(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cách đây 71 năm, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là văn kiện thể hiện sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc, là mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên đế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kế thừa Tuyên ngôn Độc lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

(VH&ĐS) Cách đây 71 năm, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là văn kiện thể hiện sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc, là mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên đế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa.

Diễu hành kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/2015 trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội (ảnh: Tư liệu)

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường, trí tuệ và hòa khí tinh anh của ông cha ta xưa, cộng với sự tư duy sáng tạo, thông minh, nhìn xa trông rộng; có sự tham khảo những quan điểm đúng đắn về chủ quyền quốc gia, quyền của con người trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của thế giới, đó là Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp 1791.

Trên cơ sở chân lý, chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam, bản Tuyên ngôn khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được “hưởng tự do độc lập” đồng thời cũng vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam “sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”. Nếu “Các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê hê rang (Tehran ở Iran) và Cựu Kim Sơn (San Francisco), quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn đã khẳng định lại một lần nữa quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất cứ dân tộc nào khác.Và để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” để giành độc lập, thống nhất với những chiến công hiển hách: đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp đó, trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành toàn thắng trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, nhân dân ta lại phải tiếp tục tiến hành các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đến nay, qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, tăng cường, nâng cao tầm mới.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Biển Đông trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới.

Quán triệt và kiên định tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập, Đảng ta vẫn nhất quán khẳng định: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển bền vững đất nước”. “Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.

Độc lập dân tộc hiện nay không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc bên ngoài biên giới lãnh thổ (biên giới mềm). Do đó, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”. Để có thể giữ nước từ khi chưa nguy, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên Biển Đông, phải thực hiện cho bằng được: “Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị- xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.

Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi là một áng hùng văn bất hủ,là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng vào quá trình hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]