Di chúc của Bác là đỉnh cao trí tuệ và đạo đức của thời đại mà Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt trong 4 ngàn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết, là nguyện vọng của cả dân tộc, là hịch truyền của hồn thiêng sông núi của ông bà ta vang vọng từ ngàn xưa. Đó là tư tưởng nhân văn của Bác - một tư tưởng đi xuyên thời đại, mãi mãi hướng về tương lai, về con người, về khát vọng độc lập, tự do.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]