(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 21 tháng 5, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Thông báo số 141/TB-UBND về nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Nội dung kết luận như sau:

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến

Ngày 21 tháng 5, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Thông báo số 141/TB-UBND về nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Nội dung kết luận như sau:

Ngày 20 tháng 5 năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì cuộc họp về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; các đồng chí Chủ tịch UBND, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Trụ sở UBND tỉnh, 27 điểm cầu tuyến huyện và một số điểm cầu tuyến xã.

Sau khi nghe Giám đốc sở Y tế báo cáo tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19; ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị; Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh kết luận như sau:

1. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các cấp chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch; đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn được kiểm soát tốt. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương: Nga Sơn, Ngọc Lặc, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn…, đã nỗ lực cố gắng, quyết tâm, quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần quản lý, kiểm soát rất hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

2. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, trong nước, trong tỉnh diễn biến hết sức phức tạp; đặc biệt đã xuất hiện nhiều ổ dịch lây lan tại các khu công nghiệp có đông người lao động ở các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng,…; trong đó, có nhiều lao động là người Thanh Hóa hoặc công dân tỉnh ta đã từng đến, trở về từ các tỉnh, thành phố này trong thời điểm có dịch. Thời gian tới, dự báo số lượng người trở về từ vùng dịch có thể sẽ tăng lên khi các nhà máy tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động, đây sẽ là nguồn lây nhiễm có nguy cơ rất cao để dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát, khó kiểm soát tại tỉnh ta; do đó, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương để kiểm soát tốt và ngăn chặn làn sóng dịch lây lan. Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung sau đây:

2.1. Yêu cầu các cấp chính quyền, các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Trước mắt tập trung triển khai một số giải pháp mang tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, giám sát người từ các địa phương có dịch trở về.

2.2. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các thôn bản, tổ dân phố, khu dân cư, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các tổ giám sát tại cộng đồng, phối hợp với lực lượng công an rà soát, bám sát địa bàn, nắm rõ nhân khẩu trên địa bàn quản lý; lập danh sách tất cả những công dân đang học tập, làm việc, sinh sống ở ngoài tỉnh trở về địa phương để quản lý, theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng dịch khi cần thiết.

2.3. Tập trung phương tiện, nhân lực thực hiện rà soát triệt để tất cả những người ở các tỉnh, thành phố có dịch, ổ dịch, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp đang có dịch (nhất là ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) nếu trở về địa phương, phải truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, nhất là các trường hợp là F1, F2 của BN 4694 tại huyện Ngọc Lặc là công nhân làm việc từ KCN tỉnh Bắc Giang trở về Thanh Hóa.

2.4. Kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2021, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tổ chức thực hiện cách ly tại gia đình 14 ngày đối với người trở về địa phương từ các tỉnh có dịch; cách ly tập trung 21 ngày đối với người trở về từ các ổ dịch, điểm có dịch.

2.5. Yêu cầu tất cả người từ tỉnh ngoài trở về địa phương, kể cả không đi qua các điểm dịch phải tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà ít nhất 5 ngày; chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện đầy đủ thông điệp 5K; cơ quan y tế và lực lượng chức năng xác minh, theo dõi diễn biến của dịch tễ, nếu phát hiện tình huống nghi ngờ phải kịp thời có biện pháp xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền. Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi đến vùng có dịch, địa phương có dịch; nếu bắt buộc phải đi, khi về phải thực hiện khai báo y tế để cán bộ y tế địa phương theo dõi, xử lý tình huống khi phát sinh.

2.6. Siết chặt quản lý tại khu cách ly tập trung, giám sát chặt các trường hợp cách ly tại nhà; xác định rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nhất là các trường hợp từ vùng dịch trở về không khai báo, khai báo không trung thực, tùy mức độ sai phạm có thể xử lý hành chính, nếu cần thiết áp dụng xử lý hình sự và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

2.7. Giao Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông vận tải hành khách của tỉnh theo các quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu, các chủ phương tiện vận tải hành khách chỉ được vận chuyển tối đa 50% số ghế trên mỗi phương tiện và phải giữ khoảng cách an toàn; ghi chép nắm thông tin của hành khách (địa chỉ, số điện thoại…); chủ phương tiện cam kết không vận chuyển khách đến và về từ các tỉnh có dịch, vùng có dịch; tăng cường xử lý nếu vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

2.8. Giao Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ vật tư, sinh phẩm, máy móc, trang thiết bị bảo đảm công tác phòng, chống dịch; tăng cường triển khai xét nghiệm sàng lọc tầm soát 10-20% cho công nhân ở các khu công nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viên, sân bay, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông;… Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố khi có F0, F1, hỗ trợ truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh, hướng dẫn cụ thể địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thông báo kết quả kịp thời đến cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân.

2.9. Về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: Giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một số bệnh viện tuyến tỉnh, các huyện thiết lập các tổ phản ứng nhanh ứng trực khi xuất hiện tình huống dịch, lập tức chi viện các huyện, thị xã, thành phố. Bố trí tại mỗi điểm bầu cử ít nhất 2 máy đo thân nhiệt, để thực hiện đo thân nhiệt, kịp thời phát hiện, sàng lọc nguy cơ cho tất cả cử tri tham gia bầu cử.

2.10. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, phối hợp các cơ quan thông tấn Báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, tăng cường thời lượng tuyên truyền về bầu cử, về công tác phòng, chống dịch.

2.11. Về chế độ thông tin: Các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật tình hình và báo cáo số liệu về Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch qua số điện thoại đường dây nóng sau: Sở Y tế: 0944.943.115; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: 0916.803.115. Yêu cầu tất cả các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đến cấp cơ sở và bố trí người trực 24/24 để nhân dân liên hệ, phản ánh.

2.12. Về các kiến nghị đề xuất của các đơn vị, địa phương: Chủ tịch UBND tỉnh đã có trả lời tại hội nghị, giao Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, để các sở, ngành, cơ quan, UBND huyện, thị xã, thành phố biết, thực hiện và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]