(vhds.baothanhhoa.vn) - Mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước là nhiệm vụ, ý chí, cũng là khát vọng của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Điều đó được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 37 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng vươn lên

Mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước là nhiệm vụ, ý chí, cũng là khát vọng của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Điều đó được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 37 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Khát vọng vươn lên

Bác Hồ bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa về dự mít tinh cùng hát vang bài ca “Kết đoàn” ngày 12-12-1961, tại Sân vận động tỉnh. Ảnh: tư liệu

Trong lần cuối cùng về thăm Thanh Hóa, 12-12-1961, tại Sân vận động tỉnh, Bác đã bắt nhịp cho đồng bào Thanh Hóa bài ca “Kết đoàn”: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh; Kết đoàn chúng ta là sắt gang; Đoàn kết ta bền vững dù sắt hay là gang...”. Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, vừa ra sức chống chọi với thiên tai, bão lũ hàng năm, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Với phương châm Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá, nhằm tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Năm 2021, cùng với cả nước, Thanh Hóa tập trung lớn sức người, sức của cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, từ sớm, từ xa và có trọng tâm, trọng điểm, Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, đứng thứ 5/63 tỉnh thành phố cả nước; giải ngân vốn đầu tư công thuộc nhóm các tỉnh/thành có tỷ lệ giải ngân cao cả nước; thành lập mới 3.729 doanh nghiệp, vượt 24,3% kế hoạch và đứng thứ 4 cả nước...

Cũng trong năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa để cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Những quyết sách lớn, xung lực mới này sẽ tạo cơ hội, cơ sở hành lang pháp lý để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Chưa bao giờ Thanh Hóa có vận hội phát triển lớn như hiện nay. Đó là điều kiện để thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, đó là: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.

Để xây dựng một Thanh Hóa thịnh vượng, năm 2022 mang ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Thanh Hóa đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.800 USD trở lên; tổng giá trị xuất khẩu đạt 5.700 triệu USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 145.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách Nhà nước đạt 28.143 tỷ đồng trở lên... Đặc biệt, đón đầu “làn sóng” phát triển, nhiều dự án lớn của các tập đoàn kinh tế như: Vingroup, Sungroup, Eurowindow, T&T... đã có mặt tại Thanh Hóa.

Khát vọng vươn lên

TP Thanh Hóa đang vươn mình để thực hiện và xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước. Ảnh: Trần Đàm

Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, mỗi sở, ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh đang quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm tạo đột phá trong phát triển. Là đô thị lớn của tỉnh, trong 5 năm qua, TP Thanh Hóa đã thực hiện thành công công tác giải phóng mặt bằng phục vụ 336 dự án, trong đó có 60 dự án quy mô lớn, với 19.224 hộ bị ảnh hưởng, 665,14 ha đất thu hồi, giá trị bồi thường đã phê duyệt 2.795 tỷ đồng, bố trí tái định cư cho 1.483 hộ với 2.101 lô đất; một số dự án lớn của Trung ương, của tỉnh triển khai trên địa bàn đã được bàn giao cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ, góp phần quan trọng vào thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Với mong muốn và kỳ vọng TP Thanh Hóa trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước, ngày 25-10-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 05 về “Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo cơ hội cho thành phố khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để xây dựng đô thị tỉnh lỵ có bước phát triển cao hơn. Theo đó, nghị quyết đặt ra, đến năm 2025, đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 180.000 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu đạt 10.660 triệu USD; tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 15%; thành lập mới 6.500 doanh nghiệp; tỷ lệ đô thị hóa đạt 98%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 95%;...

Là huyện nghèo nhất của cả tỉnh, trong những năm qua, huyện Mường Lát tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ về dân sinh và các dịch vụ xã hội, huy động mọi nguồn lực, thực hiện lồng ghép và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án; đẩy mạnh phát triển sản xuất, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát: Trong những năm qua, huyện Mường Lát đã hỗ trợ cho khoảng 45.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà ở, gần 12.000 hộ chuyển đổi ngành nghề; xây dựng và đưa vào sử dụng trên 3.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 22 trung tâm cụm xã, trên 200 công trình nước sinh hoạt tập trung thôn, bản... Việc thực hiện công tác giảm nghèo ở Mường Lát sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân khu vực miền núi tăng gấp 2 lần so với năm 2020”.

Có được những thành quả này, trong đó có bài học về sự đoàn kết, sắp đặt, điều khiển mà Người đã chỉ ra từ 75 năm trước. Tại Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: “Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi to lớn, nhưng muốn biến những thời cơ, thuận lợi thành hiện thực, vượt qua mọi khó khăn thách thức thì mỗi cá nhân, tập thể cần phải có khát vọng vươn lên”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]