Tín hiệu tích cực từ triển khai thí điểm học bạ số
Triển khai thí điểm học bạ số (HBS) ở bậc tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng HBS làm cơ sở để triển khai HBS thống nhất toàn tỉnh. Nội dung này được thực hiện theo Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 1/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và đã có những tín hiệu tích cực.
Triển khai tập huấn sử dụng HBS tại Trường TH Nguyệt Ấn 2 (Ngọc Lặc). (Ảnh nhà trường cung cấp)
HBS là học bạ đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền. HBS có nhiều ưu điểm, đó là bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện... Năm học 2023 - 2024, Thanh Hóa làm thí điểm ở khối lớp 1. Năm học 2024 - 2025, bậc TH sẽ triển khai đại trà.
Ở Trường TH Nguyệt Ấn 2 (Ngọc Lặc), từ cuối năm học 2023 - 2024, 100% học sinh khối 1, 2, 3, 4 của nhà trường đã được sử dụng HBS thay cho học bạ điện tử và học bạ giấy, riêng lớp 5 vẫn đang sử dụng song song học bạ điện tử và học bạ giấy.
Để thực hiện hiệu quả HBS, Trường TH Nguyệt Ấn 2 đã trang bị đầy đủ phần mềm VnEdu, hạ tầng thông tin... 100% cán bộ, giáo viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân để sử dụng xác thực HBS.
Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Viết Long, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, thì thực hiện HBS có nhiều ưu điểm. Trong quá trình thực hiện HBS, giáo viên ghi điểm, nhận xét và xếp loại giáo dục, đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh trên phần mềm sau đó ký số và chuyển lên cấp trên. Trên cơ sở này hiệu trưởng ký duyệt và đóng dấu học bạ. Tất cả các bước đều được thực hiện đồng bộ trên phần mềm hệ thống VnEdu bảo đảm tính chính xác và khoa học, thuận lợi cho việc theo dõi giám sát chất lượng học sinh của giáo viên và lưu trữ hồ sơ của nhà trường và các cấp quản lý. Thầy giáo Long cho biết: “Từ việc tiện lợi thiết thực của HBS năm học 2024 - 2025, chuyên môn nhà trường quyết định thực hiện sổ chủ nhiệm cũng trên hệ thống VnEdu và được tất cả giáo viên nhiệt tình hưởng ứng”.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc thì năm học 2023 - 2024, 100% trường TH (đối với khối 1, 2, 3, 4) trên địa bàn huyện đã triển khai HBS. Ông nói: “Theo phản ánh của các nhà trường, ghi nhận bước đầu về thực hiện HBS đang có nhiều thuận lợi, chưa gặp khó khăn gì”.
Tại huyện Vĩnh Lộc, bậc TH cũng đang sử dụng phần mềm quản trị VnEdu của VNPT. Đối với trang thiết bị, các nhà trường có đầy đủ phòng máy, đường truyền Internet,...
HBS bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện... Ảnh: Việt Anh
Trường TH thị trấn Vĩnh Lộc, tập thể cán bộ, giáo viên rất hào hứng khi thực hiện HBS bởi những ưu điểm của nó. Theo hiệu trưởng nhà trường là cô giáo Đỗ Thị Ca, với HBS ưu điểm lớn nhất là hiệu quả trong theo dõi, thống kê, đánh giá của giáo viên, học sinh một cách nhanh chóng và chính xác. Hiệu trưởng Đỗ Thị Ca cho biết: “Sử dụng HBS, đối với giáo viên sẽ nâng cao hiệu quả giảng dạy, loại bỏ sai sót ghi chép thủ công, tránh mất mát dữ liệu. Đối với học sinh sẽ minh bạch, hiệu quả, tăng cường tương tác, tức dữ liệu học bạ được cập nhật thường xuyên, chia sẻ dễ dàng giữa giáo viên, phụ huynh...”.
Tuy nhiên, từ phía các nhà trường cũng cho rằng, cha mẹ học sinh còn bỡ ngỡ trong việc sử dụng HBS thay thế học bạ giấy. Việc truy cập tra cứu HBS của phụ huynh hạn chế do phương tiện thiếu, sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo...
Thực hiện thí điểm HBS, Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp giải pháp HBS cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong việc rà soát, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để triển khai thí điểm HBS. Về chữ ký số, từ năm 2020, sở đã đề nghị Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát chữ ký số đến 100% cán bộ quản lý cấp THPT nhằm thực hiện gửi, nhận văn bản hành chính trên trục quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh. Đối với giáo viên, căn cứ kế hoạch của sở, các cơ sở giáo dục đã và đang chủ động liên hệ các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số được cấp phép bởi Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm trang bị chữ ký số cho cá nhân, phục vụ công tác chuyên môn.
Nói về khó khăn, ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Hiện chưa kích hoạt được phần mềm ký số do thông tin đăng ký cấp chứng thư số chưa chuẩn hóa bởi quá trình lập danh sách, rà soát thông tin tại một số đơn vị chưa tốt. Một số giáo viên đã kích hoạt, song lại thay đổi số điện thoại để kích hoạt chứng thư số cá nhân, quá trình sử dụng gặp một số lỗi do không nhận được mã kích hoạt... Trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, giáo viên chưa được cấp quyền phát hành ký số mà chỉ có cán bộ quản lý mới có chức năng này”...
Đến nay, toàn tỉnh có 351/592 trường TH tham gia thí điểm HBS (đạt 59,29%) với 3.538/8.902 lớp (từ lớp 1 đến lớp 4) và 109.853/283.411 học sinh TH tham gia thí điểm HBS năm 2024. Tổng số HBS đã được ký phát hành: 87.643/283.411, đạt 30,92%. |
VI AN
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-09-19 15:42:00
Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường 2024
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học
Chương trình ngoại khóa ở Trường PTDT nội trú THCS huyện Bá Thước
Ổn định việc học sau lũ tại các điểm trường lẻ
Người thầy tâm huyết, sáng tạo trong sự nghiệp trồng người
Bộ GD-ĐT đề nghị trường đại học giảm học phí cho sinh viên bị ảnh hưởng bão Yagi
Gùi chữ lên Tà Cóm
35 học sinh/lớp: Có thể đáp ứng được
Bộ GD-ĐT phát động toàn ngành ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Xu thế tất yếu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp