(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ông Trần Chí Diệm, SN 1923, quê quán ở phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ rất sớm rồi được cử công tác biệt phái ở Thanh Hóa theo lệnh của Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh. Điều đặc biệt là tại Thanh Hóa, ông vinh dự được gặp Bác Hồ và được nghe Bác nói chuyện về cuộc kháng chiến chống Pháp, về vấn đề kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thành công và về vấn đề cán bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một người Huế được gặp Bác trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa

(VH&ĐS) Ông Trần Chí Diệm, SN 1923, quê quán ở phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ rất sớm rồi được cử công tác biệt phái ở Thanh Hóa theo lệnh của Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh. Điều đặc biệt là tại Thanh Hóa, ông vinh dự được gặp Bác Hồ và được nghe Bác nói chuyện về cuộc kháng chiến chống Pháp, về vấn đề kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thành công và về vấn đề cán bộ.

Ông Trần Chí Diệm.

Bác nói về kháng chiến kiến quốc

Khi nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã quyết định về thăm Thanh Hóa.

Cũng trong sáng ngày 20/2/1947, ông Trần Chí Diệm được ông Bùi Đạt (sau này là Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa từ tháng 4/1948 đến tháng 3/1949) cho người đến gọi. Ông Trần Chí Diệm nhớ lại: “Tôi đi bộ... lên phía Rừng Thông. Đến đầu núi, rẽ theo đường mương nước. Đi một đoạn nữa, có người đứng gác, hỏi tên. Tôi nói rõ tên, anh chỉ cho tôi vào xóm nhỏ, rẽ vào một ngôi nhà lá. Vào đến nơi, tôi đã thấy mấy chục đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đang ngồi quây quần quanh Bác. Hình như câu chuyện mới bắt đầu. Được ngồi gần, tôi nhìn Bác rất rõ. Dáng Bác dong dỏng cao, chòm râu đen. Khuôn mặt gầy khô, rắn rỏi. Mắt sáng và đầm ấm”.

Theo lời kể của ông Trần Chí Diệm, đầu tiên Bác nói về kháng chiến chống thực dân Pháp. Bác nói:

- Ta thật sự đã bắt đầu đánh Tây hai tháng nay rồi. Tây mạnh lắm, nhiều súng ống, đạn dược. Nhiều tàu bay, tàu thủy, tàu bò, xe tăng, thiết giáp. Người nó cũng đủ loại: Tây trắng, Tây đen, cả Việt gian nữa. Còn ta thì chi cũng thiếu. Thiếu súng đạn, thiếu cả mã tấu. Cho nên bắt đầu đánh nhau thì ta thua nhiều hơn được. Thua nhiều mà cũng cứ đánh, phải không các chú?

- Dạ, đúng ạ!

Bác cười:

- Dần dần ta đánh trận được trận thua. Ta vừa đánh vừa lấy được súng đạn nó. Mình cũng chế thêm được súng đạn nữa. Ta đánh tiếp. Ta càng đánh, càng được nhân dân ủng hộ. Vì thực dân Pháp cậy mạnh, đi đến đâu nó cũng cướp bóc, hà hiếp. Vì vậy dân ta càng oán ghét chúng, càng ghét kẻ thù thì càng yêu cách mạng, phải không nào?

- Dạ, phải ạ!

Bác nói tiếp:

- Nó đánh ta lúc đầu thật ồ ạt, thật mạnh, tưởng là được ngay. Không ngờ ta càng đánh càng có kinh nghiệm. Càng có kinh nghiệm thì đánh thắng nhiều hơn thua, sau ta mạnh lên nữa thì nhất định Tây thua, ta được. Chưa biết mấy năm nhưng nhất định cuối cùng ta sẽ được, Tây sẽ thua.

Nói đến đây, Bác cười vui. Tất cả chúng tôi đều cười, đều phấn chấn, tin tưởng ở chiến thắng.

Bác lại hỏi một câu rất bất ngờ:

- Tây thua, Tây về Tây. Còn ta được thì ta làm gì nhỉ? Lúc đó các chú làm gì nhỉ?

Có hai ba anh em cùng thưa với Bác:

- Dạ lo kiến thiết xây dựng đất nước ạ.

Bác lại cười:

- Các chú mà kiến thiết à? Lúc đó các chú có một cái nghề rất giỏi, đó là cái nghề đánh nhau. Các chú ngồi ở chỗ nào, vị trí nào cũng đem nghề đánh nhau ra mà làm thì kiến thiết sao được. Cho nên muốn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng thì ngay từ bây giờ, vừa tham gia kháng chiến đánh Pháp, phải vừa học thêm một nghề khác. Mà phải học ngay từ bây giờ để cho thật giỏi, khi rời cây súng trên tay thì đem nghề ấy ra mà dùng. Có được không nào?

Xoay quanh chuyện kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác mở ra rất rộng ở các lĩnh vực: Thanh Hóa là kho người, kho của, đã từng là phên dậu của đất nước trải qua bao cuộc kháng chiến của dân tộc. Rồi tới chuyện Thanh Hóa làm vườn không nhà trống quyết không cho giặc tới có chỗ dừng chân...

Năm Đinh Dậu 1957, Bác lại về thăm Thanh Hóa.

Bác nói về công tác cán bộ

Sau cùng Bác chuyển sang một đề tài rất thiết thân cho từng cán bộ cách mạng, ông Trần Chí Diệm nhớ lại.

Bác hỏi: Các chú có biết cán bộ là gì không nào?

Một anh thưa:

- Dạ thưa Bác, cán bộ là người phải chịu thương chịu khó.

Một anh khác nói:

- Dạ là người phải hy sinh gương mẫu. Phải biết cực trước sướng sau ạ.

Nhiều cánh tay nữa giơ lên xin nói.

Bác vui cười khen:

- Các chú nói đều đúng cả.

Rồi Bác giải thích theo cách của Bác. Bác hỏi:

- Các chú có biết cái khuôn bánh không nhỉ?

Rồi Bác giơ tay ra hiệu:

- Nó như thế này này. Cái khuôn mà vuông thì cái bánh nó cũng vuông. Khuôn tròn thì bánh tròn. Khuôn dài thì bánh dài, đúng không nào?

Bác nói tiếp:

- Nếu cái khuôn mà méo thì bánh nó cũng méo, phải không? Có ai thích cái khuôn méo để có cái bánh méo không? Chắc là không ai thích cả.

Dừng một lát Bác lại hỏi:

- Các chú có biết cái sợi dây chuyền không nhỉ. Cái sợi dây chuyền nó chuyển vật từ đằng này đến đằng kia, từ bên này qua bên kia, từ trên chuyền xuống. Có sao chuyền vậy. Nhẹ chuyền nhẹ, nặng chuyền nặng. Nó chuyền không sai một tý nào cả. Cũng gần như vậy, người cán bộ như sợi dây chuyền cách mạng. Dưới chuyền lên sai, trên theo cái sai mà cứ tưởng là đúng, cứ thế mà giải quyết, công việc hỏng hết. Nếu chuyền từ trên xuống mà sai, thì công việc ở dưới cũng hỏng hết. Cán bộ là cái khuôn, là cái dây chuyền, phải là cái khuôn tốt, cái sợi dây chuyền tốt thì cách mạng, kháng chiến mới mau thành công, mau đến mục đích.

“Cách giải thích của Bác thấm thía tận cùng” - ông Trần Chí Diệm nhận định.

“Mỗi lần trở lại chân núi Rừng Thông, trở lại Bản Nguyên là mỗi lần từng lời Bác căn dặn chúng tôi ngày ấy... vẫn rõ từng lời. Những lời căn dặn ấy vẫn cứ thiết thực mãi cho tới mai sau” - ông Trần Chí Diệm bày tỏ cảm xúc của mình.

Huế, ngày 27-2-2017

Nguyễn Văn Toàn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]