(vhds.baothanhhoa.vn) - Được truyền thụ bởi tư tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường vô sản của Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng đã phát triển ở Thanh Hóa từ rất sớm. Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã được thành lập, lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho đến hôm nay, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, những nơi ghi dấu phong trào cách mạng những ngày tiền khởi nghĩa ở Thanh Hóa vẫn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy giá trị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những địa danh ghi dấu ngày tiền khởi nghĩa

Được truyền thụ bởi tư tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường vô sản của Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng đã phát triển ở Thanh Hóa từ rất sớm. Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã được thành lập, lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho đến hôm nay, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, những nơi ghi dấu phong trào cách mạng những ngày tiền khởi nghĩa ở Thanh Hóa vẫn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy giá trị.

Trên quê hương Lê Hữu Lập

Tự hào là quê hương người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa - nhà cách mạng Lê Hữu Lập, vùng đất Xuân Lộc (Hậu Lộc) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vững bước tiến lên trong giai đoạn mới.

Đồng chí Lê Hữu Lập sinh năm 1897 ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, nay là thôn Bái Hạ, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc).

Lê Hữu Lập sớm giác ngộ cách mạng, trở thành hội viên của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ông vận động thanh niên sang Quảng Châu (Trung Quốc) huấn luyện, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc vào địa bàn Thanh Hóa, tiến tới thành lập, phát triển tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trong tỉnh, tạo cơ sở và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thanh Hóa. Hoạt động và sự cống hiến của đồng chí Lê Hữu Lập đã góp phần viết nên những trang mở đầu rực rỡ trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vào ngày 29/7/2016, Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập đã được khánh thành tại xã Xuân Lộc trên diện tích gần 10 nghìn m2. Đây là công trình tri ân, khắc ghi công lao của người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa cùng thế hệ cách mạng tiền bối đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây cũng là địa chỉ văn hóa, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trên quê hương của người anh hùng cách mạng, nhiều năm liên tục, Đảng bộ xã Xuân Lộc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt trong sạch, vững mạnh. Công tác phát triển Đảng luôn được chú trọng, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, giới thiệu 19 quần chúng ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng và kết nạp 19 đảng viên mới. Hiện đảng bộ Xuân Lộc có 12 chi bộ với 230 đảng viên.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của xã đều đạt, hình thành một xã đa ngành, đa nghề và các loại hình dịch vụ thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện. Nếu năm 2015 nguồn thu từ tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại của Xuân Lộc mới chiếm 41,2% thì đến năm 2020 tăng lên 63,2%. Bên cạnh đó, xã đã chuyển đổi 30 ha đất vùng sâu trũng khó sản xuất sang thực hiện các mô hình tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế và đạt 200 triệu đồng/ha/năm...

Ông Bùi Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc tự hào là quê hương của nhà cách mạng Lê Hữu Lập. Niềm tự hào này chính là nguồn động lực, là niềm tin để Xuân Lộc có thêm sức mạnh hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương. Những thành tích đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, đó là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục vững bước đi lên trong giai đoạn mới.

“Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi”

Nhắc đến xã Đa Lộc (Hậu Lộc) là nhớ đến mẹ Tơm. Người mẹ đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca. Người mẹ của cách đây gần 80 năm đã nuôi giấu những người con cách mạng trong ngôi nhà rơm ở làng Hanh Cù nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc. Nhà mẹ Tơm trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa. Lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời là đồng chí Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu, ở nhà mẹ Tơm còn có các đồng chí Đặng Hỷ, Hoàng Xung Phong, Hoàng Tiến Trình... Tại đây, cán bộ của ta củng cố, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo “Đuổi giặc nước” và truyền đơn, biểu ngữ.

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880. Mẹ lấy chồng cùng quê Hanh Cù là ông Vũ Văn Sởn và sinh được 4 người con. Trong thời gian cơ quan Tỉnh ủy lâm thời đặt căn cứ tại mái nhà rơm của mẹ thì mẹ và chồng cùng 2 trong số 4 người con trong gia đình cũng đều trở thành chiến sĩ cách mạng. Hàng ngày, mẹ đi bán rau, mớ ốc và khi có điều kiện thuận lợi lại đi rải truyền đơn khắp nơi. Chồng mẹ cũng bỏ nghề cày thuê để ở nhà đan lát và bảo vệ cán bộ yên tâm làm việc trong nhà. Hai con trai là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng bỏ nghề chăn trâu thuê để làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi cán bộ và làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, phát báo, rải truyền đơn... Cả nhà cùng làm cách mạng và mẹ Tơm thì vẫn là “nhân vật” quan trọng vì luôn chăm lo từ bữa ăn, lúc ốm đau cho cán bộ.

Trở về làng Hanh Cù xưa, ngôi nhà rơm của thời chiến, nay đã được con cháu mẹ Tơm xây dựng lại và cũng đã được công nhận là khu Di tích Lịch sử cách mạng. Trong ngôi nhà, vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của những người đã khuất đó là bộ nghề cắt tóc của 2 người con trai mẹ Tơm, những hũ sành nhỏ đựng tiền, đựng gạo của mẹ Tơm để dành nuôi cán bộ những ngày mưa bão, ốm đau...

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cháu của mẹ Tơm bên hộp đựng dụng cụ cắt tóc của 2 con trai mẹ Tơm.

Truyền thống cách mạng anh hùng đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đa Lộc tiếp tục phát huy, được thể hiện trong sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, một nhiệm kỳ đánh dấu nhiều khởi sắc khi tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 19,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42.336.000 đồng/người/năm, cao gấp 2,6 lần so với năm 2015.

Thôn Đông Thành luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua của xã Đa Lộc. Nơi đây còn có mô hình điểm của huyện Hậu Lộc khi chuyển đổi thành công 14,51 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp. Đây cũng là một trong những thôn đầu tiên được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Chia sẻ của ông Trần Xuân Minh - Bí thư Chi bộ thôn Đông Thành: Mừng nhất là cán bộ, nhân dân trong thôn luôn sống đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng trong tất cả phong trào. Chi bộ Đông Thành nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, thôn luôn có các cháu đạt học sinh giỏi cấp huyện và nhiều cháu đỗ vào đại học...

Tôi vui mừng khấp khởi vì quê mẹ Tơm hôm nay đã có nhiều đổi khác với những bước chuyển mới của nông thôn mới, của sự chung sức, chung lòng để khởi sắc diện mạo quê hương... Lại nhớ đến 4 câu thơ kết trong bài thơ “Mẹ Tơm” mà người chiến sĩ cách mạng, cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đốt nén hương thơm, mát dạ Người/ Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!/ Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới/ Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi”.

Trên vùng đất chiến khu

Tôi trở về vùng đất Chiến khu Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành vào những ngày khi Đảng bộ nơi đây vừa tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Khu di tích Chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Ngược dòng thời gian, vào những năm 1940 - 1941, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, phong trào phản đế cứu quốc của tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm sáng như: Đa Ngọc, Ngọc Trạo... mà chiến khu Ngọc Trạo là một minh chứng rõ nét cho bước phát triển mới của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa giai đoạn này. Đây cũng là một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước được thành lập.

Ngày 19/9/1941 tại hang Treo (nay thuộc xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành và xã Hà Long, huyện Hà Trung), Đội du kích chiến khu Ngọc Trạo được thành lập với 21 đội viên. 21 chiến sĩ du kích đầu tiên đã thề dưới cờ, nguyện hy sinh, phấn đấu đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài hát “Đời ta bấy lâu khổ rồi” được chọn làm đội ca. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng, nhân dân Thanh Hóa đã tự tổ chức ra một lực lượng vũ trang cách mạng, đội quân của nhân dân lao động, chiến đấu vì nhân dân. Ngay sau khi ra đời, Đội du kích chiến khu Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng, dùng bạo lực cách mạng để chống lại các thế lực phản cách mạng. Trước sự lớn mạnh không ngừng của chiến khu Ngọc Trạo, thực dân Pháp đã điên cuồng càn quét nhằm triệt phá phong trào, khủng bố tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ như: giáo mác, mã tấu... nhưng các chiến sỹ cảm tử Ngọc Trạo vẫn anh dũng chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Đội du kích chiến khu Ngọc Trạo đã lập được nhiều chiến công hiển hách, nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho nhân dân trong tỉnh. Từ chiến khu Ngọc Trạo, Đảng bộ Thanh Hóa đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích, kết hợp sức mạnh chính trị với sức mạnh vũ trang, chỉ đạo khởi nghĩa từng phần, chớp thời cơ, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương lớn, căn cứ kháng chiến, góp phần thực hiện xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, Khu di tích chiến khu Ngọc Trạo được đầu tư xứng tầm di tích quốc gia. Hàng năm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các thế hệ trẻ, khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng của quê hương.

Xã Ngọc Trạo hôm nay đang ra sức xây dựng nông thôn mới, đem lại diện mạo, sức sống mới cho mảnh đất từng mưa bom, bão đạn, chịu sự tàn phá của kẻ thù để đâm chồi biếc, với bãi mía, nương ngô xanh ngút ngàn, đường giao thông nâng cấp thuận lợi cho đi lại, giao thương; trẻ em đến trường trong những ngôi nhà cao tầng khang trang.

Phấn khởi trước những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Bí thư Đảng bộ xã Ngọc Trạo Tôn Viết Phú chia sẻ: So với những năm trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 46 triệu đồng, tăng 23 triệu đồng so với năm 2015. Kinh tế trang trại, gia trại ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; toàn xã có 13 trang trại hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, diện tích mía nguyên liệu vụ ép 2019 - 2020 thực hiện 115ha, năng suất 70 tấn/ha, sản lượng mía nguyên liệu 8.050 tấn. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ giai đoạn tiếp theo, Bí thư Tôn Viết Phú cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Ngọc Trạo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử; sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền để phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 xã về đích nông thôn mới và có 1 thôn nông thôn mới nâng cao.

Về nơi giành chính quyền cách mạng đầu tiên trong tỉnh

Là địa phương đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi, ngày 24/7/1945 đã trở thành dấu mốc không bao giờ quên với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa. Trở về Hoằng Hóa hôm nay, những Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo), Cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) ngày nào giờ đây đã trở thành địa chỉ cách mạng. Diện mạo trên những quê hương cách mạng giờ đây cũng đã nhiều đổi thay.

Ngược thời gian, trở về với không khí những ngày tiền khởi nghĩa. Một khí thế sục sôi, trào dâng như sẵn sàng xô đổ mọi thành trì của chính quyền cai trị lúc bấy giờ. Không khí khởi nghĩa ấy đã bao trùm tất cả các địa phương. Báo Khởi nghĩa số 6 của Tỉnh ủy Thanh Hóa ra ngày 15/7/1945 còn ghi rõ: “Trong ngày đó, già, trẻ, gái, trai tấp nập đứng hai bên đường hò reo nhảy múa như ngày hội lớn”. Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa khi ấy, một cuộc tuần hành lớn đã được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn quần chúng nhân dân.

Phù điêu tái hiện cảnh bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính bảo an tại di tích cách mạng Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo.

Nhận thấy phong trào ở Hoằng Hóa rất có thể sẽ là mối nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chính quyền địch, trong những giờ phút hấp hối, phát xít Nhật cùng tay sai đã dồn lực lượng hòng đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng ở Hoằng Hóa, tránh để lan rộng ra toàn tỉnh. Bối cảnh ấy khiến cho mâu thuẫn càng được đẩy lên cao và Hoằng Hóa trở thành địa phương khởi nghĩa sớm nhất trong cả tỉnh.

Ngày 23/7/1945, phát xít Nhật cùng tỉnh trưởng bù nhìn đã phái một đơn vị bảo an binh 34 tên, trang bị vũ khí đầy đủ kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa, cùng phối hợp với tri phủ thực hiện kế hoạch khủng bố ở hai khu vực: Đằng Trung và Liên Châu - Hóa Lộc.

Vì đã dự đoán trước được tình hình, dưới sự chỉ huy của Ban Việt Minh huyện, sáng 24/7/1945 tại Đằng Trung (Cồn Mã Nhón) quân dân Hoằng Hóa đã bắt sống được tri phủ và 12 tên lính bảo an, đẩy lùi cuộc tiến công đàn áp của giặc ở Liên Châu - Hóa Lộc. Trên đà chiến thắng, Chi bộ và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) với sự tham gia biểu tình của trên 5.000 đồng bào và đội tự vệ cứu quốc làm nòng cốt. Tri phủ và 12 tên lính bảo an đành bất lực cúi đầu nhận tội. Bắt đầu từ đây, chính quyền cấp huyện của địch đã bị xóa bỏ. Và ngày 24/7/1945 trở thành dấu mốc lịch sử không thể quên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa. Phong trào cách mạng ở Hoằng Hóa cũng được đánh giá là “lá cờ đầu của công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa”.

Nếu Cồn Mã Nhón (Đằng Trung) được biết đến là nơi bắt sống tri phủ và 12 tên lính bảo an, thì Cồn Ba Cây lại là nơi diễn ra cuộc mít tinh mừng thắng lợi, để phong trào cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa đi đến thắng lợi hoàn toàn. Trở về di tích cách mạng Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo) hôm nay, trong không gian tĩnh lặng của di tích là nhà tưởng niệm, nhà bia khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sĩ tự vệ trực tiếp chiến đấu trong sự kiện lịch sử ngày hôm đó. Hay bức phù điêu chạm khắc cảnh bắt trói tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính bảo an. Tất cả nhắc nhớ về một sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa.

Ngoài không gian di tích cách mạng Cồn Mã Nhón tĩnh lặng ở đấy, diện mạo của một vùng quê cách mạng đã thực sự đổi thay. Vẫn là xã thuần nông, cuộc sống người dân gắn bó với đất, với ruộng nhưng cách nghĩ, cách làm thì đã khác. Trên những thửa ruộng những tưởng quanh năm khô hạn giờ đây là những gia trại, nông trại thực phẩm sạch, an toàn: dưa kim hoàng hậu, lạc thu đông, bí xanh... với đầu ra sản phẩm ổn định cùng chất lượng sản phẩm đã được cam kết. Bên cạnh đó, kinh tế địa phương còn khởi sắc bởi sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, xuất khẩu lao động.

Ông Hoàng Đình Hợp - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo cho biết: Tỉ lệ hộ nghèo hiện tại trên địa bàn xã năm 2019 giảm còn 1,83% và năm 2020, Hoằng Đạo phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người.

Cùng với đó, do được chú trọng đầu tư nguồn kinh phí tu bổ xứng tầm, di tích cách mạng Cồn Mã Nhón hôm nay không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử. Đó còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho những thế hệ cháu con.

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]