(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ: Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường đã tạo ra bước ngoặt trọng đại, là dấu mốc phong trào cách mạng ở tỉnh Thanh Hóa có Đảng lãnh đạo trực tiếp, vững bước cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước làm nên trận bão táp cách mạng vào mùa thu tháng 8/1945, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến ở nước ta. Đó cũng là mốc son chói lọi, nền tảng sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục tạo nên những thành tựu mới, những trang sử mới chói lọi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời đại Hồ Chí Minh, hôm nay và mai sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ: Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường đã tạo ra bước ngoặt trọng đại, là dấu mốc phong trào cách mạng ở tỉnh Thanh Hóa có Đảng lãnh đạo trực tiếp, vững bước cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước làm nên trận bão táp cách mạng vào mùa thu tháng 8/1945, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến ở nước ta. Đó cũng là mốc son chói lọi, nền tảng sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục tạo nên những thành tựu mới, những trang sử mới chói lọi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời đại Hồ Chí Minh, hôm nay và mai sau.

Nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, xã Thọ Lập, Thọ Xuân, nơi diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Yên Trường và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Chi bộ Hàm Hạ

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mùa hè năm 1930, đồng chí Lê Công Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (quê xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa) trở về Thanh Hóa xúc tiến việc xây dựng cơ sở Đảng. Ngày 18/6/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về Đông Sơn bắt mối với cơ sở Hàm Hạ, tiến hành lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 3 đồng chí: Lê Thế Long, Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 25/6/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa diễn ra tại nhà ông Lê Oanh Kiều ở thôn Hàm Hạ (nay thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa là đỉnh cao của phong trào yêu nước, là tất yếu lịch sử, đáp ứng phong trào cách mạng trong tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Hàm Hạ đã giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng và dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tổ chức “Nông hội đỏ” cũng được thành lập ở Hàm Hạ. Từ đây, “Nông hội đỏ” đã phát triển rộng khắp các địa phương, để đánh đổ thực dân, phong kiến, giúp người cày có ruộng.

Tự hào là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Đông Sơn đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước đưa Đông Sơn đổi mới, phát triển và hội nhập. Với phương châm “Quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm”, “hướng mạnh về cơ sở”, huyện Đông Sơn đã phát huy được tinh thần “đoàn kết, năng động, sáng tạo” của hệ thống chính trị, huy động được sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, tạo ra nhiều mô hình, phong trào mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển một cách toàn diện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 0,63%, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/người/năm. Tháng 9/2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tự hào đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Chi bộ Phúc Lộc

Sự kiện Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa vào ngày 10/7/1930 tại nhà thờ họ Vương ở thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Sau khi ra đời, với chủ trương đúng đắn, Chi bộ Phúc Lộc đã tích cực phát triển đảng viên và mở rộng phạm vi hoạt động. Đến tháng 6/1938, huyện Thiệu Hóa đã có 6 chi bộ. Ngày 20/4/1939, tại làng Yên Lộ, diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ huyện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng ở huyện Thiệu Hóa ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại tháng 8/1945, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với CNXH. Trong 2 cuộc kháng chiến, nhân dân Thiệu Hóa tiếp tục đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần cùng nhân dân cả nước thống nhất giang sơn, thu non sông về một mối.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thôn Phúc Lộc (nay là thôn Phúc Lộc 1) luôn là một trong những thôn đi đầu trong các phong trào ở xã Thiệu Tiến. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại đây là 41 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt trong công tác chuyển đổi ruộng đất theo nhóm hộ, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được người dân trong thôn đồng thuận, nhất trí cao.

Theo ông Hoàng Đình Quế - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Tiến, nhiều năm Chi bộ Phúc Lộc 1 luôn đạt chi bộ trong sạch vững mạnh; tình hình an ninh trong thôn được giữ vững. Từ thời chiến tranh cho đến thời bình, người dân xã Thiệu Tiến nói chung, thôn Phúc Lộc 1 nói riêng luôn đoàn kết, cần cù, chịu thương, chịu khó...

Tại di tích cách mạng nhà thờ họ Vương, nhiều năm nay cũng đã được tỉnh đầu tư tôn tạo xứng tầm. Năm 2012, nhà thờ đã được tôn tạo với các hạng mục gồm nhà tiền tế, hậu cung và nhà truyền thống với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Năm 2017, tiếp tục phục dựng lại ngôi nhà cổ và tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục của di tích với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều năm qua, huyện Thiệu Hóa thường tổ chức cho các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan tại di tích. Từ năm 2014, di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh. Đây là việc làm thiết thực giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào nhiều hơn về truyền thống cách mạng của quê hương.

Hiện nhà thờ họ Vương đang được ông Vương Xuân Hạt - cháu đích tôn của cụ Vương Xuân Cát - Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa trực tiếp trông coi, bảo vệ. Ông Hạt cho biết: “Nhiều năm qua tôi vẫn luôn răn mình phải luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, kiên nhẫn, kiên định trong mọi hoàn cảnh. Ông cũng cho biết thêm, dòng họ Vương có 45 hộ, 75 đinh. Mỗi một năm dòng họ tế hai lần tại di tích vào ngày rằm tháng 2 và tháng 7. Trong dòng họ có nhiều người thành đạt. Mỗi năm dòng họ có ít nhất 3 cháu đỗ vào đại học.

Chi bộ Yên Trường

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, làng Yên Trường xã Thọ Lập (Thọ Xuân) là cái nôi phong trào cách mạng của cả tỉnh. Nơi đây đã nuôi giấu nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa, Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ về hoạt động cách mạng để tuyên truyền, vận động thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Thọ Xuân (22/7/1930) và thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930).

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, 90 năm qua cùng với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, cấp ủy và nhân dân Yên Trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách đóng góp sức người, sức của, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Hòa bình lập lại, làng Yên Trường tiếp tục đi đầu trong lao động, sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Với những thành tích này, vào năm 2005, làng Yên Trường đã được tỉnh công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh; năm 2014 Nhà nước công nhận xã Thọ Lập là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ chống Pháp. Bộ mặt nông thôn của Thọ Lập hôm nay đang ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 41,54 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ...

Năm 2019 cũng là năm mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Thọ Lập vui mừng đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lập, ông Lê Văn Lực tự hào: “Đảng bộ luôn nêu cao truyền thống đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, giữa Đảng với nhân dân, luôn đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong tư tưởng cũng như hành động, từ đó tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành mọi nhiệm vụ”...

Từ những “đóm lửa nhỏ” - những chi bộ đầu tiên, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập vào ngày 29/7/1930 để gom lại, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng to lớn. Kể từ đây, nhân dân Thanh Hóa được tập hợp, đoàn kết lại, đấu tranh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng của cả nước. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, hôm nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa đang không ngừng nỗ lực, quyết tâm cao xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn...

Việt Hoàng


Việt Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]