(vhds.baothanhhoa.vn) - Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm... trong thời gian qua đều tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều gia đình phải xoay xở để đảm bảo chi tiêu.

Người tiêu dùng tính toán chi tiêu khi hàng thiết yếu tăng giá

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm... trong thời gian qua đều tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều gia đình phải xoay xở để đảm bảo chi tiêu.

Người tiêu dùng tính toán chi tiêu khi hàng thiết yếu tăng giáGiá thịt lợn ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa đã tăng lên trên 10 nghìn đồng/kg so với đầu tháng 4-2022.

Giá hàng thiết yếu "leo dốc"

Có mặt tại một số chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh vào thời điểm cuối tháng 4-2022 cho thấy, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, như gạo, dầu ăn, đường, thịt lợn, cá, nước giải khát... tăng cao so với thời điểm đầu tháng. Nếu như trước đây, mỗi bao gạo như: Bắc Thịnh, Bắc Thơm, Cỏ May... có giá từ 150 - 165 nghìn đồng (10kg) thì nay đã tăng thêm 10 - 15 nghìn đồng/bao. Dầu ăn Meizan Gold (loại chai 2 lít) trước đây có giá 62 nghìn đồng, giờ tăng lên 90 nghìn đồng/chai; dầu ăn Simply đậu nành trước 52 nghìn đồng/chai 1 lít nay đã lên tới 63 nghìn đồng/chai; mì tôm Omachi, Hảo Hảo... cũng tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/thùng...

Chị Tào Thị Bình, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa), cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng liên tục tăng, chỉ riêng trong tháng 4 đã có 3 đợt tăng giá. Mì tôm Omachi đợt đầu năm nhập vào có giá 180 nghìn đồng/thùng giờ tăng lên 210 nghìn đồng/thùng; nước mắm phân khúc bình dân từ 24 nghìn đồng/chai đã tăng lên 31 nghìn đồng/chai (loại 500ml); đường trắng tăng từ 17 nghìn đồng/kg lên 23 nghìn đồng/kg; giá các loại bia, nước giải khát cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm.

“Các đầu mối phân phối hàng hóa đều thông báo, vào đầu tháng 5 này giá các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng vì các nhà sản xuất nói sẽ tăng giá tiếp. Giá nhập vào tăng nên tôi buộc phải điều chỉnh giá bán ra, nếu không sẽ không có lãi”, chị Bình cho hay.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh như: chợ Tào Xuyên, chợ Chớp (phường Tào Xuyên), chợ Điện Biên (phường Điện Biên) TP Thanh Hóa và chợ Vĩnh, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa)... giá các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, trứng...đều tăng so với đầu tháng 4. Cụ thể giá 1kg thịt lợn đang được các tiểu thương bán với giá 110 nghìn đồng/kg, tăng thêm 10 nghìn đồng; trứng gà ta trước đây có giá 30 nghìn đồng/chục nay tăng lên khoảng 40 nghìn đồng/chục... Lý giải về điều này, chị Lê Thị Long, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Tào Xuyên cho rằng, do xăng dầu tăng giá nên đội giá cước vận chuyển, kéo theo giá hàng hóa tăng.

Người tiêu dùng xoay xở đảm bảo chi tiêu

Chị Lê Thị Xuân, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: "Giá các mặt hàng tiêu dùng hiện nay đều tăng giá từ 10 - 15% so với dịp đầu năm, trong khi đó thu nhập của hai vợ chồng tôi không tăng. Vì vậy, đảm bảo chi tiêu cuộc sống sinh hoạt cho gia đình có 5 thành viên, bắt buộc tôi phải tính toán lại và cắt giảm những khoản chi không cần thiết”.

Đến như cách mua hàng, chị Xuân cũng phải thay đổi. Ví như, thay vì mua từng chai dầu ăn nhỏ như trước đây, chị đã chọn loại chai to để giảm chi phí và thường hay được chiết khấu nhiều hơn. Giữa các nhãn hàng cùng loại, chị Xuân chọn nhãn có giá mềm hơn thay vì gặp gì mua nấy như trước. “Trước đây khi xăng chưa tăng giá, mỗi tuần tôi sẽ mất 200 nghìn đồng đổ xăng. Xăng tăng giá nên tôi phải cân nhắc chỉ dùng xe khi đi làm hoặc công việc thật sự cần thiết để giảm chi phí”, chị Xuân cho hay.

Người tiêu dùng tính toán chi tiêu khi hàng thiết yếu tăng giáMột góc chợ Tào Xuyên (TP Thanh Hóa).

Còn gia đình anh Lê Tuấn Vũ, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), vợ anh là giáo viên mầm non dạy ở một trường tư thục trên địa bàn phường, thu nhập không đảm bảo, nên gánh nặng kinh tế dồn hết vào anh. Thêm vào đó, khi các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao, anh Vũ đã quyết định mua toàn bộ đồ thực phẩm từ quê. Anh Vũ cho biết, ở quê đồ rẻ và sạch hơn nên mỗi tuần, anh tranh thủ về quê (Thiệu Hóa) mua rồi đem lên cất vào tủ lạnh dùng cả tuần.

Đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều phải tính toán, thắt chặt chi tiêu khi hàng hóa thiết yếu tăng giá. Nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng tăng giá được các chủ đại lý và người bán lẻ cho rằng do giá xăng dầu tăng kéo theo các loại chi phí như sản xuất, vận chuyển, giá thành nguyên liệu tăng. Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn đang tích cực bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, không tăng giá và là địa chỉ tin cậy để người dân xứ Thanh đến chọn lựa, mua sắm hàng”.

Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá đã tác động trực tiếp đến chi tiêu của các gia đình. Để thích ứng với điều kiện khó khăn hiện tại, nhiều gia đình không còn cách nào khác buộc phải xây dựng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý và thay đổi một số thói quen hàng ngày. Đây là những giải pháp hữu ích giúp người dân tự chủ tài chính, giảm bớt căng thẳng, áp lực cuộc sống.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]