(vhds.baothanhhoa.vn) - Với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình học mới, các trường ngoài công lập tại Thanh Hóa đang dần khẳng định vị thế, vươn lên trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục tỉnh nhà.

Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình học mới, các trường ngoài công lập tại Thanh Hóa đang dần khẳng định vị thế, vươn lên trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục tỉnh nhà.

Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khóCô, trò Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng (Triệu Sơn) trong giờ học.

Nằm trong hệ thống các trường ngoài công lập, Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng (Triệu Sơn) được đánh giá cao về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Năm học 2024-2025, nhà trường có tổng số 290 trẻ ở 14 nhóm lớp và 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Được xây dựng trên tổng diện tích 8.000m2, trường có cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với đầy đủ phòng học và các phòng chức năng được trang bị trang thiết bị thông minh, hiện đại...

Cô Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng chia sẻ: Nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt, nhà trường luôn tích cực đổi mới giáo dục theo phương pháp giáo dục tích hợp; giáo dục tiên tiến như STEM, Montessori; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, học ngoại ngữ, cho trẻ tham gia các chương trình trải nghiệm tạo hứng thú và niềm yêu thích đến trường học cho trẻ.

Là một trong những cơ sở giáo dục ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại TP Thanh Hóa, sau gần 14 năm hoạt động, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga đã mở rộng quy mô đào tạo ở cả 3 cấp học với 51 lớp học, trên 1.500 học sinh. Với mục tiêu trở thành trường chất lượng cao, ngay từ khi thành lập, nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, liên tục bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại. Trong quá trình giảng dạy, ngoài siết chặt kỷ cương nền nếp, nhà trường luôn đặt yêu cầu dạy thực chất, học thực chất lên hàng đầu, cùng với đó tăng cường dạy học song ngữ, sử dụng giáo viên người bản ngữ để giảng dạy tiếng Anh cho học sinh ở tất cả các khối lớp nhằm nâng cao chất lượng, uy tín với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, tăng cường liên kết giáo dục với các nước có nền giáo dục tiên tiến, các chương trình trao đổi học viên, du học hè... mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo, mở ra cơ hội du học ngắn hạn, dài hạn cho học sinh.

Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khóCô, trò Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hóa.

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) khai giảng và đón 220 học sinh. FPT School là hệ thống trường phổ thông đầu tiên tại Việt Nam đưa AI và Robotics vào giảng dạy, học sinh sẽ được học với các thiết bị thông minh cũng như sử dụng ngôn ngữ lập trình, các công cụ thiết kế đồ họa, 3D... để phối hợp thực hiện các dự án STEM và AI gắn với cuộc sống. Chương trình “Trải nghiệm thế giới thông minh” tại FPT School là một chương trình tổng thể kéo dài từ lớp 1 đến lớp 12, được nâng dần mức độ khó theo từng khối, đảm bảo phù hợp với độ tuổi và trình độ của học sinh.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng được 63 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các trường ngoài công lập đều được đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học đồng bộ, khang trang, hiện đại, đội ngũ cán bộ, giáo viên có chuyên môn cao, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của tỉnh.

Từ việc thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập, tỉnh Thanh Hóa đã có môi trường giáo dục đa dạng, hiện đại góp phần đem lại nhiều trải nghiệm mới cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, số trường ngoài công lập hiện nay vẫn còn ít, tỷ lệ học sinh theo học tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế (chỉ chiếm khoảng 4% tổng số học sinh toàn tỉnh). Để hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển vẫn cần sự quan tâm hơn nữa từ phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp, hiệu quả. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện có, cần tăng cường quản lý Nhà nước, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật, chương trình, hoạt động dạy học, nhất là quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo mầm non tư thục...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]