(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Định Long (Yên Định) các địa phương, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết liệt tập trung dập dịch và ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khẩn trương phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Định Long (Yên Định) các địa phương, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết liệt tập trung dập dịch và ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát.

Ngày 23/2, tại trang trại hộ gia đình ông Lê Văn Thanh ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định), có 48 con lợn bị chết. Ngay khi xảy ra sự việc, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu phủ tạng lợn và 2 mẫu máu lợn của hộ ông Thanh để xét nghiệm. Kết quả, 5 bệnh phẩm (3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu) này dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng III (Bộ NN&MTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y Thanh Hóa tiêu hủy toàn bộ số lợn 226 con tại hộ ông Lê Văn Thanh. Đồng thời, UBND huyện Yên Định đã ban hành các quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Định Long. Hiện nay, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã tạm cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, cùng với 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng. Bên cạnh đó, huyện Yên Định cũng đã thành lập 5 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm soát quanh vùng đệm, 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài...

Chốt kiểm dịch ở xã Định Long (Yên Định) phòng dịch tả lợn châu Phi lây lan sang các vùng lân cận.

Khi huyện Yên Định xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện giáp ranh Vĩnh Lộc đã nhập bổ sung gần 500 lít hóa chất để cấp phát cho các địa phương tiến hành phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, nhất là những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Trao đổi với chúng tôi ông Tào Quang Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lộc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tỉnh, huyện đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh này. Theo đó, UBND huyện Vĩnh Lộc yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chỉ đạo cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra đàn lợn, nếu phát hiện lợn mắc bệnh và chết, hoặc nghi là lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép phải báo ngay với huyện để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền tới trưởng thôn, khu phố, hộ chăn nuôi lợn trong cuộc họp giao ban tháng hoặc lồng ghép vào cuộc sinh hoạt cộng đồng tại xã, thị trấn.

Tại huyện Thạch Thành, đến thời điểm này các xã, thị trấn trên địa bàn đã sẵn sàng tổ chức mọi nhân lực, vật lực để đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Ông Hoàng Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm Thú y Thạch Thành cho biết: Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, huyện tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý.

Đến thời điểm này, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã chủ động cấp phát đầy đủ hóa chất cho các địa phương tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2019. Đồng thời, chi cục cũng đã chuẩn bị đủ nguồn hóa chất, vôi bột, phương tiện, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở giết mổ gia súc tập trung, khu vực chợ buôn bán sản phẩm tươi sống, các cơ sở, ban quản lý chợ đều tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc 1 ngày 1 lần nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Với tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp; triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện nghiêm công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và sự chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm ngăn ngừa lây nhiễm bệnh dịch.

Theo các chuyên gia, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin phòng và điều trị, nên biện pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch là tiêu độc khử trùng. Để làm được điều đó, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì rất cần sự phối hợp của chính người chăn nuôi, người tiêu thụ thịt lợn.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]