(vhds.baothanhhoa.vn) - “Thành hoàng của các làng Việt không phải vị thần bảo vệ thành và hào của làng mà là người (theo truyền thuyết) có công giúp dân giúp nước trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, hoặc là người có công với nước với dân, có công lập ra làng, truyền dạy một nghề nào đó cho dân làng, hoặc hiển linh phù độ cho làng, xã...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng: Nét đẹp văn hóa Việt

“Thành hoàng của các làng Việt không phải vị thần bảo vệ thành và hào của làng mà là người (theo truyền thuyết) có công giúp dân giúp nước trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, hoặc là người có công với nước với dân, có công lập ra làng, truyền dạy một nghề nào đó cho dân làng, hoặc hiển linh phù độ cho làng, xã...

Đến thời Lê Trung Hưng thì tục thờ Thành hoàng ở nước ta thực sự đầy đủ điển chế riêng và có tính chất thuần Việt rõ ràng, thoát ly khỏi nguồn gốc thờ Thành hoàng Trung Quốc” (Thần tích - Thần sắc Thanh Hóa tập 1). Đây là lí giải tương đối thấu đáo về đặc trưng nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt nói chung và các làng xã trên địa bàn xứ Thanh nói riêng.

Chuyện kể... Thành hoàng

Khi tôi lần đầu đến làng cổ Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), bên cạnh sự bỡ ngỡ thì có điều gì đó thật ấm áp, gần gũi. Cảm xúc gần gũi đó rõ hơn khi ghé thăm ngôi đình làng Phú Điền, nơi nhân dân trong làng thờ và suy tôn Bà Triệu là Thành hoàng làng.

Thắp nén hương thơm rồi dẫn chúng tôi tham quan một vòng di tích, bác Đặng Văn Cường, thủ từ di tích đình Phú Điền tự hào chia sẻ: “Bà Triệu không chỉ là vị nữ tướng anh hùng của dân tộc, với nhân dân Phú Điền suốt cả nghìn năm qua, bà chính là vị thần đã giúp đỡ, phù trợ cho sự phát triển, no đủ và yên lành của người dân”.

Bên trong di tích đình làng Phú Điền - nơi tôn thờ Bà Triệu là Thành hoàng làng.

Theo đó, người dân Phú Điền xưa nay vẫn tin rằng, sau khi tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc) thì bà Triệu vẫn luôn dõi theo và phù trợ cho đất nước, nhân dân. Khi đất nước gặp nguy nan trước họa ngoại xâm, bà hiển ứng giúp đấng quân vương đánh tan kẻ thù. Khi làng quê thanh bình trở lại, Bà lại “giúp đỡ” cho mùa màng được tốt tươi, cuộc sống no đủ, trù phú. Cái tên “Phú Điền” có lẽ cũng bắt đầu từ ước vọng giàu có của người dân. Chính vì niềm tin ấy, từ thế kỷ thứ 7, dân làng Phú Điền đã cùng nhau lập nên ngôi đền nhỏ ngay giữa làng để thờ vị vua Bà. Đến thế kỷ 17, một ngôi đình làng bằng gỗ khang trang, bề thế ngay bên ngoài ngôi đền nhỏ đã được khởi dựng và Bà Triệu chính thức được suy tôn là Thành hoàng làng, vị thần bảo trợ cho dân làng Phú Điền. Niềm tin tâm linh ấy được truyền tiếp, đời nối đời, là mạch nguồn văn hóa, góp phần làm nên niềm tự hào của một vùng đất.

Nhắc đến làng Phú Khê, người ta nhớ đến ngôi làng cổ với đặc trưng “hai xã chung một làng” (Hoằng Phú, Hoằng Quý) trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Phú Khê mang vẻ đẹp của làng quê nông thôn truyền thống xứ Thanh. Nơi đây còn vang danh là một vùng đất học. Trở về Phú Khê hôm nay, trong nhịp phát triển hối hả của đời sống hiện đại, vẫn còn đó những “biểu tượng” văn hóa của làng quê xưa. Là nhà thờ dòng họ, cây đa, giếng nước và đình làng cổ kính rêu phong. Trong đó, đình làng Phú Khê vẫn được xem là “nơi tụ hội” tâm linh của dân làng. Nơi đây, hai anh em họ Chu (Chu Minh - Chu Tuấn) từ hơn ngàn năm trước đã được nhân dân tin tưởng suy tôn Thành hoàng làng thờ phụng thành kính.

Câu chuyện về sự linh thiêng của Thành hoàng làng Phú Khê còn gắn với việc hiển linh phù trợ vua nhà Lý trên đường dẹp giặc Ai Lao xưa kia. Theo đó, thời Lý, phía Nam nước Đại Việt có giặc Ai Lao thường xuyên quấy nhiễu, nhà vua phải thân chinh dẫn quân dẹp giặc. Đến đất Đằng Châu Phủ Hà Trung, vua nghe nói ở Phú Trừng Trang (Phú Khê ngày nay) người đông, đất rộng có thể lấy thêm binh lương, liền đưa quân hạ trại. Đêm xuống, trong giấc ngủ, nhà vua mộng thấy hai người con trai mặt đẹp như tạc, phong thái đàng hoàng đến trước mặt vua chắp tay tâu xin “âm phù linh trợ” mong nhà vua sớm khải hoàn trở về. Trong cuộc chiến cam go với kẻ thù bất phân thắng bại, bỗng từ Phú Trừng Trang nổi lên mây đen giăng kín bầu trời, thành trận cuồng phong khiến giặc hoảng sợ, không đánh mà tự tan. Về sau, nhân dân làng Phú Khê đã cùng nhau lập nên ngôi đình Thượng (đình Phú Khê), một lòng suy tôn hai anh em họ Chu là Thành hoàng của làng.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều các câu chuyện, truyền thuyết về các vị thần được suy tôn Thành hoàng ở các làng quê của người Việt từ xa xưa. Nhìn ở góc độ tâm linh, Thành hoàng là chỗ dựa tinh thần, nơi người dân gửi gắm ước vọng, niềm tin và cầu mong những điều tốt đẹp vào sự phù trợ, che chở của đấng tối linh. Nhưng, đó đồng thời cũng là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn với người đi trước của hậu sinh hôm qua, hôm nay và mai sau.

Hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Thành hoàng

Cũng như trong cả nước, tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở các làng quê xứ Thanh là truyền thống văn hóa, phản ánh đời sống tâm linh của người dân. Thành hoàng là người có công, vị thần “bảo trợ” cho làng, vì vậy có những Thành hoàng còn được gọi là Phúc thần (vị thần ban phúc cho dân làng). Một làng có thể chỉ có một vị Thành hoàng nhưng cũng không hiếm làng thờ hơn một vị Thành hoàng (Hoằng Lộc), hay một vị Thần cùng lúc được nhiều làng suy tôn Thành hoàng. Và còn có không ít “điều thú vị” về tín ngưỡng thờ Thành hoàng mà chắc hẳn chưa nhiều người biết đến.

Để một người (thần) được suy tôn Thành hoàng, hiển nhiên phải là người có công trạng. Vì vậy, mỗi Thành hoàng ở mỗi làng lại có nguồn gốc khác nhau, có thể là Thiên thần, Nhiên thần hay Nhân thần. Và duệ hiệu của các Thành hoàng cũng được phân loại rất rõ: Đương cảnh Thành hoàng; Bản cảnh Thành hoàng; Bản thổ Thành hoàng. Trong đó, Đương cảnh Thành hoàng là duệ hiệu được phong với số lượng nhiều nhất.

Thành hoàng cũng có “thứ hạng” khác nhau: Thượng đẳng thần (những thần danh sơn đại xuyên, thiên thần như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa...; hay những thánh nhân như Lý Thường Kiệt; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, họ là người khi còn sống thì có công lao hiển hách, mất đi được các triều đại và nhân dân nhớ ơn thờ phụng); Trung đẳng thần (những vị thần được dân làng thờ từ lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ họ tên...); Hạ đẳng thần (do dân xã thờ phụng, không rõ sự tích, thuộc bậc chính thần).

Và theo tài liệu trong cuốn “Thần tích - Thần sắc Thanh Hóa” do tác giả Nguyễn Văn Hải chủ biên: “Việc thăng phong các vị Thành hoàng căn cứ vào sớ tâu của làng xã về công trạng của các vị thần. Sớ này phải nộp về triều đình trong một thời gian quy định. Các sắc phong đều được ban rước long trọng, cất giữ trang trọng trong hòm sắc thờ của địa phương. Có trường hợp, Thành hoàng chỉ là một người mà theo quan niệm là người được các vị thần ban cho sứ mệnh để sau này thay họ cai quản làng xã, được gọi là Thành hoàng sống”.

Người Việt nói chung, vốn có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Sự dung hòa của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo tâm linh cùng tồn tại là chỗ dựa “tinh thần” cho đời sống cộng đồng. Ở đó, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là nét đẹp văn hóa truyền thống được trao truyền qua các thế hệ, được ví như “điểm tựa” tâm linh của mỗi làng quê.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]