(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiều nay (3/4), đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, giảm thu nhập do đại dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa bàn giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Chiều nay (3/4), đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, giảm thu nhập do đại dịch Covid-19.

Chính phủ dự kiến có gói hỗ trợ khoảng 52.000 tỉ đồng hỗ trợ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch. Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Các gói hỗ trợ được thiết kế trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chia ra nhiều đối tượng. Trong đó, dự kiến sẽ hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020) cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31.12.2019. Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng , người sử dụng có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng cho các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Theo báo cáo của các sở ngành, tại Thanh Hóa, số lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi doanh nghiệp phải dừng việc, giãn việc chủ yếu là ở khu vực dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, các cơ sở giáo dục tư thục… Đến 31/3/2020, Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa đã nhận được báo cáo của 31 doanh nghiệp may mặc, da giày, xây dựng… về việc cho dừng việc, giãn việc, giảm việc đối với trên 33.000 lao động. Trong đó, chỉ riêng các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa đã có 16.000 lao động phải nghỉ việc và được hỗ trợ 1 tháng lương.Dự báo trong quý 2/2020 sẽ tiếp tục có khoảng 40.000 lao động phải dừng việc do các doanh nghiệp ách tắc về thị trường xuất khẩu.

Để thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bên cạnh số lao động phải nghỉ việc, giãn việc, Thanh Hóa còn có 75.000 người có công hưởng mức trợ cấp hàng tháng, 201.000 người bảo trợ xã hội; 140 ngàn hộ nghèo, cận nghèo… Dự kiến số tiền hỗ trợ khoảng trên 1000 tỷ đồng, trong đó, Thanh Hóa được Trung Ương hỗ trợ 50%. Đây là vấn đề khó khăn trong điều kiện Thanh Hóa là tỉnh chưa tự chủ hoàn toàn về ngân sách, vừa phải ứng phó với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và đầu tư, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, trước hết các ngành, địa phương cần rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thật hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương đã ban hành đối với doanh nghiệp. Thanh Hóa cũng nên nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục tư thục, lao động hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp, hỗ trợ phần lãi suất còn lại đối với số tiền doanh nghiệp vay ngân hàng để trả lương cho người lao động; giảm giá một số dịch vụ công ích do tỉnh quản lý, giãn thời gian nộp các khoản phí, lệ phí.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho rằng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, số lượng lao động không có việc làm ngày càng tăng. Tỉnh, các sở, ngành, các địa phương chia sẻ những khó khăn đối với các doanh nghiệp và trước hết triển khai thực hiện đầy đủ, tốt các chính sách của Trung ương. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan của tỉnh tập trung nghiên cứu ban hành văn bản liên ngành hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách của Trung ương, như: Chính sách về bảo hiểm, tín dụng, thuế.

Đối với tỉnh, các chính sách của tỉnh tiếp tục được nghiên cứu để cùng với Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là chính và các chính sách Trung ương chưa đề cập hoặc đã hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành có liên quan của tỉnh nghiên cứu báo cáo UBND tỉnh, như: Hỗ trợ giáo viên đóng BHXH trong thời gian nghỉ dạy học; hỗ trợ doanh nghiệp tiền lãi suất của 50% mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch; nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]