(vhds.baothanhhoa.vn) - Hành trình 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn gắn với những phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt lên khó khăn và cả những vinh quang vẻ vang, trái ngọt đơm hoa từ gian khổ của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc trong những tháng năm lịch sử vất vả, đau thương nhưng cũng đầy hào hùng, đến công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH khi đất nước hòa bình. Lúc sinh thời, giữa những bộn bề công việc của đất nước, Bác Hồ kính yêu - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho xứ Thanh, vùng đất bên cạnh xứ Nghệ quê Người. Bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa là những ân tình, động viên, khích lệ, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vững tin bước đến đường vinh quang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Người là niềm tin tất thắng”

Hành trình 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn gắn với những phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt lên khó khăn và cả những vinh quang vẻ vang, trái ngọt đơm hoa từ gian khổ của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc trong những tháng năm lịch sử vất vả, đau thương nhưng cũng đầy hào hùng, đến công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH khi đất nước hòa bình. Lúc sinh thời, giữa những bộn bề công việc của đất nước, Bác Hồ kính yêu - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho xứ Thanh, vùng đất bên cạnh xứ Nghệ quê Người. Bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa là những ân tình, động viên, khích lệ, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vững tin bước đến đường vinh quang.

Tấm lòng lãnh tụ

Ngày 20/2/1947, sau hai tháng ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Và đó đương nhiên không phải là một chuyến ghé chơi bất chợt hay sự ngẫu nhiên mà đó là sự khẳng định cho nhãn quan chính trị bậc thầy của Bác. Tại sao vậy? Là nơi đất rộng, người đông, vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã chứng kiến sự khởi phát của biết bao vương triều trong lịch sử phong kiến dân tộc. Đây là điều kiện lí tưởng để khi cần, xứ Thanh rất có thể trở thành căn cứ cách mạng thứ hai của cuộc kháng chiến vệ quốc chống thực dân Pháp. Chưa kể, trong “Tuần lễ vàng” và “Quỹ độc lập” trước đó, toàn tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ đã ủng hộ được 528 lạng vàng, 84 kg bạc cùng hàng chục tấn đồng. Và sự đóng góp sức người, sức của của Thanh Hóa lại tiếp tục được khẳng định trong 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ mà đỉnh cao là “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để rồi “Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong lần đầu về thăm xứ Thanh, Rừng Thông án ngữ trên dãy núi Viện Sơn ở đất cổ Đông Sơn được lựa chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Bác Hồ với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Tại đây, giữa bạt ngàn thông reo, bên cạnh việc chỉ ra những khó khăn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì Người đã nói đến đạo đức của người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... Lời Bác trên đỉnh Rừng Thông năm ấy đến nay còn được khắc ghi, nhắc nhớ: “Đối với nhân dân: phải nhớ, đoàn thể làm việc cho nhân dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lí của dân, học sáng kiến của dân, phải tôn kính dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin, phải thanh khiết...”. Hơn hết thảy mọi thứ, Bác chỉ rằng, sự thành công của mọi chế độ, đất nước chính là ở việc “lấy dân làm gốc”, tất cả vì dân.

Và ngay trong lần đầu về thăm Thanh Hóa, có một lời căn dặn, một sự kỳ vọng của Người mà về sau đó đã trở thành mục tiêu cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa cố gắng phấn đấu: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu” và “Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Di tích cách mạng Rừng Thông, nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, tháng 2/1947.

Năm 1960, lần thứ ba Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Bác đi thăm nhà nghỉ Tổng Công đoàn, Trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng của các cụ miền Nam tập kết ra Bắc, thăm và nói chuyện tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI cùng lời nhắc nhớ: Giai cấp công nhân phải giúp đỡ giai cấp nông dân, thường xuyên bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm củng cố vững chắc khối liên minh công nông. Nhưng, trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ ba này, còn có một câu chuyện khác về Bác đến nay vẫn luôn được nhắc nhớ: Bác nghỉ trên đền Cô Tiên, cùng kéo lưới với ngư dân Quảng Vinh (Sầm Sơn). Điều đáng nói, trong những ngày Bác nghỉ ngơi, tham gia sản xuất với người dân biển Sầm Sơn mà chẳng một ai hay. Ngư dân cứ nghĩ đó là một “ông lão” từ phương xa đến, vậy nên họ đối xử với Bác giống như bao người bình thường khác. Phải chăng, đó chính là điều Bác muốn: được sống, được làm việc, được lắng nghe dân kể chuyện... để hiểu hơn về đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Rốt cuộc, sau tất cả, tấm lòng lãnh tụ vẫn đau đáu vì dân, nghĩ đến dân, thương dân vô bờ bến.

Và một năm sau đó, tháng 12/1961, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 4, ở tuổi 71, cũng là lần cuối cùng xứ Thanh đón Bác. Lúc bấy giờ, chỉ trong 3 ngày ở lại xứ Thanh, không chỉ làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác đến thăm HTX Yên Trường; HTX cơ khí Thành Công - lá cờ đầu của ngành thủ công nghiệp miền Bắc; thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy cơ khí tỉnh; thăm trường mầm non; thăm một số đơn vị bộ đội... đến đâu Bác cũng ân cần thăm hỏi, động viên nhân dân, chiến sĩ cùng hăng say lao động, xây dựng quê hương, phát triển đất nước.

Không chỉ dành tình cảm đặc biệt trong những lần về thăm trực tiếp, sự quan tâm của Bác dành cho Thanh Hóa còn được khẳng định trong những bức thư có lời động viên, thăm hỏi hay phần thưởng mà Người gửi đến cho những chiến công xuất sắc: Bác gửi thư khen ngợi quân, dân Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ (12/10/1965); Thư khen ngợi HTX Đông Phương Hồng xã Thọ Hải (Thọ Xuân) thâm canh lúa giỏi; khen ngợi trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ; khen ngợi trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên bầu trời miền Bắc... Nhiều năm trôi qua, hôm nay, ghé thăm Bảo tàng tỉnh hay Khu tưởng niệm Bác Hồ... ta vẫn bắt gặp những dòng thư tự tay Bác viết. Mực tuy đã nhòa, giấy đã cũ song tấm lòng của Bác với Thanh Hóa cũng như sự tôn kính mà Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Thanh Hóa dành cho Bác thì vẫn cứ vẹn nguyên, thắm mãi.

Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu

Khắc ghi lời dạy cùng những động viên, kỳ vọng của Bác, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực, cố gắng tận hiến sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc để cùng với cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa lại tiếp tục đoàn kết cố gắng phấn đấu để vượt lên mọi khó khăn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống: kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, văn hóa giáo dục được chú trọng và gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp thì diện mạo của những đô thị, thành phố công nghiệp, thành phố du lịch... xứ Thanh đang được định hình với những công trình tầm cỡ: TX công nghiệp Bỉm Sơn, Nghi Sơn; thành phố du lịch Sầm Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân... Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa đạt 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước.

Mới đây, ngày 17/7 tại thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, chính thức thông qua Đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"và đồng ý ban hành nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945". Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của quê hương Thanh Hóa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sự kiện diễn ra trước thời điểm Thanh Hóa tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh là điều kiện rất tốt để tỉnh xác định đúng hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới; đây sẽ là dấu mốc đặc biệt quan trọng để tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ, trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng căn dặn.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa là tỉnh giàu, đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến... một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc... Tin rằng, xứ Thanh địa linh nhân kiệt, với sự thống nhất, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, học và làm theo lời Bác Hồ kính yêu, Thanh Hóa nhất định sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]