(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa vùng quê “địa linh nhân kiệt” địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chú trọng. Người đã 4 lần về thăm Thanh Hóa, 2 lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gửi thư khen nhiều tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật về lao động sản xuất, chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Lời di huấn đó của Người đã cổ vũ, khích lệ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện, phấn đấu xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu như Bác từng căn dặn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học tập và làm theo lời Bác Thanh Hóa phấn đấu xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu

Thanh Hóa vùng quê “địa linh nhân kiệt” địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chú trọng. Người đã 4 lần về thăm Thanh Hóa, 2 lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gửi thư khen nhiều tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật về lao động sản xuất, chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Lời di huấn đó của Người đã cổ vũ, khích lệ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện, phấn đấu xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu như Bác từng căn dặn.

Khắc ghi lời Bác

Thanh Hóa là vùng tự do trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đây là nơi đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương, nơi hoạt động của nhiều nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng cả nước. Thanh Hóa trở thành “thủ đô văn hóa kháng chiến” của đất nước. Thanh Hóa là nơi đất rộng người đông giàu truyền thống lịch sử, văn hóa yêu nước và cách mạng, người dân lại có truyền thống cần cù lao động. Với tầm nhìn chiến lược chỉ sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” 2 tháng, ngày 20/2/1947, khắc phục mọi khó khăn về đường sá, Bác đã vào thăm làm việc với Đảng bộ, chính quyền Thanh Hóa. Bác ân cần thăm hỏi động viên khuyến khích các tầng lớp nhân dân trong buổi nói chuyện tại nhà Bác Cổ (nay là Công ty Phát hành Sách Thanh Hóa) ở TP Thanh Hóa và Rừng Thông (Đông Sơn). Người căn dặn lãnh đạo tỉnh phải chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền dân chủ của dân. Người khuyên đồng bào tổ chức lại sản xuất đi đôi với tiết kiệm “đủ trở nên giàu, giàu thì phải giàu thêm”, “Làm cho đồng bào mình khỏi đói rét, đồng bào khỏi đói rét tức là kháng chiến”. Trong không khí thắm đượm tình người, trước trọng trách đối với đất nước, Bác đề ra nhiệm vụ đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Bác về thăm Thanh Hóa lần hai vào ngày 13/6/1957. Đại biểu các tầng lớp phụ lão, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, tôn giáo, dân tộc ít người... nồng nhiệt đón Bác. Nghe báo cáo đóng góp về sức người sức của cho kháng chiến, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác ghi nhận và khen ngợi. “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ tới đó, tiếng Điện Biên Phủ tới đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Bác vui mừng về những thành tích Thanh Hóa đạt được trong cải tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất. Bác ngợi khen phụ nữ tỉnh Thanh cần cù, đảm đang thanh niên gương mẫu, tích cực lao động, sản xuất, xóa nạn mù chữ, đồng thời Bác nhắc nhở việc chơi bời quá độ, lãng phí trong ngày lễ tết, không thực hành tiết kiệm... Bác kêu gọi đoàn kết lương giáo, dân tộc, Nam Bắc, quân dân. Cuối cùng Bác nhắc nhở tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu.

Thăm Thanh Hóa lần thứ ba ngày 17/7/1960. Bác đã gặp gỡ trực tiếp nói chuyện và kéo lưới cùng ngư dân xã Quảng Vinh (TP Sầm Sơn). Bác đi thăm nhà nghỉ Tổng Công đoàn, trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng của các cụ miền Nam tập kết ra Bắc. Bác đến thăm và nói chuyện tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI. Bác muốn giai cấp công nhân phải giúp đỡ nông dân thường xuyên bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm củng cố vững chắc khối liên minh công nông.

Bác Hồ nói chuyện và kéo lưới cùng ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn), ngày 18/7/1960 (ảnh tư liệu).

Lần thứ tư, từ ngày 10 - 12/12/1961, Bác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thăm Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định), Hợp tác xã cơ khí Thành Công lá cờ đầu ngành thủ công nghiệp miền Bắc. Bác đi thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy cơ khí tỉnh, thăm trường mầm non và một số đơn vị bộ đội. Tại Sân vận động tỉnh sáng 12/12/1961 Bác đã thân mật nói chuyện và khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiến bộ trong phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, trong công tác bổ túc văn hóa. Bác phê bình những thiếu sót, khuyết điểm. Và Bác nhắc nhở những việc Thanh Hóa cần làm và nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên cần phải thật sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chống quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và đoàn, đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ”.

Ngoài bốn lần thăm, làm việc chính thức, Bác còn hai lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, gửi nhiều thư khen cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong lao động sản xuất và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Bác gửi thư ngợi khen đồng bào Thanh Hóa ủng hộ 84 triệu đồng và một số trâu, bò, ruộng, để giúp đỡ bộ đội địa phương vào tháng 6/1950, tặng khen xã Đông Anh (Đông Sơn) đã giúp đỡ bộ đội địa phương nhiều nhất: 3.800.000đ ngày 15/6/1950, thư khen quân và dân Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 12/10/1965; Thư khen HTX Đông Phương Hồng (xã Thọ Hải, Thọ Xuân) thâm canh lúa giỏi ngày 2/3/1961... Ngoài ra, Bác còn khen quân dân Hàm Rồng, trung đội dân quân xã Hoa Lộc bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, khen trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên miền Bắc, khen dân quân gái xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hoằng Hải (Hoằng Hóa), xã Hà Phú, Hà Toại (Hà Trung) bắn rơi máy bay Mỹ. Bác khen Thanh Hóa bắn rơi 297 máy bay Mỹ, làm tốt nhiệm vụ giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến, có nhiều tiến bộ trong sản xuất như Hợp tác xã Trung Hòa đạt 6,8 tấn thóc/ha mỗi năm, 3 con lợn trên 1 ha gieo trồng, 1 lao động làm 1 ha ruộng đất... Bác nhắc nhở phê bình trong sản xuất Thanh Hóa tiến bộ chậm cần cố gắng tiến nhanh hơn. Bác nhắc nhở các đồng chí phụ trách đi nhiều xuống cơ sở cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải thực hiện dân chủ. Bác lưu ý: Các chú cần tự phê bình và phê bình thường xuyên để tiến bộ. Người vào Đảng vào Đoàn không phải là để làm quan mà để phục vụ nhân dân. Chú ý việc tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Những lời dặn dò chân tình trên càng thể hiện tấm lòng cao cả của Bác đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.

50 năm Thanh Hóa thực hiện Di chúc của Bác

Sau khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, đất nước còn chưa thống nhất. Thực hiện di nguyện của Người qua bản Di chúc dài 1.000 từ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam cùng cả nước làm nên kỳ tích trong Đại thắng mùa Xuân 1975 để đất nước trọn niềm vui thống nhất.

Bước vào giai đoạn dựng xây bảo vệ đất nước, cùng cả nước Thanh Hóa khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, phía Bắc. Máu đào của nhiều con em Thanh Hóa đã đổ xuống cho Tổ quốc mãi mãi xanh tươi. Thanh Hóa đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển sản xuất, vượt qua sự bao vây cấm vận của kẻ thù, chăm lo ổn định đời sống nhân dân ở các vùng miền. Từ khi Đảng thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc từ Đại hội VI 1986. Đảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã chăm lo xây dựng củng cố khối đoàn kết thống nhất trong xây dựng quê hương, đất nước. Tỉnh tích cực tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn, tự hào với quê hương, Tổ quốc. Phát huy truyền thống hào hùng của Điện Biên Phủ, Hàm Rồng đánh Mỹ, thắng Mỹ, tỉnh đã giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Tỉnh tập trung xây dựng nhiều nghị quyết, đề án, chương trình công tác 5 năm, hàng năm, dồn sức chỉ đạo các chương trình trọng tâm tạo đột phá phát triển. Các vùng kinh tế Nghi Sơn - Tĩnh Gia, Sầm Sơn - TP Thanh Hóa, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch Thành là những đầu tàu kinh tế đưa tỉnh ta phát triển ổn định, bền vững. Từ năm 2006 đến nay thực hiện Chỉ thị 06, 03, 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo học tập và làm theo tấm gương của Bác được phát động duy trì ở tất cả các cấp, các ngành. Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác thực sự: “hợp ý Đảng, lòng dân” nên có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh vận dụng sáng tạo những chỉ bảo, dặn dò ân tình của Bác với Thanh Hóa để tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân, phát huy nguồn lực nội sinh, ngoại lực để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, sát thực tiễn có tính khả thi. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, quan tâm đào tạo, đào tạo lại cán bộ, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao... Tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng ban hành nghị quyết, chỉ thị quyết định về công tác chính trị tư tưởng như Nghị quyết số 12 “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020” Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”. Quyết định số 1089 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10 “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM” và phát động phong trào thi đua: “Chung sức xây dựng NTM”... Những văn bản trên góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể trong thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền được phân công, phân cấp và cũng là cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, sự vào cuộc của các ngành đoàn thể, sự đồng thuận của người dân nên bức tranh KT-XH của tỉnh có nhiều gam màu sáng... KKT Nghi Sơn có Liên hiệp lọc hóa dầu, Cảng nước sâu, gang thép, Nhiệt điện tạo sự bứt phá vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Cảng Hàng không dân dụng Thọ Xuân đi vào hoạt động hiệu quả. Khu công, nông nghiệp chất lượng công nghệ cao Lam Sơn, Sao Vàng đang từng bước khẳng định vị thế. Cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống kết nối giao thương trong ngoài tỉnh được xây dựng, cải tạo, nâng cấp giúp kinh tế các vùng phát triển đồng đều. Các cơ sở hoạt động tâm linh, văn hóa; Thư viện, Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ và Quảng cáo, Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ,... đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao hơn bình quân chung cả nước. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), có bước cải thiện về thứ bậc. Việc huy động vốn đầu tư ở thứ hạng cao toàn quốc. Năm 2018 thu ngân sách của tỉnh đạt trên 23 nghìn tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu toàn quốc. Hiện nay tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ khó lường như xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền, chiến tranh thương mại... đang đe dọa an ninh trật tự hòa bình thế giới. Biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến nhanh hơn, trực tiếp tác động tới nước ta qua hạn hán, mưa lũ, biển xâm thực, sạt lở núi, bờ sông... Các thế lực thù địch có nhiều thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham nhũng, quan liêu lãng phí vẫn còn ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện và còn sơ hở. Những hạn chế thiếu sót trên cần sớm khắc phục, sửa chữa. Hơn lúc nào hết Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động mọi cấp, mọi ngành thực hiện làm theo Di chúc của Bác để khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự tôn, tự hào với quê hương, đất nước. Tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở và đảng viên nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Làm tốt được những điều đó chúng tôi tin rằng tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ từng căn dặn.

Phạm Minh Trị


Phạm Minh Trị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]