(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhớ Bác Hồ là nhớ tới công ơn trời biển của Người đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học và cách mạng để vạch con đường đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ, trở thành một dân tộc độc lập, tự do, làm chủ đất nước mình, thực hiện quyền bình đẳng với tất cả các dân tộc lớn, nhỏ trên thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vầng dương của Bác sáng soi đường tương lai

Nhớ Bác Hồ là nhớ tới công ơn trời biển của Người đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học và cách mạng để vạch con đường đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ, trở thành một dân tộc độc lập, tự do, làm chủ đất nước mình, thực hiện quyền bình đẳng với tất cả các dân tộc lớn, nhỏ trên thế giới.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

(Bảo Định Giang)

Cứ mỗi độ tháng 5 về, lại bừng dậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước tình cảm nhớ thương da diết và lòng biết ơn sâu nặng về lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta. Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa...” (Theo chân Bác). Tấm lòng của Bác luôn rộng mở, yêu nhân dân, lo cho đất nước đã trở thành niềm vui của Bác. Người đã sống quên mình vì dân vì nước.

Nhớ Bác, học Bác chúng ta học tập và làm theo tâm hồn lạc quan, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Một nếp nhà sàn nhỏ bằng gỗ, một đôi dép lốp cao su, hai bộ quần áo vải kaki bạc màu và chỉ một ham muốn, một ham muốn suốt đời sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành: “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà?... Nơi Bác ở: sàn mây vách gió/ Sáng nghe chim rừng hót sau nhà/ Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ/ Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Còn đôi dép cũ mòn quai gót/ Bác vẫn thường đi giữa thế gian?... (Sáng tháng năm).

Từ thuở thanh niên đi khắp bốn bể năm châu để tìm đường cứu nước, Bác Hồ "Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên). Đến lúc trở về Tổ quốc tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc ở núi rừng Pác Bó, cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào và chiến sĩ trong cảnh "Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng...". “Cháo bẹ” là cháo ngô, loại thức ăn đạm bạc thường ngày của đồng bào dân tộc Việt Bắc. “Rau măng” cũng vậy. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết “Hết rau rồi em có lấy măng không?”, nghĩa là măng còn đạm bạc hơn cả rau rừng (vốn đã bị coi là đạm bạc rồi!). Nhưng dẫu thiếu thốn, gian khổ đến vậy, Người “vẫn sẵn sàng” cho công việc cách mạng, phục vụ cho lợi ích của nước, của dân.

Những năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, bữa ăn của Bác cũng không sướng hơn những tháng ngày gian khổ ở chiến khu Việt Bắc. Một trong những yếu tố góp phần làm nên huyền thoại ấy bắt đầu từ điều vô cùng bình thường nhất, đó là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước. Đúng như lời Thủ tướng Ấn Độ I.Gandi đã từng ca ngợi: “Tên tuổi của Người sẽ trường tồn như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau” (Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, 1970, tập 1, tr160).

Trong những trang sử, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ vinh quang chói lọi như sao Bắc đẩu. Mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Trong bài “Chúng cháu canh giấc Bác Hồ ngủ, Bác Hồ ơi” nhà thơ Hải Như đã viết: “Trong tim óc chúng ta, Người vẫn sống/ Bác dẫu ngủ, kẻ thù đừng hy vọng/ Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đời/Bác thức tỉnh ta: giữ lấy kiếp người/ Ta thức tỉnh, nguyện bên Người vĩnh viễn...”.

Nhớ Bác Hồ là nhớ tới công ơn trời biển của Người đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học và cách mạng để vạch con đường đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ, trở thành một dân tộc độc lập, tự do, làm chủ đất nước mình, thực hiện quyền bình đẳng với tất cả các dân tộc lớn, nhỏ trên thế giới. Làm sao quên được thời khắc xúc động và thiêng liêng đối với Bác, đối với Tổ quốc, nhân dân: “Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia/Ta nghe bừng tỉnh dậy/Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường/Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy/Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương”, làm đổi thay số phận của mỗi con người Việt Nam. Với Bác, nhà thơ luôn thể hiện một tình yêu thiết tha, bởi Bác vĩ đại nhưng rất gần gũi: “Ôi! Giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào? /Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt giàn, ta cảm hết ơn sâu” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi - Chế Lan Viên).

Bác Hồ của chúng ta là hiện thân của Người cách mạng suốt đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người; con người “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, con người vĩ đại nhưng rất bình dị: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già” (Bác ơi - Tố Hữu).

Tấm lòng Bác dành cho nhân dân, cho con cháu, cho tương lai đất nước “Bác để tình thương cho chúng con”, nhưng đối với bản thân thì trọn đời sống thanh bạch ghét hư vinh. Đó là vẻ đẹp cao quý khiến cả nhân loại ngưỡng mộ, ngợi ca Người: “Vì sao? Trái đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh” (Theo chân Bác - Tố Hữu).

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta. Trong những vần thơ ngày đất nước hòa bình, năm 1977, Tố Hữu vẫn không quên hướng về Bác như một niềm tri ân luôn luôn thổn thức: “Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành/ Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy/ Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành/ Người vẫn nghĩ... Như Người hằng sống vậy” (Một khúc ca); “Tám mươi mốt năm... Trưa ấy, trưa gì?/ Từ thành phố này Người đã ra đi/ Ôi! Câu hát tự hào, cao vút lương tri mà làm ta rơi lệ” (Trưa tháng Tư, Sài Gòn).

Tháng năm, nhớ Bác - Bác ơi! Con người, phẩm chất và tình thương của Bác có sức cảm hoá lớn lao, toả sáng niềm tin, “Xin dâng lên Bác một mùa hoa/ Cả nước, anh em đẹp một nhà/ Như khối hoa cương và cẩm thạch/ Ngàn năm quanh Bác, bản hòa ca” (Vui thế hôm nay - Tố Hữu).

Đọc lại những vần thơ viết về Bác, gợi bao nỗi niềm về Bác, càng đọc càng say sưa, thấm nghĩa thấm tình. Vầng dương Bác, sáng soi con đường tương lai cho dân tộc!

----------

Tài liệu tham khảo: Thơ được trích dẫn trong bài viết lấy từ tuyển tập Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ, Nxb. Kim Đồng, H, 2009 và Người đi tìm hình của nước, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2010.

Nguyễn Văn Thanh


Nguyễn Văn Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]