(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, tỉnh Thanh có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, một câu hỏi đau đáu vẫn được đặt ra - tên gọi Thanh Hóa có tự bao giờ? Để trả lời câu hỏi ấy, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, tốn nhiều tâm huyết, công sức của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh, trong nước. Mới đây, kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy năm 1029 là năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với Thanh Hóa. Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa sự kiện này, Báo VH&ĐS xin giới thiệu bài phỏng vấn đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào về truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất xứ Thanh anh hùng và cách mạng

(VH&ĐS) Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, tỉnh Thanh có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, một câu hỏi đau đáu vẫn được đặt ra - tên gọi Thanh Hóa có tự bao giờ? Để trả lời câu hỏi ấy, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, tốn nhiều tâm huyết, công sức của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh, trong nước. Mới đây, kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy năm 1029 là năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với Thanh Hóa. Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa sự kiện này, Báo VH&ĐS xin giới thiệu bài phỏng vấn đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

P.V: Hòa chung không khí nhân dân cả nước hân hoan kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 - ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh càng vui mừng, tự hào khi mới đây, kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy năm 1029 là năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng, khẳng định thêm bề dày truyền thống lịch sử của tỉnh Thanh. Được biết, để xác định được năm 1029 là mốc niên đại Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tỉnh đã có sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều cuộc hội thảo nghiêm túc, cẩn trọng trong 7 năm qua. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với vấn đề này?

Đồng chí Trịnh Văn Chiến: Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, địa dư của Thanh Hóa khá ổn định, hầu như không có sự sáp nhập hay chia tách lớn. Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ phong kiến; là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh; là địa bàn trọng yếu, phên dậu của đất nước; là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, đồng hành cùng với sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Truyền thống và bề dày lịch sử, vị thế của Thanh Hóa đã được khẳng định và ghi chép khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong các bộ chính sử từ thời cổ đại đến cận đại, ghi trong các thư tịch, văn bia và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào lúc nào thì sử sách lại ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác, thiếu thống nhất, dẫn đến có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, làm cho việc xác định niên đại ra đời của Danh xưng Thanh Hóa trở nên hết sức khó khăn, phức tạp. Tôi xin chỉ ra một số quan điểm để minh chứng cho điều này.

(1) Một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử căn cứ vào các tài liệu như: Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của các sử thần triều Nguyễn; sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi; công trình nghiên cứu “Việt Nam qua các đời” của Giáo sư Đào Duy Anh. Từ các cứ liệu sử học ghi trong các tài liệu trên, nhiều nhà sử học, nhà khoa học đã đưa ra các lý luận, dẫn chứng để đề xuất quan điểm năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là năm 1029 (năm Thiên Thành thứ hai).

(2) Bên cạnh đó cũng có không ít nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử khác cho rằng, năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là 1082. Cơ sở để các tác giả này đề xuất mốc niên đại 1082 là dựa vào tấm bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (gọi tắt là Bia Báo Ân) do tác giả Chủ Văn Thường soạn; dựa vào các Bia: chùa Linh Xứng (huyện Hà Trung), chùa Hương Nghiêm (huyện Thiệu Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (huyện Hậu Lộc), các bia này đều được khắc vào đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128); và dựa vào hai nguồn sử liệu là Việt sử lược (thế kỷ XIV) và Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV). Một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì căn cứ vào công trình nghiên cứu về Lý Thường Kiệt của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn để khẳng định điều này. Đồng thời các nhà khoa học, nhà sử học này cho rằng nếu lấy niên đại 1029 để đánh dấu sự chuyển đổi từ Ái Châu thành Thanh Hóa là một sai lầm, vì đó là Lời Cẩn Án (Lời nhận xét), không phải là những sử liệu gốc, không phải là những ghi chép trong chính sử do các nhà sử học đương thời (thời Lý), do đó không có sức thuyết phục.

(3) Ngoài ra cũng có số ít nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề xuất lựa chọn các niên đại khác như: 1010, 1054, 1061, 1078, 1079, 1111, 1240,... là năm đầu tiên xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Trong suốt những năm qua, câu hỏi: Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ? luôn là nỗi niềm đau đáu của rất nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân tỉnh Thanh Hóa chúng ta. Và, sau một chặng đường rất dài, gần một thập niên, qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước; chúng ta đã có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định: Năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Tôi xin nói thêm về 3 cuộc hội thảo này, để mọi người thấy được những lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc xác định Danh xưng Thanh Hóa; cũng như thấy được những khó khăn, vất vả trên con đường đi tìm câu trả lời cho năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa.

Cuộc hội thảo đầu tiên do Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa tổ chức vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Cuộc hội thảo khoa học lần thứ hai do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 11/11/2011. Tổng kết hai cuộc hội thảo trên cho thấy, mặc dù đã có nhiều đóng góp làm sáng tỏ thêm về một số mốc ra đời của Danh xưng Thanh Hóa; song, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu vẫn chưa đi đến sự thống nhất mà còn có nhiều quan điểm, nhiều tranh luận gay gắt, nhiều ý kiến trái chiều nhau; trong đó có 3 nhóm ý kiến thiên về 3 mốc thời gian, đó là: năm 1029, 1082 và 1111. Do vậy, sau 2 cuộc hội thảo này, vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận về năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2015), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định việc nghiên cứu, xác định năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là việc trong những việc rất lớn của nhiệm kỳ này. Để hoàn thành được nhiệm vụ rất khó khăn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ban, sở ngành chức năng của tỉnh, phối hợp với các nhà sử học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước và của tỉnh tập trung nghiên cứu, tra cứu các tài liệu, cứ liệu lịch sử, tổ chức hội thảo, đưa ra các căn cứ khoa học có sức thuyết phục để xác định bằng được thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học tổ chức nhiều hội nghị khoa học bàn bạc và quyết định phương hướng, những công việc cần tiếp tục tiến hành để phục vụ công tác nghiên cứu.

Sau hơn 1 năm triển khai phối hợp các nhiệm vụ nghiên cứu và chuẩn bị hội thảo, cuối cùng cơ bản quy lại còn 2 nhóm tác giả đề xuất năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa, một nhóm tác giả đề xuất năm 1029 và một nhóm tác giả đề xuất năm 1082.

Trước khi tổ chức hội thảo, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc, trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - Đồng chủ trì cuộc hội thảo thứ 3. Qua trao đổi, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê cho rằng cuộc hội thảo thứ 3 cũng sẽ rất khó để kết luận chính xác là năm nào? 1029, hay 1082, hay một thời điểm nào khác. Nếu hội thảo có kết luận được thì cũng chỉ là tương đối chính xác mà thôi.

Sáng ngày 23 tháng 5 năm 2017, Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa; lần thứ 3 được tiến hành, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử trong nước và trong tỉnh, cùng dự Hội thảo có các đồng chí Thường trực, nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh. Tại Hội thảo, đã có 13 tham luận và một số ý kiến được trình bày; trong đó, có nhiều tham luận, nhiều ý kiến đề xuất năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa. Cơ sở của đề xuất này là các nhà nghiên cứu dựa vào những sự kiện được ghi chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục; tuy có mặt hạn chế về sử liệu học nhưng đây là một bộ Quốc sử thời Nguyễn.

Một số tham luận, ý kiến tại hội thảo đề xuất năm 1082 hay trước đó một vài năm (có 3/23 tham luận và ý kiến tại hội thảo đề xuất mốc thời gian này). Cơ sở của đề xuất này là dựa trên các văn bia thời Lý; chẳng hạn như Bia chùa Báo Ân, núi An Hoạch ghi là: “Năm Nhâm Tuất (1082), vua Lý Nhân Tông đặt riêng một quân ở Thanh Hóa, ban cho Lý Thường Kiệt, để phong ấp.”; như vậy, có thể hiểu là tên Thanh Hóa có trước năm 1082. Những văn bia này là tư liệu gốc có giá trị, nhưng rất tiếc là các tác giả chưa xác định được năm nào cụ thể, mà mới chỉ dựa trên cơ sở dự tính, suy luận.

Căn cứ các ý kiến tham luận tại hội thảo; căn cứ các cơ sở khoa học và thực tiễn mà phần đông các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu có được, hội thảo đã thống nhất rất cao rằng: Năm 1029 là năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa (ngày 23/5/2017).

P.V: Việc xác định được mốc niên đại xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với tỉnh Thanh Hóa chúng ta, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Văn Chiến: Thanh Hóa tự hào là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của tam vương, nhị chúa, của văn hiến và khoa bảng. Cùng với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa chúng ta luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là địa danh có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, có những đóng góp mang dấu ấn lịch sử to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử, vùng đất Thanh Hóa khá ổn định, hầu như không có sự sáp nhập hay chia tách lớn. Người dân Thanh Hóa chúng ta rất tự hào về điều đó.

Nhưng, trong mỗi người dân tỉnh Thanh Hóa chúng ta luôn có một nỗi niềm đau đáu, đó là, trong dòng chảy lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta, tên gọi Thanh Hóa xuất hiện tự bao giờ? Do vậy, việc xác định được năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là một dấu mốc lịch sử của lịch sử tỉnh ta, có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp rất nhiều thế hệ người dân Thanh Hóa trả lời được câu hỏi: Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ?, mà còn thêm một lần nữa khẳng định bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của mảnh đất xứ Thanh anh hùng và cách mạng. Đây cũng là nguồn cội sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Cầu Hàm Rồng - cây cầu huyền thoại của xứ Thanh. (Ảnh: Tư liệu)

P.V: Hướng tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019), tỉnh đã và đang có những bước chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Văn Chiến: Từ nay đến thời điểm tổ chức kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Việc quan trọng trước mắt là chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, xác định thời điểm tổ chức kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Tức là chúng ta tổ chức kỷ niệm sự kiện này vào ngày nào, tháng nào của năm 2019 để đảm bảo đầy đủ ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa chính trị của sự kiện này. Việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành chức năng của tỉnh thực hiện.

Một việc nữa cũng rất quan trọng, không chỉ cho trước mắt, mà cả lâu dài đó là chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người hiểu sâu sắc tính khoa học, thực tiễn và ý nghĩa của sự kiện này; làm cho mọi người nhận thức đầy đủ và tự hào về truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất xứ Thanh anh hùng và cách mạng; tạo thêm động lực mới, sức mạnh mới trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, để mọi người đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, chúng ta phải bổ sung niên đại 1029 - năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào các bộ sách lịch sử của tỉnh như: Địa chí Thanh Hóa, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa,... và trong các giáo trình, bài giảng lịch sử ở các trường học, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, sự hiểu biết sâu sắc, sự trân trọng, niềm tự hào về quá trình lịch sử lâu đời của tỉnh Thanh Hóa chúng ta.

Cùng với đó, chúng ta phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức các hình thức tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất và người Thanh Hóa trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc; tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu về tỉnh Thanh Hóa chúng ta qua các thời kỳ, gắn với kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa và các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh từ nay đến năm 2019.

Chúng ta tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ, bổ sung thêm về thân thế, sự nghiệp và những công trạng của các nhân vật tiêu biểu dưới thời Lý quê Thanh Hóa như: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu và những đóng góp của Thanh Hóa với Vương triều Lý,... Tổ chức hoạt động hành hương về vùng đất cổ; biên soạn và xuất bản sách, các ấn phẩm văn hóa, các công trình lịch sử, phim, ảnh;... phục vụ lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Song song với các công việc nêu trên, các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, đưa tỉnh Thanh Hóa chúng ta thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Những nội dung công việc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao các ban, ngành, cơ quan chức năng chuẩn bị, triển khai thực hiện.

Nhớ về nguồn cội, tự hào về bề dày truyền thống của vùng đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc, chúng ta càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của các thế hệ tiếp bước trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử vô giá mà các thế hệ cha ông đi trước đã gây dựng, trao truyền lại bằng trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương. Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh 2/9, tôi xin gửi tới các đồng chí, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh; đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở nước ngoài, tỉnh ngoài; người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hoá lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]