(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tàu, thuyền của ngư dân, trước khi bão số 3 Yagi đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện tổ chức cấm biển trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tại các âu tránh trú bão, bến cá, rừng sú vẹt... ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển, tàu thuyền của ngư dân đã cập bến an toàn, tạm gác lại việc đánh bắt trong những ngày có bão.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tàu, thuyền của ngư dân, trước khi bão số 3 Yagi đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện tổ chức cấm biển trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tại các âu tránh trú bão, bến cá, rừng sú vẹt... ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển, tàu thuyền của ngư dân đã cập bến an toàn, tạm gác lại việc đánh bắt trong những ngày có bão.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Tàu về Âu tránh trú bão Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) tránh bão.

Bão số 3 - có tên gọi quốc tế là Yagi, đang di chuyển trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Theo dự báo, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa từ tối ngày 6/9. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn tính mạng và tàu, thuyền của ngư dân, tại Công điện số 18/CĐUBND ngày 5/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tổ chức cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 12 giờ ngày 6/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão. Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu, thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Dân quân tự vệ TP Sầm Sơn tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm lệnh cấm biển.

Bám sát chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, TP Sầm Sơn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Sầm Sơn tổ chức lực lượng hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu, thuyền tại các điểm neo đậu, tránh trú nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền. Ngay trong sáng 6/9, hàng trăm tàu, thuyền đã dừng việc đánh bắt và được ngư dân tời, kéo lên tập kết bờ biển thuộc phường Quảng Cư và dọc đường Hồ Xuân Hương.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, ngư dân phường Trường Sơn cho biết: “Nghe tin bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và có sức gió rất mạnh, từ chiều ngày 5/9, gia đình tôi đã dừng việc đi biển đánh bắt hải sản. Sáng nay, nghe phường thông báo cấm biển, bà con ngư dân chúng tôi đã tập trung kéo thuyền lên đường Hồ Xuân Hương để tránh trú bão an toàn”.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Tàu về Âu tránh trú bão Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) tránh bão.

Có mặt tại Âu tránh trú bão Lạch Hới, phường Quảng Tiến, chúng tôi nhận thấy, hàng trăm con tàu công suất lớn đã về đây neo đậu để tránh bão Yagi. Được các lực lượng chức năng của tỉnh kêu gọi, thông tin về cơn bão và yêu cầu vào âu tránh trú, từ ngày 3/9, các tàu công suất lớn đã dừng đánh bắt ngoài khơi về Âu tránh trú bão Lạch Hới. Đến sáng nay, Âu tránh trú bão Lạch Hới đã đón, sắp xếp cho khoảng 300 tàu đánh bắt của ngư dân về tránh trú bão. Được biết, Âu tránh trú bão Lạch Hới có thể đón khoảng 700 tàu đánh bắt công suất lớn. Bởi vậy, tàu của ngư dân sẽ về nhiều hơn, Âu tránh trú bão Lạch Hới vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa trao đổi với phóng viên.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa cho biết: “Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa hiện đang quản lý 3 âu tránh trú bão, gồm Âu tránh trú bão Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Âu tránh trú bão Lạch Trường (Hậu Lộc) và Âu tránh trú bão Lạch Hới (TP Sầm Sơn). Các âu có thể đón hơn 1.700 tàu đánh bắt của ngư dân về tránh trú bão. Thực hiện các công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, từ ngày 3/9, Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa đã phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ tại các âu tránh trú bão. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để khi tàu đánh bắt của ngư dân về bố trí, xắp sếp vào khu neo đậu an toàn. Đến trưa 6/9, các âu tránh trú bão đã đón hơn 850 tàu đánh bắt công suất lớn của ngư dân trong tỉnh”.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Thuyền của ngư dân TP Sầm Sơn được kéo lên đường Hồ Xuân Hương thuộc phường Trường Sơn tránh bão.

TP Sầm Sơn hiện có 1.598 tàu thuyền, với 4.797 lao động. Tính đến 10 giờ sáng 6/9, toàn bộ tàu, thuyền và lao động của thành phố đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 53 tàu, thuyền, với 543 lao động đang tránh trú bão tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Nam Định, Phú Yên và TP Hải Phòng.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Tàu, thuyền của ngư dân Hoằng Hóa neo đậu, tránh trú bão tại bến cá Hoằng Trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bến cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa) sáng 6/9, đã có rất nhiều tàu, thuyền neo đậu tại đây để tránh trú bão số 3. Các ngư dân trên các tàu thuyền cùng nhau chằng chống phương tiện, thu gom ngư cụ và thực hiện các công việc cần thiết để ứng phó khi bão số 3 đổ bộ. Trước dự báo về diễn biến của cơn bão này, nhiều ngư dân Hoằng Trường tỏ ra lo lắng.

Ông Trương Đình Ánh, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường - chủ tàu cá TH 90589TS cho biết: “Hai ngày trước, tàu đang đánh bắt trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì nghe tin cơn bão số 3 đổ bộ, chúng tôi lập tức quay về bờ và neo đậu tại bến cá Hoằng Trường. Việc neo đậu ở đây cũng chỉ tạm thời, do đó, nhiều ngư dân đang chờ nước lên để tiếp tục đưa tàu vào sâu trong lạch, tránh trú vào khu vực rừng sú vẹt để giữ tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho tàu, thuyền”.

Ông Phạm Văn Chính - chủ một phương tiện bè mảng tại thôn Linh Trường, xã Hoằng Trường cho biết: “Bão số 3 được dự báo là cơn bão mạnh, ngư dân trong xã cũng đang rất lo lắng cho tài sản là tàu thuyền, bè mảng của mình. Mặc dù lệnh cấm biển chính thức từ trưa nay, song chúng tôi đã đưa bè mảng của mình vào bến Hoằng Trường từ sáng nay và chờ nước lên để tiếp tục di chuyển bè mảng vào trong khu vực cầu Bút Sơn để “giấu” bão”.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu để tránh bão.

Toàn huyện Hoằng Hoá hiện có 931 phương tiện khai thác hải sản với 3.086 lao động. Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện Hoằng Hoá cho biết, tính đến 7h ngày 6/9/2024, 100% phương tiện tàu, thuyền của ngư dân địa phương đã vào nơi tránh trú an toàn. Trong đó, có 12 tàu neo đậu ở các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Số tàu, thuyền còn lại đã vào neo đậu tại các bến trên địa bàn huyện Hoằng Hoá, như các bến cá Hoằng Trường, Hoằng Phụ và khu neo đậu ven sông Cung, khu neo đậu bè mảng xã Hoằng Thanh. Sau khi tàu thuyền cập bến, lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân đưa phương tiện về nơi tránh, trú bão an toàn.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Tàu về tránh trú bão tại Âu tránh trú bão Lạch Trường (Hậu Lộc).

Huyện Hậu Lộc có 656 tàu, thuyền đánh bắt, với 3.031 lao động. Tính đến đầu giờ chiều ngày 6/9, các phương tiện đánh bắt trên biển của Hậu Lộc đã được kêu gọi vào tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 456 tàu đánh bắt, với 2.285 lao động đã về tránh bão tại các bến trong tỉnh; 25 tàu, với 150 lao động đang tránh trú bão ở các tỉnh, thành phố khác; 79 tàu cá, với 484 lao động đang trên đường về các âu, bến cá của tỉnh để neo đậu, tránh bão.

Tại Âu tránh trú bão Lạch Trường đến trưa 6/9 đã có 120 tàu về neo đậu tránh bão. Đây là các phương tiện tàu công suất lớn từ 15m trở lên. Chủ tàu Lê Văn Đương, số hiệu TH 91427 TS, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 3 có khả năng mạnh lên thành siêu bão, anh em thuyền viên trên tàu đã nhanh chóng quay trở về. Đến Âu tránh trú bão Lạch Trường, tàu chúng tôi đã được sự hỗ trợ hướng dẫn vị trí neo đậu, giằng chống an toàn.”

Đối với các tàu đánh bắt gần bờ là những tàu có công suất nhỏ, sau khi về tập kết tại các địa phương dọc kênh De, khu vực ven đê các xã Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc cũng đã được lực lượng chức năng địa phương và Đồn biên phòng Đa Lộc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ về nơi tránh, trú bão an toàn.

Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc Cảng cá Thanh Hóa, Phụ trách Cảng cá Hòa Lộc cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho các tàu, thuyền về neo đậu tránh bão, tại Âu tránh trú bão Lạch Trường, đơn vị đã phối hợp cùng với chính quyền các xã Hải Lộc, Hòa Lộc và Đồn Biên phòng Đa Lộc tổ chức trực 24/24 giờ, nhằm kịp thời hướng phương tiện neo đậu đúng vị trí. Đến thời điểm hiện tại, tất các tàu thuyền đã được hướng dẫn tập kết, giằng chống đảm bảo an toàn”.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền

Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn thị xã Nghi Sơn vận động ngư dân thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, tránh bão an toàn.

Thị xã Nghi Sơn có 1.835 phương tiện đánh bắt, với 6.671 lao động. Đến nay, thị xã đã liên lạc 100% với tất cả các chủ phương tiện đang hoạt động đánh bắt trên biển. Nhận được thông tin các cấp chính quyền và lực lượng chức năng thị xã, đến trưa 6/9, đã có 1.607 phương tiện, với 6.015 lao động vào khu neo đậu, tránh trú bão an toàn. Đồng thời, có 228 tàu, thuyền đang trên đường vào tránh trú bão.

Ghi nhận tại Âu tránh trú bão Lạch Bạng và Cảng cá Lạch Bạng đã có 563 tàu vào neo đậu an toàn. Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: “Địa phương có tổng 185 tàu, thuyền đánh bắt và hoạt động trên biển. Đến nay, 100% tàu, thuyền đã vào các bến tập kết tránh bão an toàn, trong đó, có 7 phương tiện tập kết ở các tỉnh ngoài.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự - PCTT&TKCN Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 16h ngày 6/9, toàn tỉnh có 6.116 phương tiện với 19.901 lao động đã vào nơi neo đậu tại các cảng và âu tránh trú bão an toàn. Trong đó có 5.627 phương tiện neo đậu tại các cảng, âu tránh trú bão an toàn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 142 phương tiện neo đậu tại tỉnh Quảng Ninh; 152 phương tiện neo đậu tại TP Hải Phòng; 86 phương tiện neo đậu tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình; 76 phương tiện neo đậu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; 15 phương tiện neo đậu tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; 13 phương tiện neo đậu tại tỉnh Bình Định...

Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu


Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]