Trải nghiệm hương sắc Thường Xuân
Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” được tổ chức tại Thường Xuân vừa qua đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh. Tham dự lễ hội, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao, kết hợp giữa không gian hội chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực đặc sắc.
Du khách đến tham quan, mua sắm tại các gian hàng.
Trước khi “Hương sắc vùng cao” diễn ra, lễ hội đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội, theo đó hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh náo nức tham dự để trải nghiệm những điều thú vị chỉ có ở vùng cao. Lễ hội diễn ra trong vòng 2 ngày (11 và 12/11) với nhiều chương trình đặc sắc. Trong ngày đầu tiên, lễ hội diễn ra ở Bản Mạ - điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Thường Xuân. Theo đó, du khách được trải nghiệm các trò chơi, trò diễn dân gian như đánh đu, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, nhảy sạp, ném còn... Không gian trò chơi có sự xuất hiện của đông đảo đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Mông... đến từ 11 huyện miền núi ở Thanh Hóa cùng tham gia, hướng dẫn chơi với du khách.
Với những du khách thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, cơ hội để khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái từ lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới (còn gọi là Lễ mừng lúa mới) là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Thái, gần giống với Tết Nguyên đán của người Kinh. Lễ mừng cơm mới nhằm bày tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, trời đất đã giúp cho dân làng có một mùa bội thu. Nét đặc sắc của tục lệ này là lễ vật dùng để cúng chủ yếu là sản vật sẵn có được trồng từ nương rẫy. Như “na mẫu” tức là cốm làm từ lúa nếp non; “mạ cong” - gạo giã từ thóc xôi chín đem phơi. Lễ vật được sắp xếp thành các mâm: cúng thổ địa, cúng tổ tiên, cúng vía lúa để mừng cơm mới... Chủ trì buổi lễ là thầy mo, người có uy tín trong dân làng. Ngoài ra, du khách được hòa mình vào không khí sôi động, vui tươi của lễ đua thuyền truyền thống lần thứ 5 ở Thường Xuân. Năm nay, hội đua thuyền thu hút 14 xã, thị trấn và 3 đơn vị khách mời với tổng số hơn 260 vận động viên tham gia. Hội đua gay cấn, hấp dẫn là một trong những hoạt động thể thao được yêu thích của Nhân dân Thường Xuân.
Đông đảo người dân, du khách tham dự các trò chơi ở lễ hội.
Ngoài các hoạt động vui chơi ban ngày, buổi tối du khách và quần chúng Nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoạt cảnh tái hiện “Danh nhân Cầm Bá Thước - Rạng ngời đất Châu Thường”; thi diễn văn nghệ dân gian, trích nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các huyện miền núi; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Chương trình có sự tham gia của các diễn viên thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ không chuyên đến từ các huyện miền núi trong tỉnh trình diễn. Trong đó, để lại ấn tượng sâu sắc là màn trình diễn trang phục truyền thống của các cô gái bản.
Trong ngày lễ thứ 2, du khách được tham quan, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực tại “Phiên chợ vùng cao” với nhiều sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng. Mỗi gian hàng đại diện cho 1 huyện với nhiều điều khám phá về ẩm thực và văn hóa. Như, tại gian hàng huyện Bá Thước du khách được chiêm ngưỡng những tấm vải thổ cẩm dệt bằng tay của người Thái, Mường; thưởng thức trà quýt hoi là loại trà đặc trưng chỉ có ở Bá Thước, đặc sản thịt trâu gác bếp, vịt Cổ Lũng, nếp nương, trứng gà đồi. Gian hàng huyện Ngọc Lặc, du khách được thưởng thức đặc sản thịt nướng xứ Mường, miến dong Đồi Ao..., đặc biệt được giao lưu với nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng - là người lưu giữ “hồn cốt” xứ Mường, người đã dành cả đời để bảo tồn và phát huy lễ hội Pồn Pôông đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoạt động lễ hội đã cho du khách nhiều trải nghiệm đặc sắc. Anh Lê Anh Dũng, một du khách đến từ Hoằng Hóa, cho biết: “Tôi và gia đình dự định chỉ chơi lễ hội trong ngày khai mạc. Tuy nhiên, sau khi tham gia, gia đình tôi quyết định sẽ lưu trú lại để tận hưởng và khám phá thêm nhiều điều thú vị nữa”.
Dâng đồ lễ cúng mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái ở Thường Xuân.
Anh Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: “Trong khuôn khổ liên hoan còn có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch các địa phương, trưng bày tranh phiên chợ ngày xuân giới thiệu vẻ đẹp vùng đất và con người xứ Thanh. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào các dân tộc trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.
Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” là một sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm góp phần thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Bài và ảnh: Phan Vân
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2023-12-02 15:29:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 2-12-2023
“Hoa thị” trong “Dấu hoa thị”,... là gì ?
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 1-12-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 30-11-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 29-11-2023
Lý giải thành công của Á vương Lê Hữu Đạt tại Mister Global 2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 28-11-2023
Như Xuân nâng cao chất lượng đài truyền thanh, truyền hình, góp phần tuyên truyền giảm nghèo bền vững
Nhà văn Paul Lynch đoạt giải Booker với cuốn tiểu thuyết “Prophet Song”
“Vin” trong câu “Bé không vin cả gãy cành” có nghĩa là gì?