(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên tả ngạn sông Chu, vùng đất cổ Đàm Xá còn được biết đến với tên Kẻ Đầm (nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân). Có lịch sử hình thành và phát triển từ cả ngàn năm về trước, trong không gian vùng đất cổ còn lưu giữ những dấu tích lịch sử, văn hóa đậm nét.

Trên đất cổ Đàm Xá

Nằm bên tả ngạn sông Chu, vùng đất cổ Đàm Xá còn được biết đến với tên Kẻ Đầm (nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân). Có lịch sử hình thành và phát triển từ cả ngàn năm về trước, trong không gian vùng đất cổ còn lưu giữ những dấu tích lịch sử, văn hóa đậm nét.

Trên đất cổ Đàm XáChùa Quảng Phúc trên đất Kẻ Đầm.

Nằm ở phía Tây Bắc huyện Thọ Xuân, “Xuân Thiên giống như hòn đảo nhỏ do sông nước bao bọc. Phía trước mặt có con sông Chu chảy suốt theo chiều dài của địa phương; phía sau lưng có con hón Quế, hón Thiên chạy dài theo làng ôm lấy cánh đồng, cánh bãi rồi đổ ra sông Chu... Nếu đứng trên cao nhìn xuống thấy xóm làng trù phú, san sát cây cối, vượng khí tốt tươi, ruộng đồng bao quanh, sông nước giao nhau như thành trì tự nhiên, thật xứng với hai chữ “Trời Xuân” (sách Lịch sử xã Xuân Thiên).

Với địa thế ấy, người xưa còn ví Xuân Thiên như con cá chép lớn nằm giữa sông Chu và hón Thiên. Ở đó, sự hình thành, phát triển và cả địa danh vùng đất này gắn liền với dòng Lương Giang (sông Chu).

Lý giải cho tên gọi Đàm Xá hay Kẻ Đầm, người dân Xuân Thiên còn kể lại: Nhờ quá trình bồi đắp liên tục của dòng sông Chu, đã mang lại cho vùng đất nơi đây những phù sa màu mỡ, nhiều vũng ao, đầm, lạch... nương theo đó mà người xưa đã gọi nơi đây là Kẻ Đầm và tên chữ là Đàm Xá.

Người Đàm Xá tin rằng, vùng đất này từ thời Đinh đã có con người đến cư ngụ, rồi từ đó mà nên xóm, nên làng. Sách Lịch sử xã Xuân Thiên viết: “Khi Ngô Quyền từ Châu Ái kéo quân ra Bắc đánh dẹp Kiều Công Tiễn thì đất Xuân Thiên đã có người ở. Lúc này dòng sông Chu còn chảy ở khu vực Đồng Lang nên con người theo dòng nước làm ăn sinh sống đã hình thành một cụm dân cư... do Xuân Thiên có nhiều đầm lạch nên gọi là Kẻ Đầm. Thời Đinh người dân Xuân Thiên ở một vệt dài từ Đồng Me đến Ổ Gà men theo dòng sông Chu... Về sau đông dân hơn gọi là ấp Đầm, Trang Đầm, Đàm Xá Trang, Đàm Sóc ấp... Cuối thời Trần, các trang ấp nhỏ lập thành một sách, lúc này Đàm Xá trang, Đàm Sóc ấp lập thành Đàm Thi sách, thuộc hương Lam Sơn, huyện Lương Giang”.

Theo lưu truyền tại địa phương, vào thời Lê Trung hưng, vùng đất Đàm Thi cũng là nơi nuôi dưỡng Lê Duy Đàm (tức vua Lê Thế tông) - con trai thứ 5 của vua Lê Anh tông trong những ngày còn nhỏ. Sau khi vua Lê Thế tông lên ngôi, vì kiêng tên húy của vua nên Đàm Thi sách đã đổi tên thành làng (xã) Quảng Thi.

Không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ, dòng sông Chu đã tạo nên lợi thế “cận giang” để từng bước hình thành nên một chợ Đầm - phố Đầm giao thương sầm uất, nổi tiếng khắp vùng.

Theo đó, khi giao thông đường thủy còn giữ vai trò trọng yếu, Quảng Thi bên dòng sông Chu đã trở thành chốn tìm về neo đậu bè mảng của thương lái muôn phương. Đến đầu thời Nguyễn, nơi đây đã có chợ Đầm buôn bán mỗi ngày thêm phát triển, thu hút đông người về giao thương. Do buôn bán thuận tiện, xung quanh chợ Đầm có nhiều cửa hàng, cửa hiệu được mở ra. Và những tiểu thương, hộ buôn bán có cửa hiệu tụ về đây đã lập nên cộng đồng dân cư mới, gọi là Quảng Ích. Nếu so với các ấp, làng ở vùng đất cổ Đàm Xá, cụm dân cư làng Quảng Ích có lịch sử hình thành muộn hơn.

Trên đất cổ Đàm XáSau khi đình làng Quảng Thi được tôn tạo khang trang, người dân đã rước kiệu Thành hoàng làng từ chùa Quảng Phúc về đình làng để thờ phụng.

Và chợ Đầm - phố Đầm không chỉ thu hút người trong và ngoài tỉnh mà còn cả thương lái người Hoa, người Thái tìm về giao thương, gây dựng cơ nghiệp. Người vốn lớn thì mở các cửa hàng, cửa hiệu như hiệu thuốc Nam Ích Long, hiệu thuốc Bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu nhuộm Tân Mỹ, hiệu vàng Tấn Long... Ngày nay, chợ Đầm dẫu không còn vẻ sầm uất thuở nào, các cửa hiệu dẫu chỉ là dấu vết “vàng son môt thuở” nhưng còn đó tên cửa hàng, cửa hiệu gắn liền với những ngôi nhà tuổi đời cả trăm năm đã trở thành di sản - nét văn hóa riêng của đất và người Kẻ Đầm.

Chợ Đầm khi xưa nổi tiếng bởi sự đa dạng của hàng hóa. Những mặt hàng thủ công tinh xảo; những lâm, thủy sản từ miền ngược xuống, miền xuôi lên... Trong dân gian vùng đất cổ đến nay còn lưu truyền nhiều câu ca tự hào, như: “Chợ Đầm một tháng sáu phiên/ Những cô hàng xén cười duyên bán hàng”, hay “Xuân Thiên đất hẹp người đông/ Nằm thành một dải ven dòng sông Chu/ Vui thay trên chợ dưới đò/ Ruộng đồng thoai thoải bốn mùa xanh tươi”.

Qua thời gian, cùng với nỗ lực lao động, mưu sinh, người dân vùng đất cổ Đàm Xá cũng không ngừng sáng tạo, dựng xây và vun đắp nên những công trình kiến trúc, tâm linh giàu giá trị.

Là chùa Đầm (Quảng Phúc tự) được khởi dựng vào thế kỷ XIV. Đến thời Lê, chùa Đầm nhiều lần được tu sửa. Khác với nhiều di tích Phật giáo, chùa Đầm bên cạnh thờ Phật, còn phối thờ các vị công thần, nhân vật lịch sử được lưu danh. Như Trần Lựu - Khai quốc công thần nhà Lê; Thụy Hoa công chúa - con gái vua Lê Thánh tông; bà Chúa Thê Trang - người phụ nữ thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần, bà là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Kẻ Đầm...

Cùng với chùa Đầm, đình làng Quảng Thi cũng là điểm nhấn văn hóa trên đất cổ Đàm Xá. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay trong dân gian địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện kể về việc dựng đình. Thuở xa xưa, làng Đàm Xá bên dòng sông Chu thường xuyên bị lũ lụt, ngập úng khiến thường xuyên mất mùa, đói kém. Một vị thần tiên thương cảnh người dân lam lũ đã nguyện xuống vùng đất Kẻ Đầm chở che và dạy dân nghèo làm ăn, gây dựng cuộc sống... Một năm sau trận lụt lớn, khi nước rút, người dân phát hiện thấy có cây gỗ lớn trôi dạt vào làng, cho rằng đó là cây gỗ trời ban cho nên đã cùng nhau đóng góp tiền bạc, tìm thợ giỏi về xẻ gỗ dựng đình.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Quảng Thi đã trải qua nhiều lần sửa chữa và cả xoay chuyển “hướng đình”. Đến thời Tự Đức, đình được đại trùng tu, trở thành một trong những đình làng to nổi tiếng khắp vùng với kiến trúc 5 gian, 4 mái; bên trong chạm khắc hổ phù, tứ linh, tứ quý... uy nghiêm và bề thế. Đáng tiếc, trải qua thời gian, đình làng Quảng Thi đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Trần Thị Thực, công chức văn hóa xã hội xã Xuân Thiên, cho biết: “Năm 2022, từ nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ và một phần xã hội hóa, đình làng Quảng Thi đã được tôn tạo khang trang. Trên địa bàn xã Xuân Thiên, chùa Quảng Phúc và đình làng Quảng Thi là hai di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh”.

Trải qua hàng trăm năm với những biến thiên của vùng đất bên dòng Lương Giang, những thế hệ người dân Xuân Thiên đã vất vả đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt và cùng vun đắp nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Để hôm nay, Kẻ Đầm - Đàm Xá - Quảng Thi không chỉ là tên gọi một làng quê mà đã trở thành địa danh mang nhiều sức gợi.

(Bài viết có tham khảo và sử dụng nội dung trong sách Lịch sử xã Xuân Thiên và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: KHÁNH LỘC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]