Tiêu chuẩn mở vẫn khó đạt
Dù nới lỏng tiêu chuẩn trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng xem ra những điểm mới này vẫn khó với người trong nghề.
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Nghi Sơn. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Nghị định 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” có hiệu lực từ ngày 25/5/2024. So với Nghị định 27/2015/NĐ-CP thì Nghị định 35/2024/NĐ-CP đã nới lỏng một số tiêu chuẩn trong xét tặng danh hiệu NGƯT đối với giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn.
Điểm mới trong tiêu chuẩn đồng nghĩa với sự ưu tiên, động viên, khích lệ để danh hiệu đến gần hơn với những nhà giáo trên vùng đất khó.
Thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Giảm 5 năm công tác, chỉ còn 15 năm hoặc giảm 2 lần danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ còn 3 lần đạt danh hiệu này..., là những thay đổi về tiêu chuẩn trong xét tặng danh hiệu NGƯT tại Nghị định 35/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, nghị định này cũng bổ sung tiêu chuẩn đối với giáo viên công tác từ 5 năm trở lên... Cụ thể, bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo (điểm g, khoản 3, Điều 8). Đồng thời bổ sung quy định với từng đối tượng có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục (điểm a, khoản 4, Điều 8).
Tuy nhiên, ý kiến người trong nghề cho rằng, điểm mới nhưng vẫn khó đạt. Tại điểm g, khoản 3, Điều 8 nêu: Nhà giáo, cán bộ quản lý công tác từ 5 năm trở lên đáp ứng tiêu chuẩn tham gia biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng hoặc biên soạn 1 báo cáo chuyên đề thuộc cấp bộ, tỉnh, sở hoặc tác giả 2 sáng kiến cơ sở. Còn tại điểm a, khoản 4, Điều 8 nêu: Nhà giáo, cán bộ quản lý phải 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên, 1 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành.
Đối chiếu những tiêu chuẩn trên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lang Chánh (Lang Chánh), thầy giáo Nguyễn Xuân Chiến, cho biết: “Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi cấp huyện không khó khăn nhưng đối với đề tài khoa học cấp bộ, nhà trường rất khó thực hiện”. Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Luận Khê (Thường Xuân), thầy giáo Lê Đình Hòa cũng cho rằng, đối với sáng kiến, đề tài cấp bộ, ngành, nhà trường không dễ để thực hiện. Ngay cả sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh cũng rất ít được công nhận. Phần lớn các sáng kiến mới dừng ở cấp huyện nhưng cũng chỉ xếp loại B hoặc C. Hiệu trưởng Lê Đình Hòa nói: “Đối với giáo viên nhà trường, 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cũng khó và 1 lần được bằng khen cấp bộ, ban, ngành lại càng khó hơn”.
Học sinh Trường THCS Luận Khê tại buổi giáo dục kiến thức sử dụng mạng xã hội an toàn. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Tiêu chuẩn đưa ra, bên cạnh thuận lợi, không tránh khỏi khó khăn. Dù đã hạ tiêu chuẩn, bổ sung tiêu chuẩn nhưng xem ra câu chuyện xét tặng danh hiệu NGƯT ở vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Những tiêu chuẩn khó với tới đó cũng là thách thức với cán bộ, giáo viên vùng khó. Chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), cô giáo Nguyễn Thị Thương: “Nhà trường có khoảng 80% giáo viên công tác 5 năm nhưng nếu chiếu theo tiêu chuẩn, khó có người được xét duyệt vì giáo viên phải tham gia biên soạn tài liệu, báo cáo là không có. Có thể giáo viên có năng lực nhưng chưa chắc đã được điều động. Đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, phải lấy từ nơi thuận lợi, chọn các trường chuẩn thì nhà trường lại càng không có cơ hội...”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: “Trên địa bàn huyện, hiện rất hiếm giáo viên công tác được 5 năm. Chưa đến 5 năm thì giáo viên đã chuyển rồi. Huyện không có ai đủ điều kiện để xét duyệt, ngay từ tiêu chuẩn nhỏ nhất cũng khó đạt”.
TS Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo "Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bảo đảm tính kế thừa những điểm hợp lý của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và rà soát, đáp ứng các yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nói chung, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang công tác tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Nghị định số 35/2024/NĐ-CP đã khắc phục những hạn chế của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP trong 3 lần xét tặng vừa qua, tạo căn cứ pháp lý và điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu, cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các cấp có căn cứ xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là những hạt nhân cho việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Do đó, nghị định mới không có sự linh hoạt, xem xét tương đương, vận dụng mà chỉ có thẩm định đủ tiêu chuẩn hay không". |
Vi An
- 2024-10-10 16:04:00
Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
- 2024-10-10 12:33:00
Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó
- 2024-08-23 14:13:00
Giáo dục Hà Trung phát triển ổn định, bền vững trên đà xây dựng huyện nông thôn mới
Điểm sáng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi
Chuẩn bị cho mục tiêu “gặt hái” thêm nhiều “quả ngọt”
Dạy Tiếng Anh miễn phí cho trẻ em vùng cao
Đầu tư cơ sở vật chất năm học mới
Thông điệp từ chiếc xe hình con tem
Câu chuyện “Sức mạnh 2.000 đồng”
Nâng cao chất lượng đầu vào các trường dân tộc nội trú
Cần thiết "đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học”
[Infographics] - Năm học 2024 -2025: Đảm bảo không quá 35 học sinh/lớp bậc tiểu học