(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày qua, các sở ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều các giải pháp, hành động tích cực đã được triển khai như: Tổ chức cho học sinh học trực tuyến; công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà; người dân hạn chế ra đường...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm tin và sự đồng lòng trong cuộc chiến chống Covid-19

Những ngày qua, các sở ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều các giải pháp, hành động tích cực đã được triển khai như: Tổ chức cho học sinh học trực tuyến; công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà; người dân hạn chế ra đường...

Khung cảnh vắng lặng tại nhiều tuyến phố.

Đường phố vắng vẻ, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm...

Thời điểm sau Chỉ thị 16 có hiệu lực, điều dễ nhận thấy trên các tuyến phố ở TP Thanh Hóa đó là sự vắng vẻ, số lượng phương tiện tham gia giao thông cũng như người dân ra đường giảm rõ rệt. Các hàng quán đóng cửa, tụ điểm vui chơi như công viên, chợ cóc, chợ tạm vắng bóng người...

Tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza trên đường Trần Phú, TP Thanh Hóa, khung cảnh vắng vẻ được thay thế cho sự đông đúc nhộn nhịp của ngày thường. Các hàng quán cafe, nước giải khát, cửa hàng kinh doanh, nhà hàng ăn sáng... đồng loạt treo biển đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, tại Quảng trường Lam Sơn, nơi vốn người dân tập trung đông đúc nhất, nay chỉ còn lác đác một số người đi bộ. Tất cả mọi người đều ý thức đeo khẩu trang, đi bộ, tập thể dục với khoảng cách đảm bảo...

Tại các khu dân cư, người dân cũng đã bắt đầu làm quen với việc đóng cửa, hạn chế ra ngoài, trừ trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) cho biết: “Không chỉ gia đình tôi mà người dân nơi đây đã thay đổi thói quen thường ngày. Hầu như chỉ khi đi mua thực phẩm thiết yếu thì vợ hoặc chồng mới ra ngoài... Khi ra ngoài, mỗi người dân như chúng tôi cũng đều đeo khẩu trang y tế đảm bảo”. Cũng theo chị Hạnh thì có được sự thay đổi tích cực trên là bởi công tác tuyên truyền trên loa phóng thanh thường xuyên, cũng như sự ra quân của các lực lượng chức năng đã dẹp bỏ các tụ điểm tập trung đông người như chợ cóc, chợ tạm...

Một trong những chuyển biến tích cực khác là tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân đã được thay đổi. Thay vì đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm hàng tích trữ như thời điểm mới xuất hiện dịch, thì nay người dân đã không quá vội vã với việc mua hàng.

Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết:Co.opmart Thanh Hóa vẫn đảm bảo nguồn cung cho khách hàng. Tuy nhiên, việc người dân đến siêu thị thời điểm sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã giảm rõ rệt tới 30 - 40%. Nguyên nhân bởi tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân đã không còn. Siêu thị cũng tăng cường nhân viên giám sát chặt chẽ, khuyến cáo khách hàng giữ khoảng cách an toàn cũng như khuyến khích việc mua hàng trực tuyến.

Được biết, sau Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo đến các siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường điều chuyển hàng hóa tích trữ từ các kho ra thị trường. Đối với các doanh nghiệp như Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty Lương thực miền Bắc, các công ty, HTX cung ứng rau xanh, hoa quả... ưu tiên phục vụ thị trường nội tỉnh.

Khuyến khích học, làm việc trực tuyến...

Một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh Thanh Hóa khuyến khích triển khai là học, làm việc trực tuyến. Ghi nhận tại UBND TP Thanh Hóa, ngày 6/4, số lượng cán bộ, công chức đến công sở làm việc đã giảm rõ rệt. Theo đó, để bảo đảm công tác lãnh đạo, điều hành được thông suốt, hiệu quả, Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, các tổ giám sát vẫn đến công sở làm việc bình thường. Riêng các phòng chuyên môn chỉ còn 1 trưởng phòng và 1 đến 2 chuyên viên.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ có 2 lãnh đạo, mỗi phòng chuyên môn 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên làm việc tại cơ quan. Các trường học chỉ 1 thành viên trong ban giám hiệu, 1 bảo vệ trực trường. Các phường, xã, có chủ tịch, các phó chủ tịch, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, công an, quân sự, trạm y tế xã, phường làm việc bình thường... Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, ông Tạ Hồng Lựu cho biết: Cả phòng có 17 cán bộ, chuyên viên nhưng chỉ 2 người làm việc tại cơ quan, còn lại chủ yếu làm việc tại nhà.

Không chỉ UBND TP Thanh Hóa mà việc giảm số lượng cán bộ công chức làm việc tại công sở, chuyển làm việc trực tuyến tại nhà cũng đang được áp dụng đối với các sở, ban, ngành của tỉnh một cách hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Ngọc - chuyên viên Ban dự án 2 Sở GT-VT cho biết: "Những ngày làm việc tại nhà cũng khiến cho tôi nhiều bỡ ngỡ, bất cập. Ví như cần một tài liệu nào đó thì việc không có mặt ở nơi làm cũng là một bất tiện. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì những khó khăn đó có thể khắc phục".

Trong khi đó, đối với ngành giáo dục việc dạy học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu. Ngày 10/4, học sinh Trường THCS Điện Biên, TP Thanh Hóa sẽ chính thức tổ chức dạy học trực tuyến qua phần mềm Viettel Study cho học sinh toàn trường. Hiện tại, nhà trường đang tiến hành cung cấp các tài khoản cho học sinh để cài đặt và tham gia học tập. Đồng thời, tập huấn cho từng giáo viên nắm vững kỹ năng dạy học trực tuyến. Mỗi bài giảng được các nhóm bộ môn xây dựng, kiểm tra kỹ các nội dung trước khi thực hiện giảng dạy.

Với nhiều biện pháp, cách làm, Thanh Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách vừa phòng ngừa, vừa khắc phục sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]