(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể nói, 65 năm trôi qua, phần lớn những “chị gánh anh thồ” nay đã phần nhiều trở về với cát bụi, số còn lại cũng đã ở cái tuổi “cổ lai hy”, nhưng ký ức một thời hào hùng của quân dân Thanh Hóa góp sức mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và sau này là kỳ tích làm nên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì mãi vẫn trường tồn cùng lịch sử non sông, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ noi theo về lòng yêu nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngược thời... “hoa lửa”

Có thể nói, 65 năm trôi qua, phần lớn những “chị gánh anh thồ” nay đã phần nhiều trở về với cát bụi, số còn lại cũng đã ở cái tuổi “cổ lai hy”, nhưng ký ức một thời hào hùng của quân dân Thanh Hóa góp sức mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và sau này là kỳ tích làm nên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì mãi vẫn trường tồn cùng lịch sử non sông, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ noi theo về lòng yêu nước.

Hội Cựu TNXP Thanh Hóa trong chuyến thăm lại chiến trường xưa đã đến dâng hương những TNXP đã ngã xuống cho non sông.

Từ lời khen của Bác trong chiến dịch Điện Biên

Khó khăn lắm tôi tìm được ông, cựu binh Lê Ngọc Đắc (huyện Yên Định),hiện ông là Phó Ban dân công hỏa tuyến, Ủy viên Ban chỉ đạo 24 của tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết chế độ cho dân công hỏa tuyến. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi tôi nhắc cụm từ “xe đạp thồ” ông Đắc vui thấy rõ. Ông bảo, thời đó ở đây, cả làng, cả tổng ai cũng hăng hái tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Người thì tham gia đoàn xe đạp thồ; người thì đoàn dân công gánh gạo, đoàn dân công làm đường, dân công phục vụ y tế... phục vụ chiến dịch Điện Biên.

Nhâm nhi chén trà, ông Đắc nhớ lại thời khắc lịch sử năm xưa, mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng lại là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Với nhân dân Thanh Hóa, trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn đường còn phải vừa đi, vừa mở là hết sức khó khăn, nan giải, nhưng với tinh thần nỗ lực, sáng tạo từ những chiếc xe đạp thồ, xe cút kít... quân và dân ta đã có hàng trăm nghìn lượt vận tải lương thực, thuốc men... phục vụ Điện Biên.

Những chiếc xe đạp thồ vận chuyển lương thảo lên Điện Biên (ảnh tư liệu).

Tư liệu ghi lại, trong chiến dịch Thanh Hóa đã huy động 1.061.593 lượt dân công với hơn 27 triệu ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 47 ngựa thồ, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác phục vụ tải lương thực, hàng hóa thiết yếu và xây dựng các kho, trạm.

Thời kỳ cao điểm, ngày 15/4/1954, Thanh Hóa được giao thêm nhiệm vụ trong vòng 20 ngày phải huy động thêm 2.000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao cho, nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai non, dành gạo cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Đầu tháng 5/1954, thời điểm giáp hạt, không còn thóc gạo dự trữ sẵn trong điều kiện đòi hỏi cấp bách của chiến trường, tỉnh Thanh Hóa đã vận động bà con nhân dân ra đồng chọn lựa từng hạt thóc chín trước, nhanh chóng phơi khô để cung cấp ra mặt trận. Ấy vậy mà cũng được gần 5.000 tấn thóc vận chuyển lên Điện Biên Phủ.

Nhắc nhớ lại kỷ niệm, có lẽ hình ảnh chiếc xe đạp thồ vẫn là ký ức không bao giờ quên của những cựu thanh niên xung phong bây giờ. Con số 11.000 xe đạp thồ vận chuyển lương thảo lên Điện Biên, một con số kỷ lục. Thế nhưng ít ai biết rằng, những chiếc xe đạp thồ vốn đơn sơ trên lại là những chiếc xe đạp do thực dân Pháp sản xuất. Nhờ sự sáng tạo trong gian khó, người dân Việt Nam gia cố lại từ vành, săm, lốp, nan hoa, tay cầm lái... để trở thành một phương tiện có sức vận chuyển ghê gớm và đóng góp không thể thiếu cho thắng lợi Điện Biên.

Sau này khi dành thắng lợi, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Nhắc nhớ lại kỷ niệm những năm 1965, 1966 với sự ác liệt của cuộc chiến, theo tinh thần “ba sẵn sàng” người thanh niên Lê Trung Sơn giờ là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa - cùng hàng nghìn nam thanh, nữ tú khác (trong đó gần 70% là nữ giới) đã hăng hái lên đường. Với TNXP Thanh Hóa thì nhiệm vụ chủ yếu là mở đường 20 Quyết Thắng và đường mòn Hồ Chí Minh. Trong đó,đường 20 - Quyết Thắng với chiều dài 125km, để hoàn thành cung đường, quân dân ta đã trộn lẫn biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt. Hơn 40 năm trước, đây là tuyến đường “huyết mạch”, đầu mối quan giao thông quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Bởi vị trí chiến lược và tầm quan trọng của nó, nên đây là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ.

Đường mòn Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).

Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, 33 nghìn TNXP, bộ đội, công dân hỏa tuyến là người con Thanh Hóa đã có mặt trên trận địa giao thông nóng bỏng Trường Sơn. Cựu TNXP Lê Mạnh Dũng - Đơn vị C211 nhớ rõ: “Những địa danh như cua chữ A, dốc Ta Lê, dốc Ba Thang, đường 20 Quyết Thắng... là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm không nghỉ, khiến cho hàng trăm chiến sỹ của ta bị thương và hy sinh. Khốc liệt nhất, tại Km 16 + 200, ngày 14/11/1972, trong trận ném bom của giặc Mỹ đã làm sập cửa một hang đá khiến 8 TNXP cùng 5 chiến sỹ binh chủng pháo binh đã anh dũng hy sinh (nay là di tích lịch sử Hang 8 cô)”...

Thế nhưng, với những khẩu hiệu, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”... đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh làm nên những chiến thắng huyền thoại.

Hòa bình đã lâu, thế nhưng cựu TNXP Lê Mạnh Dũng vẫn không thể nào xóa bỏ những ám ảnh thời chiến: “Đó là trận cao điểm đánh phá B52 của giặc Mỹ, trước thông báo của Ban chỉ huy tuyến, tất cả các đơn vị đóng gần khu vực, tuyến đường 20 phải sơ tán. Sau đêm thứ nhất, đêm thứ 2 là loạt bom B52 xối xả của giặc trút xuống. Khi ấy, tất cả mọi người đều la lớn: “B52! Chạy! chạy!”... Riêng đơn vị tôi có 3 đồng chí Lan, Sặng, Sen bị thương và hy sinh. Chị Sặng bị thương ở đầu. Lan bị đứt một tay, một chân. Sen thì hy sinh tại chỗ... Trong đó, chị Nguyễn Thị Sặng là Y tá - người Phú Sơn, TP Thanh Hóa mình. Khi bị trúng bom bi của giặc, chị còn không biết. Vẫn miệt mài lo cứu thương cho các đồng đội đến khi giặc rút, bom thôi, về đến đơn vị thì cũng là lúc chị ngã gục. Câu chuyện về chị đã được nhân dân trong vùng kể lại, lấy đó là tấm gương cho con cháu về tinh thần yêu nước”.

Trong chuyến thăm lại chiến trường xưa cách đây chưa lâu, những cựu TNXP như ông Sơn, ông Dũng... không khỏi vui mừng khi tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa với những gồ ghề, sỏi đá, hố bom, máu và nước mắt nay đã được nhựa hóa, khang trang. Vui hơn, khi ông Sơn cho biết, sau bao năm vận động, quyên góp từ các cựu TNXP trong tỉnh cũng như sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tới đây sẽ khởi công xây dựng bia tưởng niệm những TNXP tại Vệ Yên (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoa), là nơi xuất quân của đội N21 năm xưa lên đường làm nhiệm vụ. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ noi theo, qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]