(vhds.baothanhhoa.vn) - Hằng năm, giai cấp công nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, giai cấp công nhân đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào giai cấp công nhân Việt Nam

Hằng năm, giai cấp công nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, giai cấp công nhân đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Cách đây 134 năm, ngày 1/5/1886, do yêu sách “ngày làm việc 8 giờ” không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã bãi công. Dù bị đàn áp đẫm máu, hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt nhưng cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, buộc giới chủ phải công nhận chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trở thành mốc son trong lịch sử giai cấp công nhân và phong trào Công đoàn tiến bộ quốc tế. Ngày 1/5 đã được Quốc tế Cộng sản II chọn làm Ngày Quốc tế lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Ở nước ta, từkhi Đảng Cộng sản ra đời năm 1930, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân - đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành rất quan trọng về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 29/4/1946, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân, nhân viên được nghỉ nhưng có hưởng lương đầy đủ trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Trong ngày này, ai vì điều kiện khách quan của công việc không thể nghỉ được thì sẽ hưởng lương gấp đôi. Ngày 1/5/1946, Bác ra lời kêu gọi trong đó xác nhận: “Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1/5. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975), ở các vùng bị địch tạm chiếm, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động đòi quyền lợi, độc lập, dân chủ, tự do nhân kỷ niệm ngày 1/5 cũng thường diễn ra sôi nổi và có khi rất quyết liệt. Cuộc biểu dương lực lượng trong ngày 1/5/1961 của 16.000 công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn chào mừng sự ra đời của Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam là một minh chứng điển hình.

Từ khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975) và nhất là từ khi khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện (tháng 12/1986), ngày 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam, ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi hòa bình, tự do dân chủ, tiến bộ xã hội.

Giai cấp công nhân Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh theo tốc độ phát triển đất nước.

Theo số lượng thống kê cho thấy, “thời kỳ trước đổi mới, nước ta có khoảng 3,38 triệu công nhân, chiếm 16% lực lượng lao động xã hội thì đến cuối năm 2016 tăng lên 12,85 triệu công nhân, chiếm 14,1% dân số và 23,81% lực lượng lao động xã hội. Cơ cấu kinh tế nước ta đang phát triển theo xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Gắn với xu hướng này, giai cấp công nhân cũng có thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nhân trong ngành công nghiệp chế tạo, ngành dịch vụ” (Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.279-284).

Như vậy, bên cạnh đội ngũ công nhân truyền thống đã xuất hiện đội ngũ công nhân trong các ngành nghề mới. Giai cấp công nhân được Đảng và Nhà nước quan tâm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, hình thành tác phong và kỷ luật công nghiệp. Quá trình đổi mới ở nước ta cho thấy, giai cấp công nhân đã đi đầu, có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày Quốc tế Lao động năm nay bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân năm 2020từ 1-31/5/2020, với chủ đề: "Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Hơn bao giờ hết, mỗi công nhân tự mình phấn đấu, nâng cao tri thức, tay nghề để có thể làm tốt sứ mệnh lịch sử đã đề ra, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại đúng như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhằm đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc trong công nhân, viên chức, lao động lần thứ X. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tính đến hết quý I năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 315.000 công nhân, viên chức, lao động; trong đó có 266.236 đoàn viên công đoàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân đang đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Đời sống công nhân lao động đã và đang được cải thiện đáng kể với thu nhập bình quân khối hành chính sự nghiệp là 5.925.000 đồng/người/tháng; khối sản xuất kinh doanh 5.423.000 đồng/người/tháng.

Nguyễn Văn Thanh


Nguyễn Văn Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]