(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX diễn ra từ ngày 26 - 28/10 đã thành công tốt đẹp, càng nhân lên niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân vào những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội sẽ được thực hiện thắng lợi trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân lên niềm tin và sự kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX diễn ra từ ngày 26 - 28/10 đã thành công tốt đẹp, càng nhân lên niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân vào những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội sẽ được thực hiện thắng lợi trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Phạm Bá Dung - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy:

Tạo thế và lực để Thanh Hóa bứt phá nhanh, vững chắc trong nhiệm kỳ mới...

Những thành tựu nổi bật của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015 - 2020), trước hết đó là kết quả của sự kế thừa và nối tiếp của các nhiệm kỳ trước đó, của bao thế hệ lãnh đạo, trăn trở, phấn đấu tạo nên những kết quả to lớn của tỉnh nhà như hôm nay. Thứ đến là sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, các lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã vượt qua các khó khăn, thách thức, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với quyết tâm cao mà tạo nên thắng lợi. Đặc biệt, Thanh Hóa được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành của Trung ương... đãtạo điều kiện cho Thanh Hóa có điều kiện phát triển.

Sự thành công của Thanh Hóa trong những năm gần đây đặc biệt là nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo suy nghĩ của bản thân tôi thì ngoài các yếu tố như tôi đã đề cập, tôi thấy Đảng bộ Thanh Hóa mà tập trung ở Ban Chấp hành, Thường vụ đặc biệt là Thường trực Tỉnh ủy luôn trăn trở, tư duy và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành tổ chức, thực hiện các chủ trương, quyết định lớn của tỉnh. Cụ thể là vấn đề quy hoạch, kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển và lựa chọn, bố trí cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực. Và có thể khẳng định chưa bao giờ Thanh Hóa có sự phát triển vượt bậc, tạo thế và lực để bứt phá nhanh, vững chắc trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Tôi tin rằng, trong thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 và hội nhập, Tỉnh ủy sẽ lãnh đạo tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

PGS.TS Lê Tú Anh - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Hồng Đức:

Nghị quyết Đại hội đã đưa ra những giải pháp đầy tính chiến lược và tính nhân văn

Theo dõi thông tin về Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tôi nhận thấy các văn kiện Đại hội đã được chuẩn bị rất công phu, thể hiện sự tập trung trí tuệ, tâm huyết của toàn thể đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, đặc biệt là của tập thể BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII. Trong nghị quyết đại hội, các nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đã thể hiện đầy đủ, sáng tạo tinh thần Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Tôi rất đồng tình với việc xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thanh Hóa nhanh và bền vững”. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm này, nghị quyết đã đề ra các giải pháp rất cụ thể, thiết thực, mang tính khả thi cao như: đổi mới phương pháp dạy - học, phương pháp kiểm tra - đánh giá, đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng coi trọng quản lý chất lượng, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục, từ giáo dục phổ thông, phổ thông chất lượng cao đến mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề... Tôi đặc biệt tâm đắc với giải pháp: “Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng chuyên canh, vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động bị thu hồi đất sản xuất”. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng đến đời sống nông thôn và người lao động thuộc hai tầng lớp chiếm số lượng lớn là nông dân và công nhân. Hy vọng với giải pháp đầy tính chiến lược và tính nhân văn này, Thanh Hóa không chỉ phát triển nhanh mà chính là một cách để phát triển rất bền vững. Người lao động ở nông thôn được đào tạo nghề, được làm ăn sinh sống trên chính mảnh đất quê hương mình, không phải tha hương cầu thực sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro, bất trắc, cuộc sống sẽ ổn định, phát triển, tốt đẹp hơn.

TS Lê Văn Phong - Trưởng Khoa xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa:

Cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

Trong 6 chương trình trọng tâm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra có chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tạo sự chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Từ đó cho thấy việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy tính tự giác, nêu gương, tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; thường xuyên tự học tập; tự nghiên cứu để nâng cao trình độ; bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên. Hai là, làm tốt định hướng thông tin, dư luận xã hội trong các hoạt động của hệ thống chính trị. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng và bồi dưỡng đảng viên mới. Ba là, triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định về trách nhiệm nêu gương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Bốn là, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu trước nhân dân. Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, theo hướng nâng cao chất lượng ban hành, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch năm, hoặc nhiệm kỳ; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở để có phương án điều chỉnh trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy; thực hiện nghiêm quy địnhvề việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ đối thoại, tiếp xúc nhân dân.

Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cùng với truyền thống cách mạng hào hùng của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tôi tin rằng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đạo diễn, NSƯT Vũ Trọng Huỳnh - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn:

Nghệ thuật được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hữu hiệu

Trong bao nhiêu năm qua, dù đất nước có những giai đoạn hết sức khó khăn, một số tỉnh, thành khác không duy trì được hoạt động nghệ thuật nhưng Thanh Hóa luôn nuôi dưỡng, duy trì các đơn vị nghệ thuật nói riêng cũng như quan tâm phát triển văn hóa nói chung, như GS. Hoàng Chí Bảo đã nói: Ở tỉnh nào mà lãnh đạo quan tâm văn hóa thì tỉnh đó chắc chắn sẽ phát triển. Và không phải nhiệm kỳ vừa qua mới quan tâm đến văn hóa mà đó là truyền thống Thanh Hóa, lãnh đạo Thanh Hóa qua các thời kỳ luôn yêu mến, tự thân yêu mến văn hóa và xác định vai trò của văn hóa đối với đời sống xã hội.

Trong nhiệm kỳ vừa rồi cũng là năm Thanh Hóa tổ chức nhiều sự kiện trọng đại về lịch sử và văn hóa. Hòa chung với văn hóa tỉnh nhà, các đơn vị nghệ thuật chúng tôi cũng có rất nhiều sự kiện để được phục vụ, được diễn. Nghệ thuật được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hữu hiệu. Lấy văn hóa trở thành con thuyền chuyển tải kiến thức, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để giúp dân hiểu và làm theo.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nhiệm kỳ đầu tiên triển khai, thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong nghị quyết này xác định rõ, bên cạnh giáo dục, y tế thì văn hóa và thể thao phải xây dựng mang tầm khu vực. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình phải nỗ lực hơn nữa và tin rằng trong thời gian tới văn hóa nghệ thuật sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Tôi tin nhiệm kỳ 2020 - 2025 này, sẽ có những cú hích mạnh về văn hóa, để văn nghệ sĩ xứ Thanh củng cố lực lượng, có cơ chế chính sách khuyến khích các tài năng.

Bà Phạm Thị Cậy - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa):

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản của Nghị quyết tới toàn thể nhân dân

Là Bí thư Chi bộ, bản thân và cán bộ, đảng viên, nhân dân tổ dân phố 6 rất phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Để Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, với vai trò là Bí thư Chi bộ tổ dân phố, tôi xác định cùng với cấp ủy chi bộ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản của nghị quyết tới toàn thể nhân dân. Đồng thời vận dụng cụ thể các nội dung của chương trình trọng tâm của Đại hội vào tình hình thực tiễn để xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín, trách nhiệm. Bên cạnh đó thường xuyên thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc nội dung nghị quyết, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong chi bộ, tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể.

Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, tôi tin, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Ngân Anh Tuấn (đại diện homestay Nguyễn Lan, bản Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước:

Kỳ vọng về tương lai tươi sáng trong phát triển du lịch khu vực miền núi

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định chương trình phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm. Phấn đấu năm 2025 đón 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 850.000 lượt; đưa du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng. Đây chính là cơ sở quan trọng để du lịch toàn tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá truyền thống, trong những năm qua du lịch sinh thái cộng đồng khu vực miền núi có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, du lịch Bá Thước ngày càng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến. Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư lớn, đã có nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cùng phát triển. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, du lịch cũng chính là ngành kinh tế có ảnh hưởng lớn đến môi trường, cộng đồng.

Là một trong những hộ dân có kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay trên địa bàn huyện Bá Thước, chúng tôi kỳ vọng vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra, trong đó xác định phát triển du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng, sẽ là cơ hội để du lịch khu vực miền núi tiếp tục được cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút khách, góp phần cùng với cả tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới tỉnh, huyện sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động du lịch, hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, đồng thời địa phương nên thành lập các trung tâm tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch. Đặc biệt, chú trọng quản lý quy hoạch du lịch chung để du lịch cộng đồng phát triển bền vững...

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH THANH HÓA NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên;

GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên;

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 nghìn tỷ đồng trở lên;

Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên;

Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD;

Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 40% trở lên;

Đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới 1,5% trở lên;

Năm 2025 đạt 13 bác sỹ/1 vạn dân;

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 81%;

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đến năm 2025 đạt 90%;

Hằng năm có 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự;

Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 80% trở lên.

6 chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Chương trình phát triển du lịch.

Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh.

Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đột phá về phát triển hạ tầng.

Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]