(vhds.baothanhhoa.vn) - Phân bón kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Làm thế nào để ngăn chặn phân bón giả, phân bón kém chất lượng là vấn đề đang được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.

Ngăn chặn phân bón giả bằng cách nào?

Phân bón kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Làm thế nào để ngăn chặn phân bón giả, phân bón kém chất lượng là vấn đề đang được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.

Ngăn chặn phân bón giả bằng cách nào?Cán bộ thanh tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, kiểm tra đại lý phân bón hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hướng, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa).

Phân bón - thật, giả lẫn lộn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp sản xuất phân bón với sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu sử dụng là khoảng 5.000 tấn/năm. Vì vậy, nông dân tỉnh ta phải sử dụng thêm phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu. Trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh (trong đó có 16 doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh, 8 doanh nghiệp chuyên phân phối, còn lại là các đại lý và hộ gia đình) đưa phân bón đến tay bà con nông dân.

Chính vì doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên Thanh Hóa cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho phân bón giả, kém chất lượng gia tăng. Trong khi không thể phân biệt đâu là phân bón giả, kém chất lượng, đa số người dân phải dựa vào tư vấn của các đại lý, chủ cơ sở. Thế nhưng không phải chủ đại lý nào cũng phân biệt được phân bón thật - giả khi chỉ nhìn vào vỏ bao bì.

Chị Lê Thị Hoa, thôn 2, xã Thọ Vực (Triệu Sơn) đã hơn 30 năm làm nghề nông, nhưng gần đây mới đúc rút kinh nghiệm phân biệt đâu là phân bón đảm bảo chất lượng. Theo chị Hoa, phân đạm Phú Mỹ nếu là loại phân đảm bảo chất lượng, nhìn hạt phân phải trong và đều hạt, còn nếu hạt phân đục và không đều là phân không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để phân biệt được phải mở bao ra, còn nhìn ở ngoài vỏ bao thì không thể biết. Chị Hoa cũng đã nhiều lần mua phải phân bón không đảm bảo chất lượng. “Gặp phải những lần như thế, tôi có thắc mắc với người bán hàng và họ trả lời... không biết. Họ trả lời vậy, tôi không còn cách nào khác, ngậm ngùi đem bao phân về dùng và cây trồng chậm phát triển”, chị Hoa cho biết.

Bà Hoàng Thị Nụ, xã Hoàng Giang (Nông Cống) cũng bức xúc vì mua phải phân bón kém chất lượng. Bà Nụ cho biết: Vụ Chiêm Xuân vừa rồi, bà mua 2 bao NPK do Công ty TNHH Tuấn Tú sản xuất. Giá thành của loại phân này có rẻ hơn chút so với loại phân NPK của Công ty Phân bón Tiến Nông. “Làm nghề nông bây giờ, chi phí sản xuất cho 1 sào ruộng, thứ gì cũng tăng (từ giống, phân bón, công cày bừa, cấy cho đến thu hoạch), vì rẻ hơn nên tôi chọn mua. Có biết đâu khi mua về sử dụng, chất lượng phân bón không ra gì”, bà Nụ cho biết.

Không phải chị Hoa, hay bà Nụ mà đa số người nông dân khi mua phân bón đều không phân biệt phân giả hay kém chất lượng. Chỉ khi mua về sử dụng, không thấy hiệu quả họ mới biết đấy là phân bón kém chất lượng.

Ngăn chặn hàng giả cách nào?

Nhằm kiểm soát hiệu quả thị trường phân bón, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn) đã cùng các đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung và phân bón nói riêng. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện xử lý những cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng. Năm 2020, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 32 cơ sở kinh doanh phân bón. Qua đó, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 6 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước 108 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2021, chi cục đã tiến hành thanh kiểm tra 106 cơ sở kinh doanh phân bón, phát hiện 5 cơ sở mắc lỗi để hàng hóa không gọn gàng, vệ sinh chưa đảm bảo; 4 cơ sở vi phạm kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng với số tiền xử phạt 120 triệu đồng, thu hồi tái chế 57 tấn phân bón không đảm bảo chất lượng.

Điển hình, ngày 21-8-2020, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Phú Hương, địa chỉ xã Yên Trường (Yên Định) đã có hành vi vi phạm hành chính kinh doanh sản phẩm phân bón NPKS của Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh sản xuất, số lượng 15 tấn, có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn. Ngoài số tiền bị xử phạt 30 triệu đồng, toàn bộ số phân bón trên, Công ty Phú Hương có trách nhiệm phối hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh thu hồi, tái chế theo quy định. Gần đây nhất, ngày 2-6-2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Hoàng Sơn Tùng, địa chỉ xã Trường Giang (Nông Cống) có hành vi vi phạm kinh doanh 22 tấn phân bón NPKS, của Công ty TNHH Tuấn Tú sản xuất có chất lượng không phù hợp quy chuẩn Việt Nam. Công ty này ngoài bị xử phạt với tổng số tiền là 30 triệu đồng, còn có trách nhiệm phối hợp với Công ty TNHH Tuấn Tú thu hồi, tái chế toàn bộ số phân bón nói trên theo quy định.

Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát thị trường VTNN, song vẫn rất khó kiểm soát phân bón giả, kém chất lượng. Ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng Phòng Thanh tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: Cái khó lớn nhất trong việc kiểm soát thị trường nằm ở chỗ hệ thống kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh lớn, trải rộng, song đa phần là các hộ, cơ sở kinh doanh nhỏ, thiếu kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức thị trường, điều kiện kinh doanh chưa bảo đảm, chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Vẫn còn những hộ vì chạy theo lợi nhuận đã kinh doanh cả những loại phân bón giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Sự hiểu biết của các cán bộ kỹ thuật cơ sở, nông dân các địa phương về phân bón còn nhiều hạn chế, trong khi công tác tuyên truyền về sử dụng an toàn, hiệu quả phân bón chưa xã hội hóa một cách rộng rãi, chưa huy động trách nhiệm của tất cả các tổ chức xã hội tham gia.

Để thị trường VTNN nói chung, thị trường phân bón nói riêng được kiểm soát chặt chẽ, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người kinh doanh cũng như người sử dụng. Tổ chức tập huấn, thực hiện quy trình sản xuất an toàn trong quá trình sử dụng các loại VTNN. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh tra đột xuất về VTNN, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định. Mặt khác, khuyến cáo đối với người dân: Nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón, bà con nên dùng thử cho những loại rau ngắn ngày, sau từ 5-7 ngày là có thể biết được kết quả. Khi sử dụng nên để lại một ít phân bón cùng bao bì, nhãn mác để nếu xảy ra sự cố vẫn giữ được bằng chứng, vật chứng. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng buôn bán, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]