(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 7/4 (22 tháng 2 năm Mậu Tuất) tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn khí phách Bà Triệu

Ngày 7/4 (22 tháng 2 năm Mậu Tuất) tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thanh Hóa tưởng nhớ, tri ân Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. (ảnh Ngọc Huấn)

Kỷ niệm 1770 năm ngày mất anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 là sự kiện văn hóa lớn, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, về khí phách của nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Qua đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bồi đắp truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá mạnh mẽ về di tích lịch sử và kiến trúc đến Bà Triệu, về hình ảnh quê hương và con người xứ Thanh anh hùng. Với ý nghĩa to lớn ấy, sự kiện đã có sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai mạc Lễ hội Bà Triệu năm 2018.(ảnh Ngọc Huấn)

Về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng trình bày diễn văn kỷ niệm 1770 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018. (ảnh Ngọc Huấn)

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố trong tỉnh; cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Lời thề trinh nữ” tái hiện hình tượng Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô. (ảnh Ngọc Huấn)

Vào thế kỷ thứ 3, nước ta bị giặc Đông Ngô xâm lược. Chúng áp bức, bóc lột, chà đạp khiến cuộc sống nhân dân ta vô cùng khổ cực. Lúc ấy, nữ tướng Triệu Thị Trinh và anh trai Triệu Quốc Đạt đã dựng cờ, dấy binh khởi nghĩa, thu hút đông đảo nghĩa quân, binh sĩ tham gia. Giữa lúc cuộc khởi nghĩa đang trên đà thắng thế thì người anh trai Triệu Quốc Đạt gặp nạn tử trận, nén đau thương thành hành động, người con gái Triệu Thị Trinh thay anh tiếp tục phất cờ khởi nghĩa đấu tranh, khiến giặc Ngô vô cùng khiếp sợ. Cuộc khởi nghĩa liên tiếp giành thắng lợi, nhanh chóng lan tỏa khắp vùng. Từ khu vực núi Nưa (Triệu Sơn) nghĩa quân Bà Triệu đánh xuống vùng đất Hậu Lộc ngày nay. Lo sợ trước sức mạnh cuộc khởi nghĩa, giặc Đông Ngô đã huy động lực lượng đàn áp, dùng tiền bạc mua chuộc, mưu hèn kế bẩn nhằm lung lay ý chí nghĩa quân, đẩy cuộc khởi nghĩa đi đến thất bại. Không chịu khuất phục trước sức mạnh quân xâm lược, nữ thủ lĩnh Triệu Trinh Nương đã anh dũng hi sinh, để lại cho đời câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Nghi lễ rước kiệu truyền thống. (ảnh Ngọc Huấn)

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng nó đã khiến quân xâm lược phương Bắc phải nhìn nhận và thán phục về lòng tự tôn, tự hào dân tộc của người Việt, không thể chịu cảnh nô lệ, lầm than. Để kẻ thù hiểu rằng “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Kế tục tinh thần, khí phách Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, phụ nữ xứ Thanh nói riêng và phụ nữ Việt nói chung vẫn đang từng ngày cố gắng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Thương tiếc sự hi sinh của vị nữ tướng thủ lĩnh anh hùng, nghĩa sĩ và nhân dân đã dựng tháp, xây lăng mộ Bà trên đỉnh núi Tùng, khắc tên trên đá. Đồng thời, lập đền thờ ở khu vực chân núi Gai xã Triệu Lộc (cách núi Tùng chưa đầy 500m) và suy tôn là vị Vua bà mà hậu thế vẫn thường gọi tên Bà Triệu. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử dân tộc được chính quyền nhà nước phong kiến phong thần. Trải qua thời gian, nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền thờ và khu lăng mộ Bà Triệu đã và đang trở thành điểm đến tâm linh, tham quan, ngắm cảnh vô cùng hấp dẫn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu. (ảnh Ngọc Huấn)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã bày tỏ lòng tự hào, biết ơn đối với những đóng góp cho lịch sử dân tộc của Bà Triệu. Đồng chí đề nghị Sở VH,TT&DL phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu thực sự trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn. Tăng cường công tác tuyên truyền, kết nối di tích với các điểm đến trong và ngoài tỉnh, đặc biệt cần xây dựng tour du lịch kết nối với các di tích, di sản khác nhằm giới thiệu, quảng bá, phục vụ du khách trong năm Du lịch quốc gia 2018 diễn ra tại Quảng Ninh.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống: Tế lễ truyền thống; dâng hương tại đền thờ và khu lăng mộ Bà Triệu... Trong đó phải kể đến nghi thức rước kiệu do người dân xã Triệu Lộc đảm trách. Đây là nghi thức truyền thống vô cùng độc đáo, hấp dẫn với những yếu tố tâm linh, niềm tin tín ngưỡng.

Lễ hội Bà Triệu năm 2018 thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham quan. (ảnh Ngọc Huấn)

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Lời thề Trinh nữ” đã tái hiện sống động hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa năm xưa; cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh.

Trong khuôn khổ lễ hội, Trung tâm Triễn lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh tổ chức triển lãm “Thanh Hóa miền di sản” giới thiệu gần 100 tư liệu hình ảnh có giá trị mang đặc trưng về miền di sản xứ Thanh.(ảnh Ngọc Huấn)

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện này đã diễn ra hoạt động trưng bày, triển lãm gần 100 bức ảnh về Khu di tích và Lễ hội Bà Triệu, các di tích, danh thắng nổi bật và các lễ hội độc đáo của xứ Thanh. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc trên khắp các địa phương của tỉnh Thanh Hóa như: Lễ hội Đền Nưa - An Tiêm gắn với kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; Hoạt động dâng hương, tế lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Nghè Trúc, xã Định Tiến (Yên Định); Dâng hương, tế lễ tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]