(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các xã Quảng Chính, Quảng Trung (Quảng Xương) như ngồi trên đống lửa. Bởi, tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng đầu mối tiêu thụ là các khu du lịch trong tỉnh đang vắng du khách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên không có thương lái thu mua.

Quảng Xương: Người nuôi tôm gặp khó do dịch bệnh COVID-19

Những ngày này, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các xã Quảng Chính, Quảng Trung (Quảng Xương) như ngồi trên đống lửa. Bởi, tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng đầu mối tiêu thụ là các khu du lịch trong tỉnh đang vắng du khách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên không có thương lái thu mua.

Quảng Xương: Người nuôi tôm gặp khó do dịch bệnh COVID-19

Hàng ngày anh Nguyễn Văn Nam, xã QUảng Trung vẫn phải cho tôm ăn, hy vọng giá bán sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

Những ngày này, ông Mai Ngọc Chinh, thôn Đa Phúc, xã Quảng Chính đứng ngồi không yên, vì 8ha nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè của gia đình đã đến kỳ thu hoạch, nhưng vẫn chưa có thương lái đến hỏi mua. Ông cho biết: Mọi năm vào dịp này, cánh đồng tôm nhộn nhịp kẻ bán người mua. Năm nay chỉ có người nuôi tôm thở dài, mong ngóng thương lái đến thu mua. Theo ông Chinh, để có tiền đầu tư vào 8ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), ngoài vốn tự có, vay bạn bè, anh em, ông còn vay ngân hàng để có 1,2 tỷ đồng cải tạo ao nuôi, xây dựng hạ tầng, thuê nhân công... Hơn 3 tháng nuôi, tôm của ông đến kỳ thu hoạch với trọng lượng đạt 30 - 40 con/kg. Số tiền gia đình ông đã bỏ ra đầu tư cho vụ tôm này chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được.

Không chỉ gia đình ông Chinh mà gần 80 hộ NTTS ở xã Quảng Chính đều đang đứng ngồi không yên. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính, ông Phạm Bá Thảo cho biết: Vụ Xuân hè, xã Quảng Chính có 176,5ha NTTS chủ yếu nuôi tôm, cua và cá đối mục, theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Thức ăn dùng NTTS chủ yếu là dắt và cá con nên chất lượng tôm, cua, cá đối mục không chỉ ngon mà còn được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Chất lượng đảm bảo, lại tươi sống, nên mỗi năm hải sản của bà con xã Quảng Chính được các nhà hàng, khách sạn ở các khu du lịch: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Tiên Trang (Quảng Xương), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) đặt mua với số lượng lớn - chiếm trên 80% trong tổng sản lượng hơn 200 tấn hải sản của địa phương. Năm nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh vắng khách, nên vấn đề tiêu thụ hải sản của địa phương gặp nhiều khó khăn. Để tìm đầu ra, HTX đã tích cực đấu mối, đến điểm thu gom hải sản ở các chợ đầu mối của huyện, thị, thành phố trong tỉnh, nhưng số lượng không được nhiều và giá bán thấp hơn so với năm 2020 khoảng 35%. Cụ thể, 1kg tôm sú (loại 40 con/kg) hiện tại có giá bán 160.000 - 180.000 đồng, thấp hơn so với năm 2020 từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Chính vì giá thấp và ít người mua nên đa số hộ NTTS ở xã Quảng Chính chưa vội thu hoạch, mà chờ dịch lắng xuống, hy vọng giá bán tăng cao. Tuy nhiên, tiền thức ăn mỗi ngày phải chi ra cũng không hề nhỏ.

Vụ xuân hè này, xã Quảng Trung có 340ha NTTS theo hình thức quảng canh cải tiến. Ông Lê Đình Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lẽ ra vào thời điểm này, tôm đang được bà con thu hoạch rộ. Năm nay, giá bán hải sản chỉ bằng 1/3 so với những năm trước, nên mới lác đác vài hộ thu hoạch. Tôm khó bán và bán với giá thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hàng, khách sạn ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vắng khách. Bên cạnh đó, việc hạn chế tập trung đông người cũng khiến việc tiêu thụ hải sản bị hạn chế. Khi nhu cầu hạn chế, nguồn cung dồi dào thì giá bán thấp là điều tất yếu của quy luật thị trường.

Là một trong số hơn 60 hộ nuôi tôm của xã Quảng Trung đang gặp khó vì giá cả thấp và đầu ra của sản phẩm, anh Nguyễn Văn Nam cho hay: Anh nhận thầu 14ha đất bồi ven sông Ghép để đầu tư NTTS. Trên diện tích này, anh nuôi tôm sú, tôm rảo và cua. Hiện trọng lượng của tôm đạt 40 con/kg. Nếu không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, anh đã thu hoạch và thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ khó khăn, nên anh chưa vội thu hoạch đại trà, mà chờ dịch được khống chế, giá bán sẽ cao hơn.

Người dân xã Quảng Khê cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Bà Vũ Thị Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, cho biết: Trong số 1.317ha NTTS của huyện, có 742ha NTTS nước mặn, lợ, diện tích còn lại là NTTS nước ngọt. Vụ xuân hè này, huyện Quảng Xương đưa vào nuôi thả 45 triệu con tôm sú (đạt 100% kế hoạch), 10 triệu con tôm thẻ chân trắng (đạt 40% kế hoạch). Hiện tôm thả vụ xuân hè đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá tôm xuống thấp và tiêu thụ khó, vì 70% – 80% sản lượng tôm của bà con cung cấp cho nhà hàng, khách sạn ở các khu, điểm du lịch.

Khắc phục tình trạng này theo bà Vũ Thị Ánh Nguyệt, chính quyền địa phương, đầu mối là các HTX cần thâm nhập thị trường bán lẻ trong tỉnh là các chợ truyền thống, siêu thị nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Về lâu dài, phải tính đến sự liên kết với doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, nhất là doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm. Để làm được điều đó, vùng NTTS phải được quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi...

Hàng ngày anh Nguyễn Văn Nam, xã Quảng Trung vẫn phải cho tôm ăn, hy vọng giá bán sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]