(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Học tập tấm lòng nhân ái, bao dung của Bác, bất chấp khó khăn, thiếu thốn, hơn 13 năm qua, Bác sĩ Lê Văn Tự - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Sơn (Quan Hóa) đã tình nguyện gắn bó cùng những người có "H" và công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS với mong muốn hết sức giản dị và giàu ý nghĩa nhân văn: "Để không còn những gia đình, những mảnh đời phải chịu bất hạnh do HIV gây ra".

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một bác sĩ tận tâm với người nhiễm “H”

(VH&ĐS) Học tập tấm lòng nhân ái, bao dung của Bác, bất chấp khó khăn, thiếu thốn, hơn 13 năm qua, Bác sĩ Lê Văn Tự - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Sơn (Quan Hóa) đã tình nguyện gắn bó cùng những người có "H" và công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS với mong muốn hết sức giản dị và giàu ý nghĩa nhân văn: "Để không còn những gia đình, những mảnh đời phải chịu bất hạnh do HIV gây ra".

Xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa - nơi người dân vẫn gọi là “tam giác vàng”, từ lâu đã trở thành điểm nhức nhối về ma túy. Ở Trung Sơn, hiếm có gia đình nào không có người dính ma túy, HIV/AIDS hay tù tội. Thậm chí, nhiều nhà có con gái lớn phải đưa xuống dưới xuôi hoặc vào Nam, với hy vọng không lấy phải người chồng bị nghiện ma túy hay nhiễm “H”. Toàn xã có khoảng 250 người nghiện ma túy, còn theo hồ sơ quản lý là 118, có 76 người nhiễm HIV, chủ yếu lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm, tuy nhiên con số thực tế còn lớn hơn nhiều.

Hàng ngày, tận mắt chứng kiến những số phận, những gia đình trong xã bị ma túy và HIV tàn phá, bác sĩ Tự luôn trăn trở phải làm điều gì đó để hạn chế bớt nỗi đau này. Với suy nghĩ đó, anh đã tham mưu giúp Trạm Y tế xã làm tốt công tác tuyên truyền các kiến thức về phòng tránh lây nhiễm và chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS. Với những bệnh nhân đến thực hiện dịch vụ y tế, điều trị tại trạm, anh luôn động viên các y sĩ, y tá trong trạm nhiệt tình giúp đỡ, chăm sóc để họ vượt qua sự mặc cảm, tự ti.

Đồng thời, bác sĩ Tự còn chủ động sắp xếp công việc chuyên môn để có thời gian học thêm tiếng dân tộc và tìm đến từng bản trong xã, vận động người dân, nhất là những gia đình có con em mắc nghiện ma túy hoặc bị nhiễm HIV/AIDS, giúp họ nâng cao ý thức phòng, chống lây nhiễm.

Bác sĩ Lê Văn Tự - luôn trăn trở để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Tại gia đình anh Ngân Văn Độ, một người bị nghiện ma túy lâu năm và cũng bị nhiễm HIV ở bản Tà Bán, bác sĩ Lê Văn Tự đã tận tình tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ cho bệnh nhân cách dùng thuốc và chăm sóc sức khỏe. “Phải cố gắng uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Bây giờ mùa lạnh phải giữ ấm cơ thể, nếu không sức đề kháng yếu dễ bệnh lắm”, bác sĩ căn dặn, anh Độ ngân ngấn giọt lệ đắng cay nơi khóe mắt.

Anh Độ tâm sự: “Nếu không có bác sĩ Tự, mình chắc chết rồi. Lúc đầu bị bệnh, mình chỉ muốn chết, may có anh thường xuyên động viên giúp mình điều trị và vượt qua mặc cảm để tiếp tục sống và vươn lên”.

Trung Sơn có đến 70% là dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn. Nên khi nghiện ngập, tệ nạn xã hội là không tránh khỏi, trộm cắp thường xuyên xảy ra. Nếu tính trung bình mỗi người nghiện sử dụng 300.000 - 500.000 đồng/ngày, nhân với trên 100 người nghiện thì số tiền mỗi tháng họ tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Riêng tại bản Co Me đã có đến 40 người chết vì HIV. Phần lớn trong số đó có nguồn gốc lây nhiễm từ tiêm chích ma túy.

Anh Phạm Bá Biền (44 tuổi) bản Chiền, xã Trung Sơn, có “thâm niên” nghiện ma túy 10 năm, nay đều đặn hàng ngày đến uống thuốc cai nghiện Methadone tại Trung tâm Y tế xã kể: “Nếu không được các bác sĩ, y tá ở đây cho uống Methadone, chắc tôi cũng đã “xanh cỏ” từ lâu rồi!”.

Tìm đến từng bản của xã, qua câu chuyện của bà con dân tộc ở đây, chúng tôi như hiểu rõ hơn ý nghĩa lớn lao trong những công việc giản dị của bác sĩ Tự và cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Trung Sơn. Tâm lý chung của người bị HIV/AIDS và thân nhân là ngại tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh. Do đó, có những trường hợp bác sĩ Tự phải tìm đến nhà 5 - 7 lần. Lúc đầu, họ còn giữ thái độ e dè, ngại ngùng, thậm chí là... không tiếp. Những rồi chính sự chân thành, nhiệt tình của anh đã làm cho họ hiểu và tích cực tham gia công tác phòng, chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Điều này lý giải vì sao những năm qua, cuộc sống của những người nghiện ma túy và người nhiễm HIV/AIDS ở xã vùng núi Trung Sơn đã có nhiều thay đổi rõ nét. Hiện nay, nhiễm HIV đã được điều trị ARV và uống thuốc dự phòng nên giúp giảm tỷ lệ tử vong do AIDS, những người nghiện ma túy vẫn đều đặn uống methadone.

Được biết do điều kiện nhà ở xa, cách trung tâm y tế 200 km nên hàng tháng bác sĩ Tự chỉ được về nhà 1 lần, thời gian sống tại trạm là chủ yếu. Dù phải kiêm nhiệm nhiều công việc tại trạm, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng bác sĩ Tự vẫn một lòng gắn bó với bà con nơi đây.

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng nghiện ma túy, lây truyền HIV/AIDS ở vùng núi, những việc làm bình dị của bác sĩ Lê Văn Tự thật đáng trân trọng. Những đóng góp thầm lặng nhưng giàu ý nghĩa xã hội của bác sĩ Tự vừa trực tiếp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, hướng đến sớm đẩy lùi HIV/AIDS ra khỏi cuộc sống của bà con.

Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]