(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, trở về với những địa danh lịch sử nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa: Khu di tích lịch sử đình Hàm Hạ (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa), nhà thờ cụ Lê Văn Sỹ, thôn Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận niềm vui tươi xen lẫn tự hào của người dân nơi đây về những năm tháng hào hùng trên vùng quê cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi thành lập những chi bộ đảng đầu tiên

Những ngày này, trở về với những địa danh lịch sử nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa: Khu di tích lịch sử đình Hàm Hạ (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa), nhà thờ cụ Lê Văn Sỹ, thôn Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận niềm vui tươi xen lẫn tự hào của người dân nơi đây về những năm tháng hào hùng trên vùng quê cách mạng.

Những mốc son lịch sử

Đông Sơn không chỉ là quê hương có bề dày lịch sử, văn hóa, mà đây còn là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” thời nào cũng có nhiều anh hùng, hào kiệt, nhiều danh nhân danh tướng có tên tuổi và sự nghiệp còn mãi lưu danh trong sử sách. Tại vùng quê này, cách đây vừa tròn 90 năm, ngày 25/6/1930, tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê, nay là khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ đã chủ trì Hội nghị thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đông Sơn, đồng thời cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Hơn một tháng sau khi thành lập Chi bộ Hàm Hạ, Thanh Hóa lại có thêm 2 chi bộ nữa được thành lập ở tại nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) và thôn Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân). Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng tại địa phương và các vùng lân cận, sau đó lan rộng khắp các huyện trong tỉnh. Đến ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ, đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ đã được tu bổ, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng.

Trong nhiều năm qua, những di tích cách mạng trên luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh trong công tác tu bổ, tôn tạo cho xứng tầm. Tại cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, sau hơn 2 năm triển khai tu bổ, tôn tạo đối với cả 3 địa điểm: đình làng Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống và nhiều hạng mục có liên quan đã hoàn thành và đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị. Đình làng được thay hệ thống cửa đi bằng gỗ lim, nền lát gạch bát nung thủ công; sắp xếp lại bàn thờ, bát hương, nơi thờ tự Thành hoàng và 7 vị đảng viên của chi bộ. Khu vực ngoài đình được mở rộng với khuôn viên sân, vườn cây xanh, giếng làng, bến sông nhà Lê... tạo cảnh quan thông thoáng, thuận tiện cho tổ chức các hoạt động. Giếng làng được khôi phục với vật liệu đá đẽo, mang lại cảm giác làng quê truyền thống cho cả điểm di tích. Khu vực cổng đình được thiết kế bởi 2 cột trụ, đỉnh đắp họa tiết con giống...

Sát cạnh đình làng là nhà ông Lê Oanh Kiều, nơi diễn ra sự kiện thành lập Đảng là ngôi nhà 5 gian đã cũ, xuống cấp, nay đã được tu bổ, làm lại cốt nền và lát gạch bát. Hiện vật trong di tích cũng được phục dựng theo thời gian diễn ra sự kiện. Cùng với đó là nơi phát hành tờ báo Tiến lên được trùng tu, tôn tạo đúng giá trị vốn có của nó với 3 gian nhà chính và 1 gian buồng. Tất cả các điểm di tích đều được nghiên cứu bổ sung nội thất, đồ thờ trên cơ sở sử dụng những hiện vật hiện có, phục dựng một số hiện vật theo tư liệu và mô tả của gia đình, đồng thời thiết kế trưng bày thêm những tư liệu liên quan. Cùng với việc tu bổ, tái tạo lại các điểm di tích, một số công trình có liên quan đến di tích cũng được đầu tư xây dựng tạo sự đồng bộ và thuận tiện cho quá trình phát huy giá trị di tích. Các công trình gồm có nhà trưng bày và tiếp khách của cụm di tích, nhà thờ đồng chí Lê Thế Long, một trong 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hàm Hạ, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với khuôn viên cảnh quan giếng làng, cầu đá phía trước đình làng Hàm Hạ, đường Hàm Hạ và tuyến đường kết nối đến các điểm di tích.

Hòa chung với dòng chảy về nguồn, chúng tôi về với di tích cách mạng Nhà thờ họ Vương, thôn Phúc Lộc, nay là thôn Phúc Lộc 1, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Nhiều năm qua di tích đã được trùng tu, tôn tạo xứng tầm, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, nhiều năm qua, huyện Thiệu Hóa thường tổ chức cho các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan tại di tích. Từ năm 2014, di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh. Đây là việc làm thiết thực giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào nhiều hơn về truyền thống cách mạng của quê hương.

Ông Vương Xuân Hạt, cháu đích tôn của cụ Vương Xuân Cát - Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa, trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích, tự hào cho biết: Đến nay di tích đang phát huy tốt vai trò của mình. Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua ngày càng có nhiều bạn trẻ đến đây để tìm hiểu về quá trình hình thành của chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện, một trong 3 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa...

Cùng chung niềm tự hào, Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập đã được tu bổ, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong cũng như ngoài tỉnh.

Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, Thọ Xuân được trùng tu tôn tạo xứng tầm.

Bộ mặt nông thôn mới

Trên quê hương nơi ghi dấu ngày đầu tiên có Đảng đã và đang đổi thay từng ngày. Qua trao đổi với lãnh đạo thị trấn Rừng Thông, các xã Thiệu Tiến, Thọ Lập nơi đang lưu giữ các điểm di tích cách mạng trên, được biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang viết thêm những thành tích mới trong trang sử vàng của quê hương. Bằng nhiều chủ trương đúng đắn, sáng tạo, các địa phương đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo đột phá trong phát triển KT - XH.

Tại Hàm Hạ, sau khi sáp nhập 3 chi bộ: Đại Đồng 1, Hàm Hạ và Đại Đồng 4 thành Chi bộ Hàm Hạ thuộc Đảng bộ thị trấn Rừng Thông. Hiện nay chi bộ có 100 đảng viên, nhiều năm qua không có đảng viên nào vi phạm pháp luật và tư cách đảng viên. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên đáng kể. Chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh, tình hình an ninh trong thôn được giữ vững...

Trên quê hương Thiệu Tiến, trong những năm qua đã có những chuyển biến đáng kể, đời sống của nhân dân ngày càng khởi sắc. Ông Hoàng Đình Quế - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 14%, tăng 1,5% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2015 ...

Từ vùng quê khó khăn, xã Thọ Lập cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong phát triển kinh tế, xã đã đưa nhiều loại cây, con có giá trị vào sản xuất, phát triển các ngành nghề. Ông Lê Văn Lực -Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đầu năm 2019, xã đã đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi và có thêm động lực để tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong những năm qua xã tiếp tục đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất tại đồng bãi và ao hồ theo hướng hàng hóa như: mít Thái, cây dong, chuối tây, sen Nhật, sen Hàn Quốc, cam, bưởi diễn, dừa xiêm, dưa Kim Hoàng Hậu với gần 20ha; có hơn 60 hộ đã thực hiện việc cải tạo vườn tạp cho thu nhập từ vườn chiếm 75%. Hằng năm có 85-90% hộ đạt gia đình văn hoá, 70% hộ gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, 2,3% hộ đạt gia đình kiểu mẫu, 4,7% công dân đạt công dân kiểu mẫu; 7/7 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hoá, trong nhiệm kỳ khai trương xây dựng 2 cơ quan văn hoá; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được phát huy. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 45 triệu đồng, gấp 1,9 lần năm 2015 ...

Tự hào là vùng đất cách mạng, các di tích cách mạng ghi dấu những chi bộ Đảng đầu tiên trên quê hương Thanh Hóa luôn là “địa chỉ đỏ” thu hút ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân về dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các bậc lão thành cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, các anh hùng liệt sĩ cùng nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã cống hiến cho quê hương, đất nước. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, hiểu hơn về lịch sử hào hùng của cha ông để thêm tự hào, thêm động lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]