(vhds.baothanhhoa.vn) - Cứ đến ngày Tết Nguyên đán, người dân đất Việt lại nhớ tới người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (Hoàng đế Quang Trung), người đã làm nên Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, đại phá quân Thanh, giải phóng đất nước. Từ bấy đến nay, vừa tròn 230 năm Chiến thắng Kỷ Dậu đi vào lịch sử dân tộc, là một trong những mốc son chói lọi nhất về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Kỷ Dậu 1789: Những đóng góp của đất và người xứ Thanh

Cứ đến ngày Tết Nguyên đán, người dân đất Việt lại nhớ tới người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (Hoàng đế Quang Trung), người đã làm nên Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, đại phá quân Thanh, giải phóng đất nước. Từ bấy đến nay, vừa tròn 230 năm Chiến thắng Kỷ Dậu đi vào lịch sử dân tộc, là một trong những mốc son chói lọi nhất về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu tức năm 1753 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, dưới triều vua Lê Hiển Tông - nhà Hậu Lê, đất nước bị chia cắt bởi cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ba anh em nhà Nguyễn Huệ là những nhân kiệt có vai trò giải quyết mâu thuẫn nội tại của quốc gia, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, xóa ranh giới Đàng Ngoài - Đàng Trong kéo dài suốt 2 thế kỷ. Quang Trung Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc. Cuộc tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn trong 5 ngày tiêu diệt quân Mãn Thanh đã trở thành huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, và Thanh Hóa là một trong những điểm dừng chân chiến lược của quân Tây Sơn trong cuộc hành quân nổi tiếng ấy.

Lúc bấy giờ nước Việt chia làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến, từ sông Gianh trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài, do Vua Lê - Chúa Trịnh cai trị; trở vào Nam gọi là Đàng Trong, do các Chúa Nguyễn cai trị. Đến đời Chúa Nguyễn thứ 9 (Nguyễn Phúc Thuần) lên ngôi, do Chúa bé mới chỉ 12 tuổi nên ngoại thích là Trương Phúc Loan làm phụ chính, tham lam cậy quyền và làm nhiều điều ác khiến lòng dân oán hận. Ở Đàng Ngoài, nhà Lê hèn yếu, các chúa Trịnh tiếm quyền điều khiển việc triều chính, làm phát sinh mâu thuẫn giữa cung vua và phủ chúa. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ gốc tích họ Hồ, theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệpnên đổi sang họ Nguyễn. Trước tình hình đất nước rối ren, ba anh em nhà Nguyễn Huệ đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Năm 1786, nhà Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu, lấy danh nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh”, tấn công ra Bắc để thanh trừng nhà Trịnh, được vua Lê Hiển Tông phong là Bắc Bình Vương và gả con gái là công chúa Ngọc Hân làm thứ hậu. Sau đó Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống lên ngôi. Lo sợ trước thế mạnh của nhà Tây Sơn nên Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh ở phương Bắc. Vốn đã có mưu đồ thôn tính Đại Việt từ trước, nên tháng 10năm Mậu Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân Thanh tràn vào xâm lược nước ta; ngày 20/11 ÂL, tức ngày 17/12/1788, giặc vào tới Thăng Long. Trước họa xâm lăng, ngày 25/11 ÂL năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Quang Trung, sau đó chỉ huy hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Các sử gia đã tính toán cuộc hành quân thần tốc này diễn ra trong 40 ngày đêm.

Theo một số nghiên cứu, 40 ngày hành quân thần tốc và chiến đấu (từ 25/11 đến 5/1 ÂL), với khoảng cách 1.200 dặm, 5 vạn quân từ Huế ra và khoảng 5 vạn quân tại Thanh - Nghệ nhập vào, cùng 300 thớt voi, nếu muốn đến được Thăng Long thì ít nhất 1 ngày phải đi được 30 dặm ( tức gần 50 km), và phải đi liên tục không dừng nghỉ. Tuyến đường của cuộc hành quân này không được Quang Trung tiết lộ, và hầu như không được bất cứ sử sách nào ghi lại, nên cho đến nay vẫn là một bí mật.

Thời ấy, đường từ Huế ra Thăng Long chỉ có 2 tuyến chính: tuyến Lai kinh (gần trùng với Quốc lộ 1 A hiện nay), và tuyến Thượng đạo men theo vùng đồi núi trung du phía tây. Tuyến Lai kinh tuy ngắn hơn nhưng phải qua nhiều chặng sông hồ, có nhiều nơi lầy thụt nên voi ngựa khó vượt qua và khó lọt qua con mắt thám thính của quân xâm lược và tay sai, việc đảm bảo yếu tố tuyệt mật cho cuộc hành quân sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, giả thuyết đặt ra, nghĩa quân Tây Sơn có thể sẽ chọn con đường Thượng đạo, tuy có dài hơn một chút nhưng chỉ phải vượt qua những đoạn sông suối đầu nguồn có bề ngang hẹp, không quá sâu, lại sẵn có thức ăn của rừng cho voi ngựa. Có thể dự đoán Nghĩa quân Tây Sơn đã vượt qua mấy chặng, những chặng đầu trùng với đường Lai kinh. Ngày 29/11 ÂL tức ngày 26/12/1788, Quang Trung và đại quân tới Nghệ An thì dừng chân khoảng 10 ngày nghỉ ngơi và tuyển mộ thêm binh lính. Tiếp đó, Nghĩa quân men theo đường Thượng đạo phía Tây tiếp tục tiến ra Bắc: từ Nam Đànra Như Xuân - Vĩnh Lộc - Thạch Thành.Ngày 20/12 (15/1/1789) ra đến Tam Điệp. Tại đây vua Quang Trung cho quân nghỉ ngơi mươi ngày. Đến 30 tháng Chạp (25/1/1789) mở tiệc khao quân. Ngay trong đêm trừ tịch, quân Tây Sơn xuất phát từ Tam Điệp - Biện Sơn, tiến công một loạt đồn phòng thủ của quân Lê Chiêu Thống và quân nhà Thanh, trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) vào tới Thăng Long. Như vậy, chiến dịch thần tốc của vua Quang Trung xuất phát từ Phú Xuân, kéo dài trong khoảng thời gian 1 tháng 10 ngày thì ra đến Thăng Long, và chặng đường nổi bật nhất diễn trong 5 ngày: từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), vừa hành quân vừa chiến đấu.

Thanh Hóa là một trong những địa bàn dừng chân chiến lược trong tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn. Theo Sách Đại Nam nhất thống chí, trước thế lực rất mạnh của giặc Thanh, Ngô Thì Nhậm nghĩ đến Tam Điệp, liền bàn với Ninh Tốn thực hiện kế sách luiquân bộ về giữ núi Tam Điệp, quân thuỷ rút về đóng ở Biện Sơn. Phòng tuyến thủy bộ Tam Điệp - Biện Sơn đã hình thành vững chắc từ trước khi vua Quang Trung mở cuộc hành quân thần tốc ra Bắc.

Biện Sơn và Tam Điệp ở Thanh Hoá được coi là chỗ hiểm yếu, là địa bàn dừng chân chiến lược của Nghĩa quân Tây Sơn. Vua Quang Trung ra chủ trương: “Quân thuỷ chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển đến vùng Biện Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới gióng trống lên đường lui về giữ núi Tam Điệp nhằm chặn đường tiến của quân Thanh về phía Nam và đợi quân tiếp viện”. Thế rồi, quân Tây Sơn đã từ Tam Điệp - Biện Sơn thần tốc tiến ra Thăng Long. Chỉ đến ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, Quang Trung cưỡi voi chiến, khoác áo bào dẫn đầu đoàn quân chiến thắng từ cửa phía Nam tiến vào thành Thăng Long.

Một góc đền thờ Quang Trung. (Ảnh: N.T)

Ngày nay về thăm làng biển dưới chân núi Du Xuyên - Hải Thanh, Tĩnh Gia, chúng ta vẫn được nghe các cụ cao niên kể lại những truyền thuyết về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tương truyền, sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, ghi công của cư dân các làng biển trong đó có cư dân Biện Sơn - Lạch Bạng đã giúp đỡ nhà vua luyện tập thủy binh, hăng hái tòng quân diệt giặc, Quang Trung đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh khiến nhiều người dân phải bỏ mạng. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ dưới chân núi Du Xuyên, dịp Tết Nguyên đán đều tổ chức lễ hội. Đặc biệt, các xã quanh khu vực cửa biển Biện Sơn - Lạch Bạng hàng năm vẫn luân phiên tổ chức hội thi bơi chải, nhằm tưởng nhớ tới nghĩa quân Tây Sơn đã huấn luyện thủy binh nơi vùng biển này.

Vùng núi Tam Điệp - Bỉm Sơn ở phía bắc Thanh Hóa giáp Ninh Bình, như Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Hai bên núi đá liên tiếp bám chặt lấy nhau như một cái cầu bằng đá, có đường đi ở giữa... đây chính là cổ họng của Bắc - Nam”. Vì thế dãy Tam Điệp là một tuyến phòng ngự rất lợi hại, có vị trí như một thành trì tự nhiên án ngữ trên con đường thiên lý.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15/1/1788), đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân đã tiến ra, tập kết ở phòng tuyến Tam Điệp - Bỉm Sơn. Đây là nơi quân sỹ nghỉ ngơi lấy lại sức lực sau một cuộc hành quân dài ngày mệt mỏi, tuyển thêm lực lượng, tiếp lương thảo, khí giới; vua tôi cùng đánh giá tình hình, bàn phương án tác chiến, chuẩn bị tâm thế tự tin và lòng quyết tâm cho một trận đánh lớn, một chiến thắng vĩ đại. Đây chính là bàn đạp để tấn công vào Thăng Long. Theo sách Việt sử thông giám cương mục, ngày 30 Chạp (25/1/1789),Vua mở tiệc khao quân và tuyên bố: “Nay hãy làm lễ ăn tết Nguyên đán trước, đợi đến ngày 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn”. Quả nhiên, điều đó đã trở thành hiện thực. Từ phòng tuyến chiến lược này, vua Quang Trung đã chia quân thành 5 đạo thủy bộ, đúng đêm giao thừa đồng loạt hành quân tiến đánh các cửa ngõ vào Thăng Long.

Tại TX Bỉm Sơn, ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích lịch sử và những huyền thoại dân gian ghi lại thời kỳ nghĩa quân Tây Sơn chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là liên quan đến những hoạt động của nghĩa quân trong 10 ngày đóng quân tại đây. Đình làng Gạo là một di tích mà nghĩa quân Tây Sơn chứa quân lương; đồng Cắm Cờ là nơi dựng cờ lệnh; đồi Ông Đùng là nơi luyện tập pháo binh; Gò Bia là nơi luyện tập cung nỏ; đồng Càn Chuối là nơi luyện tập gươm đao... Chính tại khu vực đồi Ông Đùng, vua Quang Trung cùng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm đã tổ chức hội nghị quân cơ, bàn định kế hoạch đánh ra Thăng Long. Tương truyền, khi vua Quang Trung nghỉ đêm tại đền cây Vải (Trà Sơn), các vị thần báo mộng phải hành quân cấp tốc sẽ thắng giặc. Động Cửa Buồng là nơi dừng chân của vua trên đường tiến ra Bắc Hà. Trong quần thể hang động này, nơi vua lập đàn tế cầu trời đất, thần linh phù hộ cho cuộc kháng chiến thắng lợi được đặt tên là “Quang Trung tối linh động”; Động Trình là nơi vua tôi hội họp bàn kế sách. Đèo Ba Dội, một vùng núi non hiểm trở và rất đẹp, tương truyền là nơi vua Quang Trung cùng tướng Ngô Văn Sở đưa quân qua đây, đã cùng nhau xướng họa thơ phú...

Trên đường hành quân thần tốc tiến ra Bắc tiêu diệt giặc Mãn Thanh xâm lược, đại quân Tây Sơn và Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã để lại trên đất Thanh Hóa nhiều truyền thuyết, huyền thoại đẹp và nhiều di tích quan trọng, trong đó có những nơi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đất và người xứ Thanh tự hào đã có những cống hiến xứng đáng, góp phần làm nên một mùa xuân đại thắng của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ thứ 18, bảo vệ vẹn toàn giang sơn gấm vóc.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]