(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thanh Hóa có vai trò, vị trí chiến lược và đóng góp quan trọng. Tinh thần, bản lĩnh, sự hy sinh lớn lao ấy được biểu hiện một cách sinh động, chân thực thông qua nhiều kỉ vật, tư liệu, hình ảnh.

Thanh Hóa anh hùng qua những kỉ vật, tư liệu, hình ảnh

Xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thanh Hóa có vai trò, vị trí chiến lược và đóng góp quan trọng. Tinh thần, bản lĩnh, sự hy sinh lớn lao ấy được biểu hiện một cách sinh động, chân thực thông qua nhiều kỉ vật, tư liệu, hình ảnh.

Hũ tiết kiệm tiền - tấm lòng của mẹ Tơm

Sự khốc liệt của những cuộc chiến tranh trên dải đất hình chữ S của chúng ta đã đẩy lớp lớp thế hệ thanh niên trai tráng lên đường ra mặt trận, khiến cho đôi bàn tay người phụ nữ vốn chỉ quen việc đồng áng, bếp núc cũng phải mạnh dạn cầm súng chiến đấu.

Thanh Hóa anh hùng qua những kỉ vật, tư liệu, hình ảnh

Hũ tiết kiệm tiền mẹ Tơm dành để chăm lo cho các đồng chí hoạt động cách mạng bí mật.

Ví như câu chuyện của mẹ Nguyễn Thị Quyển (tên thường gọi là mẹ Tơm) một thời ngược xuôi, tảo tần cùng gia đình nuôi dấu cán bộ hoạt động cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp như: Lê Tất Đắc, Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Khánh Trình…

Trong túp lều tranh giữa cồn cát bỏng của làng quê nghèo ven biển Hanh Cát, Hanh Cù, mẹ Tơm nhường hẳn căn buồng của hai vợ chồng cho các đồng chí ở và làm việc. Không chỉ tần tảo, chắt chiu, nhường cơm, sẻ áo, chăm lo cho các đồng chí yên tâm hoạt động cách mạng, mẹ còn tham gia đưa báo đến các cơ sở cách mạng và tham gia rải truyền đơn…

Chính tại nơi đây, Nhà lưu niệm mẹ Tơm được xây dựng. Tại đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật nhắc nhớ về tấm lòng thơm thảo của người mẹ nghèo, trong đó hiện vật gây xúc động nhất chính là hai chiếc hũ sành - một hũ đựng gạo, một hũ đựng tiền mà sinh thời mẹ Tơm chắt chịu, dành dụm lo cho các đồng chí hoạt động cách mạng phòng khi trái gió trở trời, đau ốm. Tấm chân tình, đức hy sinh ấy đã trở thành biểu tượng đẹp cho tinh thần, phẩm chất, cốt cách người phụ nữ Việt - những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Bộ đồ nghề cắt tóc của hai người con trai mẹ Tơm

Hai người con trai là anh Vũ Văn Sồ và Vũ Văn Hậu sớm được giác ngộ cách mạng. Để phụ giúp mẹ Tơm, hai anh vừa đi cắt tóc kiếm tiền mua gạo nuôi cán bộ vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, liên lạc cách mạng.

Thanh Hóa anh hùng qua những kỉ vật, tư liệu, hình ảnh

Bộ đồ nghề cắt tóc của con trai mẹ Tơm.

Tinh thần cách mạng của hai anh luôn được nêu cao ngay cả khi phải đối diện với hiểm nguy. Ngay khi cơ sở hoạt động cách mạng bí mật ở nhà mẹ Tơm có dấu hiệu bị lộ, tổ chức giải tán sang Hoằng Hóa, Nga Sơn, địch cho quân về lùng sục, càn quét làng quê nghèo, anh Hậu và anh Sồ bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai nửa lời. Không khai thác được gì, sau gần hai năm giam cầm ở nhà giam thị xã Thanh Hóa, chúng thả hai anh về. Ra tù hai anh lại tiếp tục móc nối với cấp trên để hoạt động bí mật.

Hai anh không chỉ là niềm tự hào của mẹ Tơm, gia đình, quê hương, mà còn là tấm gương sáng, truyền cảm hứng, nhiệt huyết cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau.

Chiếc cặp da của người chiến sĩ cách mạng trung kiên

Năm 1930, đồng chí Lê Hữu Lập - người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đến quê nhà sau thời gian hoạt động cách mạng tích cực tại Thái Lan, mang theo nhiệm vụ thành lập tổ chức Đảng Cộng sản tại địa phương.

Tháng 9-1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đã được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn ở làng Cự Đà, xã Hoằng Minh (nay là xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa).

Thanh Hóa anh hùng qua những kỉ vật, tư liệu, hình ảnh

Chiếc cặp da đã theo đồng chí Lê Viết Phồn trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng.

Từ “cái nôi cách mạng Cự Đà”, dưới ngọn cờ Đảng soi đường, phong trào Việt Minh ở Hoằng Hóa bùng lên thành cao trào mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, động viên to lớn cho những bước phát triển tiếp theo của phong trào cách mạng, mà tiêu biểu nhất là thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hoằng Hóa ngày 24-7-1945.

Ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hoằng Hóa từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Những con người ấy giờ đã là một phần của lịch sử nhưng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, chí khí người cộng sản vẫn luôn được các thế hệ cháu con hôm nay khắc ghi, trân trọng. Trong ngôi nhà ấy, hiện vẫn còn lưu giữ chiếc cặp da đã theo đồng chí Lê Viết Phồn trong suốt những ngày tháng hoạt động cách mạng hiểm nguy, gian khó như một cách thành kính tri ân, tưởng nhớ.

Chiếc xe đạp thồ Điện Biên

Suốt những năm tháng trường kì kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là một căn cứ địa quan trọng, là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, đã không ngừng cung cấp sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước. Trong đó, sự xuất hiện của “binh đoàn tay ngai” đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc. Hòa chung với không khí ấy, lớp lớp “binh đoàn tay ngai” của Thanh Hóa nườm nượp lên đường tiếp lương, tải đạn phục vụ tiền tuyến.

Thanh Hóa anh hùng qua những kỉ vật, tư liệu, hình ảnh

Chiếc xe đạp thồ của Thanh Hóa tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ hiện trưng bầy tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Để đáp ứng được nhiệm vụ, những chiếc xe đạp thồ đã được cải tiến, trở thành những “con ngựa sắt” trên suốt hành trình. Không quản hiểm nguy, gian khó, với sự “điều khiển” tài tình, khéo léo của người dân công, “con ngựa sắt” ấy leo dốc, vượt đèo đủ sức tải từ 100 - 300kg gạo, thậm chí đạt kỷ lục là 320kg như xe của dân công Cao Tỵ.

Tỉnh Thanh Hóa tự hào vì đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiếc xe đạp thồ đã trở thành biểu tượng đẹp cho tinh thần, ý chí, nghị lực của quân và dân Thanh Hóa trong sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]