(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) 71 năm trước đây cùng với cả nước từ rạng sáng ngày 19/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã sục sôi vùng lên khởi nghĩa đập tan ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23/8/1945 tại tỉnh lỵ Thanh Hóa, Chính quyền cách mạng làm lễ ra mắt trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước

(VH&ĐS) 71 năm trước đây cùng với cả nước từ rạng sáng ngày 19/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã sục sôi vùng lên khởi nghĩa đập tan ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23/8/1945 tại tỉnh lỵ Thanh Hóa, Chính quyền cách mạng làm lễ ra mắt trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào trong tỉnh.

Ngày 20/2/1947 Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiều điều quan trọng cần làm để kháng chiến và kiến quốc thành công. Đặc biệt Bác yêu cầu phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu.

Vâng lời Bác dạy, quân và dân Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, kiên cường chiến đấu bảo vệ địa phương, huy động cao nhất nhân tài, vật lực để chi viện cho chiến trường, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến. Gần 50 vạn con em tỉnh Thanh đã tình nguyện vào bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trên 5 vạn người đã hy sinh vì Tổ quốc, hàng chục vạn người đã bị thương tật, và di chứng của chiến tranh.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi Bác Hồ đã có lời khen: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu thì đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đó”.

Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa huân chương Sao vàng, danh hiệu Anh hùng LLVTND, hàng trăm đơn vị và cá nhân được thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hàng vạn người được tặng huân, huy chương các loại.

Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay. (Ảnh: Lê Bá Dũng)

Chuyển sang thời kỳ hòa bình, xây dựng nhất là từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh đã tiếp tục phát huy truyền thống, chung sức, chung lòng nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là kinh tế tăng trưởng, chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng đảm bảo, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Vốn là một tỉnh nông nghiệp, thường xuyên xảy ra thiếu đói, giáp hạt. Đến nay, đời sống người dân đã khác, lương thực không chỉ đủ trang trải mà còn có phần dư thừa và trở thành hàng hóa. Cùng với Khu kinh tế động lực Nghi Sơn, các khu công nghiệp TP Thanh Hóa, Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và nhiều cụm công nghiệp ở một số huyện đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Những mô hình trang trại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở khắp các vùng miền ngày càng phát triển. Việc thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Sự xuất hiện của các làng, xã và huyện nông thôn mới đang góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt. Thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ đang được chỉnh trang nâng cấp. Sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch từng bước phát triển vươn lên. Các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường đảm bảo.

Song, bên cạnh những thành quả đáng mừng vẫn còn những tồn tại. Nền kinh tế nói chung còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đời sống nhân dân ở một số vùng miền còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn cao, sự chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược còn có khoảng cách khá xa. Tệ nạn xã hội cùng những biểu hiện tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý nhất là những biểu hiện về sa sút lý tưởng, phẩm chất, tư tưởng và hành động quan liêu, tham nhũng, xa dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả bằng những biện pháp quyết liệt. Việc đổi mới tư duy và phong cách của một số cơ quan lãnh đạo còn chậm. Điều này đã được chỉ rõ trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh: “Vẫn còn một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đổi mới phương pháp và lề lối làm việc. Trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân chưa được phân định rõ, dẫn đến tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tích cực, còn gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân…”.

Khi làm Cách mạng Tháng 8/1945 Thanh Hóa chỉ mới có 50 đảng viên, giờ đây đã có trên 20 vạn đảng viên. Thiết tưởng nếu tất cả mọi đảng viên đều ấp ủ, phát huy được tinh thần anh dũng, kiên cường của Cách mạng Tháng Tám một lòng, một dạ vì dân, vì đảng, sống và làm việc mẫu mực, liêm khiết, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, phong cách thì chắc chắn sẽ là động lực để đưa phong trào tỉnh ta tiến lên nhanh, mạnh, vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Văn Như Tước



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]