(vhds.baothanhhoa.vn) - Càng về trưa nắng nóng càng gay gắt khiến nhiều người không dám ra đường. Tuy nhiên, vì mưu sinh, những người lao động, nhất là những lao động tự do vẫn vật lộn giữa trời.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Càng về trưa nắng nóng càng gay gắt khiến nhiều người không dám ra đường. Tuy nhiên, vì mưu sinh, những người lao động, nhất là những lao động tự do vẫn vật lộn giữa trời.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Gần 9 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, sức nóng hừng hực từ mặt đường hắt lên khiến ai ra khỏi nhà cũng khăn áo bịt kín. Vậy mà những người lao động làm việc ngoài trời vẫn phải phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt để mưu sinh.

Gò lưng xúc từng xẻng cát bỏ vào máy trộn vữa, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm trên khuôn mặt rám đỏ vì nắng, chị Lê Thị Tình ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, trải lòng: “Vẫn biết làm nghề phụ hồ là công việc nặng nhọc đối với phụ nữ, nhất là lại làm việc dưới trời nắng nóng gay gắt, nhưng nếu không làm nghề này thì tôi biết kiếm việc gì để có mức thu nhập 200.000 đồng/ngày”.

Để chống chọi với nắng nóng chị Tình đã khoác thêm chiếc áo vải dày, trang bị găng tay, khăn bịt mặt và đi thêm đôi giày vải. Nhưng với nền nhiệt lên đến 40 độ C đã làm chị có lúc bị say nắng. Để tránh nắng, đội thợ xây của chị đã thống nhất thời gian đi làm: Buổi sáng từ 6 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 3 giờ đến 7 giờ.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Tương tự, các công nhân làm cầu, đường cũng vất vả không kém. Gần 10 giờ 30 phút, nắng như thiêu như đốt nhưng hàng chục công nhân của Công ty CP Xây lắp MBM Group vẫn miệt mài làm việc. Sức nóng hầm hập từ mặt đường hắt ra, nhưng họ vẫn lặng lẽ lau mồ hôi, chấp nhận rát mặt để mưu sinh.

Anh Nguyễn Văn Việt, thợ làm cầu của công ty này cho biết: Đảm bảo sức khỏe cho anh em công nhân, lãnh đạo công ty đã bố trí thời gian làm việc phù hợp để tránh nắng. Tuy nhiên, dù giờ làm việc buổi sáng bắt đầu từ 6h30 phút đến 10 giờ 30 phút và buổi chiều từ 2 giờ đến 6 giờ nhưng với thời tiết nắng nóng như mấy ngày qua, quả thật công nhân làm cầu, đường rất vất vả.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Gần 11 giờ trưa, cái nắng như thiêu như đốt, tựa như chảo lửa đang phả vào lưng, vào mặt, nhưng nhiều người dân phố 2, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa vẫn cặm cụi cấy lúa trên cánh đồng.

Chị Lê Thị Thu cho biết: Dẫu biết cúi mặt cấy lúa vào giờ này, nắng dội vào lưng, hơi nước bốc lên từ ruộng phả vào mặt nóng rát rất khó chịu. Song, vì phải chạy đua cho kịp thời vụ, cộng với nước trong ruộng gần hết nên phải cố gắng cấy cho nhanh xong ruộng.

Hằng ngày, tôi lo dậy sớm đi cấy từ lúc 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa về, còn buổi chiều đi từ 3 giờ đến 7 tối mới về.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Là shipper giao hàng, anh Vũ Tuấn Anh tất bật nhất vào buổi trưa và cuối chiều. Theo anh, hầu hết khách khi đặt hàng qua mạng đều hẹn ngoài giờ hành chính để nhận hàng. Vì vậy, dù nắng gay gắt cỡ nào, tôi vẫn phải rong ruổi khắp các ngõ ngách để đưa hàng cho khách. Mỗi đơn hàng tôi được nhận thù lao từ 10.000 - 15.000 đồng.

"Biết rằng giao hàng cho khách vào buổi trưa, nhất là thời điểm mùa hè, nắng nóng gay gắt, không đảm bảo cho sức khỏe nhưng vì mưu sinh, muốn kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống tôi vẫn chấp nhận”, anh Vũ Tuấn Anh bộc bạch.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Còn với ông Nguyễn Văn Xuyên ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), làm nghề xe ôm, thì tâm sự: Dù đã nhiều năm làm nghề xe ôm, dạn dày mưa nắng nhưng với thời tiết nắng nóng gay gắt như thế này, ông chỉ cố gắng chạy lấy vài khách vào buổi sáng, kiếm ngày khoảng 100.000 đồng là ông về nhà, buổi chiều không thể đi làm trước 15 giờ, bởi khi đó cái nóng từ mặt đường nhựa bốc lên như rang khiến người luôn vả mồ hôi rát da thịt và mệt rã rời.

“Nhiều lần tôi choáng váng, phải vào chỗ bóng râm để trú tạm và bổ sung chai nước giải nhiệt”, ông Xuyên nói.

Được biết, thời tiết trên địa bàn Thanh Hóa những ngày sắp tới tiếp tục xảy ra nắng nóng, thậm chí nhiệt độ có thể cao hơn nữa. Vào thời điểm này, người lao động có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như: Say nắng, sốc nhiệt, trụy tim mạch...

Để phòng tránh và hạn chế các trường hợp trên xảy ra, mọi người dân nên tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đó là: Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao trong thời gian dài, liên tục; bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu, nhất là trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều là đỉnh điểm tác động của tia cực tím; uống đủ nước có bổ sung thêm chất khoáng tốt cho cơ thể. Đồng thời, sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp như quần áo bảo hộ lao động, kính, mũ, nón, găng tay. Khi có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều… cần ngừng làm việc, tìm chỗ mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi.

Minh Xuyên


Minh Xuyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]