(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có hơn 3,64 triệu người (theo số liệu điều tra năm 2019), trong đó có đến 72,2% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Vì lẽ đó, khu vực nông thôn được đánh giá là thị trường tiêu dùng rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc “khai thác” thị trường này dường như... đang còn bỏ ngỏ.

Thị trường tiêu dùng nông thôn: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thanh Hóa có hơn 3,64 triệu người (theo số liệu điều tra năm 2019), trong đó có đến 72,2% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Vì lẽ đó, khu vực nông thôn được đánh giá là thị trường tiêu dùng rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc “khai thác” thị trường này dường như... đang còn bỏ ngỏ.

Thị trường tiêu dùng nông thôn: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Hàng Việt được bày bán tại Siêu thị miền Tây Bá Thước. Ảnh: Minh Hằng

Nhu cầu tiêu dùng lớn

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam về thị trường tiêu dùng nông thôn cho thấy: Có tới 95% gia đình nông thôn sẵn sàng mua ti vi; 92% muốn mua bếp điện hoặc bếp gas; 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính…Tuy nhiên, mua những sản phẩm này ở đâu, làm sao đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý...? đang là vấn đề mà người dân sống ở vùng nông thôn quan tâm. Bởi, thực tế khu vực nông thôn cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) chưa có nhiều, thậm chí là không có doanh nghiệp, hay cá nhân mạnh dạn mở đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Vậy nên, để mua sản phẩm, nhất là sản phẩm điện tử, điện lạnh như: Ti vi, tủ lạnh, máy giặt hay máy tính... (chưa cần nói đến chất lượng), người dân khu vực nông thôn buộc phải đến cơ sở kinh doanh ở trung tâm huyện, hoặc tìm về TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đến được những nơi này, nhất là người già, người khuyết tật.

Ông Bùi Văn Thế, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) giãi bày: Gia đình chỉ có 2 ông bà tuổi ngoài 70 ở nhà. Nhiều lúc, ông rất cần có chiếc ti vi để xem cho vui lúc tuổi già nhưng trên địa bàn xã chưa thấy chỗ nào bán. Ông nghe nói phải lên trung tâm huyện mới có. Trong khi xã cách trung tâm huyện hàng chục cây số, ông tuổi cao, sức yếu không thể đi được. Còn bà Vi Thị Ón, thôn Thanh Xuân, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), cho biết: Bà muốn mua chiếc nồi cơm điện nhưng ở đây không ai bán cả.

Không phải chỉ ông Thế hay bà Ón, rất nhiều người dân nông thôn muốn mua nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhưng các mặt hàng bán tại địa bàn họ cư trú còn rất nghèo nàn, đơn điệu. Các sản phẩm chủ yếu, như: Dầu ăn, mì chính, bột ngọt, bánh kẹo... là những mặt hàng thông dụng được cửa hàng tạp hóa ở các vùng nông thôn bày bán.

Thông tin từ Sở Công Thương cho thấy, những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại lớn, 20 siêu thị, hơn 100 cửa hàng đáp ứng tiêu chí loại hình kinh doanh siêu thị đang hoạt động, 404 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 391 chợ truyền thống. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa khá lớn về mức độ sôi động của hạ tầng thương mại giữa khu vực đô thị và nông thôn. Các cơ sở thương mại quy mô lớn, hiện đại thường tập trung ở trung tâm huyện, trung tâm cụm xã có mật độ dân số đông và tiềm năng giao thương tốt.

Cơ hội cho những chiêu trò

Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, đồng thời lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân khu vực nông thôn về cách thức kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nhiều tổ chức, cá nhân đã mượn danh Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về thị trường nông thôn tiêu thụ.

Cách đây không lâu, người dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị một nhóm người tự xưng là đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại & Phát triển Khoa học Công nghệ Thiên An (trụ sở tại Hà Nội) lừa bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng có giá “trên trời”. Để tạo lòng tin và thu hút người dân, ngoài nhờ các trưởng thôn đến từng hộ phát giấy mời, nhóm đối tượng còn “dẫn dụ” tham dự chương trình sẽ có cơ hội nhận được những phần quà trị giá từ 100 - 400 nghìn đồng và phần thưởng dành cho người may mắn nhất, trị giá hàng triệu đồng. Nhiều người dân đã tham gia và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua những món hàng mà khi sử dụng, họ mới thấy không đúng như những lời quảng cáo.

Thị trường tiêu dùng nông thôn: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nhiều người dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) bức xúc vì mua phải hàng kém chất lượng với giá “trên trời”. Ảnh: Minh Lý

Đến tận bây giờ, bà Mậu (80 tuổi) ở thôn Hòa, xã Quảng Nham vẫn chưa hết hậm hực, xót của khi “rước” về chiếc nồi cơm điện và bếp từ “rởm”. Bà kể: “Nghe nhân viên chào bán nồi cơm điện với giá khuyến mại 2,35 triệu đồng và giới thiệu là hàng ưu đãi có hạn nên ai muốn mua phải đặt sẵn số tiền mới nhận được phiếu mua hàng. Số tiền đặt sẵn sẽ được nhân viên trả lại sau đó. Thấy mua được sản phẩm có giá rẻ lại được nhận thêm tiền khuyến mại, rất đông người đặt tiền lấy phiếu và tôi cũng đặt theo. Tuy nhiên, sau khi tôi và nhiều người khác mua được nồi cơm điện, nhân viên bán hàng không trả lại số tiền như đã hứa mà quy đổi bằng sản phẩm khuyến mại là bếp từ. Vậy là, số tiền tích cóp, dành dụm bấy lâu của tôi giờ đã bị lừa hết”.

Thấy gì qua chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”

Thực tế, để đa dạng hàng hóa cung ứng cho Nhân dân vùng nông thôn, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã được các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp chú trọng thực hiện. Điển hình và hiệu quả trong chương trình này là sự vào cuộc của Công ty CP Thương mại miền núi Thanh Hóa với hệ thống 13 siêu thị trải đều ở 11 huyện miền Tây của tỉnh. Cơ cấu hàng ngàn mặt hàng của hệ thống siêu thị với 90% hàng Việt đã và đang trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng khu vực miền núi những năm gần đây. Đại diện đơn vị, cho biết: Từ năm 2021, công ty đã phối hợp với một số huyện đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương vào bày bán tại siêu thị. Cùng với đó, công ty cũng triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm.

Cùng với khuyến khích phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn, các phiên chợ hàng Việt, các chương trình bán hàng Việt lưu động cũng được chú trọng triển khai. Theo ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng; ông Phạm Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh: Qua 3 năm thực hiện chương trình, 2 đơn vị đã tổ chức được 30 phiên chợ hàng Việt. Mỗi phiên chợ diễn ra trong 3 ngày. Các mặt hàng tại chợ rất phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng và được niêm yết theo giá gốc của nhà phân phối. Mỗi phiên chợ mang lại doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng, minh chứng cho sức tiêu thụ khá mạnh và uy tín của sản phẩm hàng Việt trên thị trường.

Có thể thấy, mặc dù chưa được triển khai một cách liên tục và rộng khắp, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã phần nào giải được “cơn khát” hàng Việt của bà con. Từ đó, góp phần hạn chế, đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia chương trình có điều kiện khảo sát thị trường, nắm bắt được tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị được tốt hơn.

Để hàng Việt tiếp cận tới đông đảo người dân khu vực nông thôn, nhất là địa bàn miền núi địa hình quá xa xôi như: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát..., Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp kinh phí vận chuyển hàng hóa. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: Tham gia các chuyến bán hàng lưu động hay phiên chợ hàng Việt, doanh nghiệp gần như không đặt nặng vấn đề bán hàng và lợi nhuận, vì thực tế, nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mãi. Tuy nhiên, Co.opmart Thanh Hóa vẫn tích cực tham gia để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con Nhân dân với mong muốn đưa những sản phẩm có chất lượng và giá cả phải chăng về các khu vực xa trung tâm. Do đó, nếu có một cơ chế hỗ trợ tốt hơn, tin chắc sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chương trình này, tạo điều kiện thu dần khoảng trống thiếu hàng hóa tiêu dùng ở thị trường nông thôn.

Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]