Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
Đỗ Thám hoa rồi trải “Lục Bộ Thượng thư triều Tể tướng/ Tam niên chánh sứ Quốc danh thần” (Thượng thư 6 bộ, tương đương như Tể tướng; lại qua 3 năm làm chánh sứ) đủ cho thấy công trạng của danh thần Trần Bá Tân, đó là niềm tự hào của dòng họ.
Anh Trần Bá Hải giới thiệu về những sắc phong mà gia đình gìn giữ.
Theo tài liệu lịch sử, ông Trần Bá Tân (1710-?), người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Tân, TP Thanh Hóa). Đây vốn là mảnh đất có bề dày văn hóa, đặc biệt có nhiều di tích lịch sử. Bia chùa Báo Ân ở làng Đống (nay là phố Tân Hạnh) đã ghi: Thái úy Lý Công (Lý Thường Kiệt) sai Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lính người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong 19 năm... Chùa được khởi công xây dựng từ mùa hạ năm Kỷ Mão (1099) đến mùa hạ năm Canh Thìn (1100) thì hoàn thành. Điều này cho thấy, trước đó người dân tụ cư và xây dựng cuộc sống từ khá sớm. Cũng vì đông dân cư mà trên mảnh đất này còn có 6 ngôi chùa khác, trong đó có thể kể là chùa Cồn, chùa Nam, chùa thờ bà Thánh mẫu...
Không nhiều địa phương có nhiều tiến sĩ như ở vùng đất Đông Tân. Bia văn chỉ huyện Đông Sơn tại núi Lẫm làng Viện Giang (nay là phố Tân Dân), ghi lại: Từ năm 1247-1844, có 27 khoa thi đình thì huyện Đông Sơn có 47 tiến sĩ đóng góp hiền tài cho đất nước, trong đó các làng khu vực Đông Tân có 5 tiến sĩ. Cụ thể, ở làng Viện Giang có ông Nguyễn Thế Khanh đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ tam danh khoa Đinh Sửu (1637); ông Lại Đăng Tiến đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1661) năm 25 tuổi. Còn ở làng Yên Hoạch (nay là phố Tân Cộng) có ông Lê Vinh, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thân (1656); ông Lê Dị Tài đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676), và đúng 60 năm sau, ở làng còn có ông Trần Bá Tân đỗ tiến sĩ khoa thi Bính Thìn (1736).
Trên đất Đông Tân, rất nhiều di tích, nhà thờ, bia mộ của các văn nhân xưa, nay đã không còn, hoặc bị lãng quên. Song, vẫn còn đó đền thờ Trần Bá Tân, được con cháu trong dòng họ giữ gìn, trùng tu hằng năm nên rất khang trang và bề thế.
Sách Lịch sử Đảng bộ phường Đông Tân (1953-2023) có dành một vài trang viết về ông Trần Bá Tân, người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông khi 26 tuổi. Ông trải qua nhiều chức quan, trong đó có chức Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Hình... Ngoài ra, ông còn giữ chức Đô ngự sử ở Đô Sát viện (tương đương với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hiện nay) và quản lý Viện Hàn lâm cùng nhiều chức vụ khác. Đặc biệt ông được nhà vua cử đi sứ Trung Quốc 3 năm. Cũng bởi ông có công mưu lược hoạch định chính sách chinh phạt những thế lực phản nghịch nên được triều đình Lê - Trịnh tin dùng.
Về nhà thờ tiến sĩ Trần Bá Tân ở phố Tân Cộng (phường Đông Tân) chúng tôi được anh Trần Bá Hải, cho biết: Tôi là hậu duệ đời thứ 18 của cụ Trần Bá Tân. Dẫu 3 thế kỷ đã trôi qua, nhưng lớp cháu con chúng tôi mỗi khi thắp nhang nhìn thấy tượng thờ cùng bức đại tự có 2 chữ “Sơn Đẩu” mang ý nghĩa công lao to lớn như núi Thái Sơn, sáng như sao Bắc Đẩu, và đôi câu đối “Lục Bộ Thượng thư triều Tể tướng/ Tam niên chánh sứ Quốc danh thần” đều rất tự hào”.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ tiến sĩ Trần Bá Tân ở phường Đông Tân, TP Thanh Hóa.
Anh Trần Bá Hải không quên giới thiệu với chúng tôi về 20 bức sắc phong vua ban cho tiến sĩ Trần Bá Tân mà gia đình vẫn cất giữ. Trong đó có sắc năm 1732, khi ông Trần Bá Tân mới 22 tuổi, đỗ tú tài và được ban chức Tri huyện huyện Gia Viễn. Đặc biệt, tên của ông còn được đề trên Văn bia Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736). Ông cũng là trường hợp đầu tiên trên văn bia cho biết có vị tiến sĩ đã đổi tên sau khi thi đỗ. Nội dung văn bia ghi rõ: Trần Bá Tân, người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, sau đổi tên là Huy Bật. “Sau tiến sĩ Trần Bá Tân, trong dòng họ tôi còn có bà Trần Thị Hống, là người chắt của cụ. Chồng bà Hống là ông Lê Quang Tuệ, chánh tổng Quảng Chiếu. Bà được vua Khải Định ban sắc Tiết hạnh khả phong, thủ tiết thờ chồng, nuôi dạy con cái thành người phương trưởng, được dân làng nể trọng.
Trong không gian hơn 1.200m2, chúng tôi dạo quanh đền thờ Trần Bá Tân ngắm nhìn từ mái đình xuống những hàng cây ăn quả được trồng theo từng dãy và dừng lại khá lâu bên tấm bia do con cháu dựng lại theo mẫu và nội dung của văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. “Ấy cũng là nhờ đức của các cụ trong dòng họ để lại, trong đó có cụ Trần Bá Tân. Thế hệ con cháu chúng tôi luôn giữ gìn truyền thống gia phong, hằng năm vào mùng 3 tháng 12 âm lịch là giỗ cụ, dù xa hay gần ai cũng sắp xếp công việc về dâng hương tổ tiên”, anh Trần Bá Hải cho biết.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-22 07:30:00
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-16 08:00:00
[WOW! THANH HÓA] Chè bà cố - Vị truyền thống kết nối thế hệ