(vhds.baothanhhoa.vn) - Bài thơ “Cứ về Thanh Hóa một lần” và “Hồn quê” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm trong tập thơ “Giao mùa - chọn lọc” do Nxb Thanh Hóa ấn hành năm 2017, tuy chưa khái quát được hết tính cách người xứ Thanh, nhưng có phần chỉ ra được những nét cơ bản, chân thành, mà sâu sắc, kiên cường, anh dũng mà hiếu trung, chung tình... Trong đó còn ẩn sâu bao tầng văn hóa từ ảnh hưởng của ca dao, tục ngữ để rồi tác giả dựng lên những hình tượng đất và tính cách người xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tính cách người xứ Thanh qua thơ Nguyễn Minh Khiêm

Bài thơ “Cứ về Thanh Hóa một lần” và “Hồn quê” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm trong tập thơ “Giao mùa - chọn lọc” do Nxb Thanh Hóa ấn hành năm 2017, tuy chưa khái quát được hết tính cách người xứ Thanh, nhưng có phần chỉ ra được những nét cơ bản, chân thành, mà sâu sắc, kiên cường, anh dũng mà hiếu trung, chung tình... Trong đó còn ẩn sâu bao tầng văn hóa từ ảnh hưởng của ca dao, tục ngữ để rồi tác giả dựng lên những hình tượng đất và tính cách người xứ Thanh.

Mở đầu bài thơ, ông tự làm một “hướng dẫn viên” đưa bạn đọc đến với từng danh lam, thắng tích xứ Thanh thông qua những hình tượng và kho văn hóa vật thể, phi vật thể. Lúc này, tự thân ông tỏ rõ niềm tự hào về đất và người xứ Thanh nên có vẻ như ông đang “kéo” bạn đọc trên dòng sông chữ bằng nhịp đi vừa hăm hở, vừa tự hào: “Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này/ Vì sao hát lại “dô huầy”/ Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang/ Vì sao đi cấy sáng trăng/ Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng”. Đoạn thơ đầu xuất hiện một nhân vật được xưng là “em”, hẳn là người khác tỉnh, đang muốn tìm hiểu về đất và người xứ Thanh, khiến bạn đọc “cảnh giác” xem nhà thơ có “quảng bá” thái quá miền quê yêu dấu của mình không?. Để rồi sau đó, tác giả đi thẳng vào vấn đề chính là “giới thiệu” cho “em” biết đất và người quê Thanh ra sao. “Em” đang rất “tò mò” cái chuyện sao người xứ Thanh khi hát lại “dô huầy”?! Ngoài việc muốn giới thiệu điệu “hò sông Mã” với nhịp phách nhanh, mạnh, không nhẹ nhàng như các điệu hò trên sông Hương. Nhân vật “em” đang dần hiểu, về “đò đầy” “vẫn sang”, rồi “đi cấy sáng trăng”... Nhưng “em” sẽ còn ngạc nhiên về một pho cổ tích trên đất quê Thanh nhé: “Đâu cũng thần núi, thần sông/ Đâu cũng truyền thuyết thêu trong, dệt ngoài/ Ngõ quê rung tiếng Trạng cười/ Rạ rơm ăm ắp những lời giao duyên/ Đá mơ Từ Thức lên tiên/ Lưới chài rách cũng vớt lên gươm thần...”.

Vẫn bám lấy chủ đề muốn giới thiệu để bạn bè hiểu tính cách người xứ Thanh, nên nhịp thơ bắt đầu “chùng” xuống như gửi gắm với bạn bè những điều hết sức quan trọng, để bạn bè chú ý về người quê Thanh mỗi khi gặp thời khắc gian nguy, thử thách thì họ đã vượt qua ra sao? “Vượt sông thì vượt Hang Ma/ Vượt biển thì phải vượt qua Thần Phù/.../ Sức ai cũng sức ông Bùng/ Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi/ Kinh đô Việt mấy lần rồi/ Mở trang sử cứ tưởng chơi hú hà”. Sự đúc kết, cô đọng nhân cảnh, sự kiện để gửi đi thông điệp tốt đẹp về đất và người xứ Thanh được nhà thơ thể hiện trên hai phương diện là liệt kê nhân cảnh, sự kiện và thể hiện trong chính ngôn ngữ biểu cảm. Những trường liên tưởng được mở rộng biên độ để bạn đọc tự tìm hiểu mức độ nguy hiểm khi ai đó phải vượt qua Hang Ma, vượt qua cửa Thần Phù. Với câu“Mở trang sử cứ tưởng chơi hú hà” chúng ta không nên hiểu từ “chơi hú hà” theo một nghĩa giản tiện, mà hiểu ý tác giả muốn gửi tới rằng việc lớn lao dời sông, lấp bể đối với người xứ Thanh hãy để sử sách ghi lại và để cho thời gian thanh lọc, còn sau mỗi thành công, nhân dân hoan hỉ và tiếp tục mạnh mẽ hành trình đi về phía trước, xây dựng quê hương với tinh thần bất chấp hy sinh, lạc quan, tin tưởng mà vẫn lãng mạn trong với tình: “Mồ hôi, xương máu đổ ra/ Kết dâng thành đảo gọi là Hòn Mê/ Đá Mài Mực, đá Ăn Thề/ Yêu nhau đem cả biển về rửa chân/ Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này”.

Bên cạnh bài thơ “Cứ về Thanh Hóa một lần” là bài thơ “Hồn quê” cũng với thể loại thơ lục bát, nhưng điểm khác hơn là trong bài thơ này, nhà thơ khái quát tính cách người xứ Thanh cả những mặt tốt, mặt chưa tốt, cả ở lề thói và những hạn chế của con người xứ Thanh trong quá trình phát triển vận động đi lên, không cụ thể ở một sự kiện hay nhân cảnh, thần thánh nào cả, mà là một góc tổng kết, vừa cụ thể, vừa hư ảo, nhưng bạn đọc thấy thú vị, sâu sắc bởi cho dù tính cách người xứ Thanh trong bài “hồn quê” có tốt, lẫn chưa tốt, nhưng chung lại thì người xứ Thanh trong bài “hồn quê” vẫn âm ỉ chảy một mạch nguồn hùng mạnh và như nhất. Đó là dòng chảy truyền đời của tình yêu quê hương, đất nước, lòng quyết tâm bảo vệ, dựng xây mảnh đất này với sức mạnh đoàn kết của nhân dân và đó là sự “muôn năm” tồn tại trong “hồn quê”. Tuy nhiên, vẫn còn một hạn chế rằng, giá như tác giả mở rộng không gian, thời gian và biên độ khái quát tính cách người xứ Thanh thời nay với những thành tựu trong thời kỳ đổi mới, bài thơ sẽ trọn vẹn hơn.

Mở đầu bài thơ tác giả viết: “Nhiều khi tếu táo cũng đùa/ Cũng dằn dỗi, cũng chát chua đủ lời/ Người nghe tưởng bạc như vôi/ Tưởng ném tất cả quê trôi xuống gềnh!/ Tưởng như một mảnh chẳng lành/ Chặt băm vụn vỡ cả cành lẫn cây”. Có vẻ như những mạch trong bài thơ “hồn quê’ là sự tiếp nối từ bài thơ “Hãy về Thanh Hóa một lần”, tuy có khác là nhà thơ đi vào miêu tả cụ thể những tính cách người xứ Thanh thông qua hành vi. Ông chọn hành vi khi con người nóng giận, muốn gạt bỏ, muốn phá vỡ... tưởng mọi thứ đã ở bên bờ vực... Nguyễn Minh Khiêm đang cho chúng ta xem một bức tranh chân dung “tả thực” về tính cách, hình ảnh người xứ Thanh mà trước đó Quang Dũng đã một lần khắc họa “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Thế nhưng khi đến một “ngưỡng” nhất định, thì người xứ Thanh đã biết điểm dừng đúng chỗ, đôi khi điểm dừng nguy hiểm chỉ cách “điểm chết” đó trong ranh giới mỏng tang và xem hành vi nóng giận đó chỉ là “đùa” thôi!. Chúng ta đừng hiểu sự “không trung thực” ở đây, mà hiểu rằng khi nhận ra cái “ngưỡng” trong hành vi, điều chỉnh được, như trong lời nhà Phật “biết quay đầu là bờ” và nhẫn được, thì mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp.

Người xứ Thanh vốn chân chất, dung dị mà trong bài thơ tác giả ví như những giây thừng. Hình ảnh giây thừng nhiều đời nay dân gian dùng trong công cuộc lao động mang vác của bao lớp người cần lao. Đơn giản thế thôi, nhưng một khi họ không tha thiết nữa “bỏ ra là cả ngai vàng lung lay”. Thế đấy, đừng đùa và đừng xem thường họ. Riêng câu thơ này, nhà thơ đã gửi gắm tư tưởng rất sâu sắc mà mới thoảng qua chúng ta chẳng dễ nhận ra. Và nữa, đừng bông đùa, coi thường, lỡm lờ với người xứ Thanh nhé: “Chỉ cần chọc một lời cay/ Là nghe cả mặt đất này trống rung/ Cả rừng cây đổ như không/ Mặt núi cũng lệch, mặt sông cũng chiềng!/ Có khi cọng rạ thì khiêng/ Có khi núi cũng lật nghiêng cho nhào”. Và cuối cùng nhà thơ gửi gắm: “Muôn năm xin chớ đụng vào hồn quê”.

Thơ hay không chỉ do dụng vần, thơ hay còn bởi nó hàm chứa tư tưởng, sức thuyết phục, sự gợi cảm và tạo nên trường liên tưởng, khai mở sức tưởng tượng với sự lan tỏa nguồn năng lượng tinh thần. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm thông qua đó muốn giới thiệu đến bạn đọc một góc nhìn về đất và tính cách người xứ Thanh. Hai bài thơ trên đã được nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Viên Lan Anh


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]