(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sắp xếp các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc hành trình này, bước đầu đã ghi nhận hiệu quả tích cực nhưng vẫn còn đó trăn trở đối với người làm giáo dục tỉnh nhà.

Trường học, hậu sáp nhập xã: Tiếp tục phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sắp xếp các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc hành trình này, bước đầu đã ghi nhận hiệu quả tích cực nhưng vẫn còn đó trăn trở đối với người làm giáo dục tỉnh nhà.

Trường học, hậu sáp nhập xã: Tiếp tục phát huy thuận lợi, khắc phục khó khănHọc sinh Trường TH Thuần Lộc đi xe ca đến trường.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công trong sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập trường học đó chính là sự đồng thuận của người dân. Nhìn lại một chặng đường đã qua, cho thấy, bài học từ sự đồng thuận có ý nghĩa, vai trò lớn trong thực hiện việc sáp nhập.

Đó là câu chuyện về những phụ huynh ở 2 thôn Nhuệ Thôn và Lam Thôn, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) đã tự nguyện thuê xe ca để chở con em mình đến ngôi trường cách nơi họ ở hơn 3 km là Trường TH Thuần Lộc. Ngôi trường này được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Trường TH Văn Lộc và TH Thuần Lộc (cũ).

Trước đó, quan điểm của địa phương là sáp nhập về 1 điểm trường nhưng người dân ở thôn Nhuệ Thôn và thôn Lam Thôn, 2 thôn có địa bàn xa nhất xã không đồng tình. Họ băn khoăn trong việc đưa đón con bởi đường giao thông không thuận tiện. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, lãnh đạo địa phương tiếp tục lắng nghe, tuyên truyền về chủ trương, mục đích và hiệu quả trong việc dồn trường cùng cấp, những thuận lợi khi đưa về 1 điểm trường. Từ hội nghị này đã nhận được sự đồng thuận của người dân 2 thôn Nhuệ Thôn, Lam Thôn. “Chúng tôi đã tự nguyện thuê xe ca để chở các con đến trường. Một ngày 4 lượt xe đưa đi, đón về. Đảm bảo an toàn cho con, với chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu”, chị Hoàng Thị Hường, phụ huynh em Đỗ Phương Thảo, lớp 1A2 Trường TH Thuần Lộc đã tâm sự như thế.

Còn nhớ, một sự việc xôn xao dư luận cách đây gần 3 năm xảy ra tại huyện Nông Cống cũng liên quan đến sáp nhập trường học. Theo đó, hơn 100 phụ huynh của học sinh TH ở xã Tế Tân (cũ) không đồng tình việc sáp nhập trường. Đỉnh điểm vụ việc, họ không đưa con đến điểm trường mới là TH Tế Nông trong ngày khai giảng. Nguyên nhân, nếu để đến được điểm trường mới phải đi qua 2 đường tàu, 3 ngã tư và 2 chợ. Với học sinh TH đây là điều khó khăn, trong khi người đưa đón các em chủ yếu là ông bà do phần lớn bố mẹ đi làm ăn xa… Trước sự phản đối quyết liệt của phụ huynh học sinh, UBND huyện Nông Cống quyết định, sáp nhập nhưng vẫn duy trì điểm trường cũ để bảo đảm thuận lợi cho các em đến trường. Riêng với cấp THCS, phụ huynh đồng thuận sáp nhập nhưng vẫn 2 điểm trường.

Dẫu sự việc đã qua gần 3 năm nhưng lúc này ông Lê Thế Truyền, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đại Đức, xã Tế Nông vẫn không thể giấu nét ưu tư trên khuôn mặt. Ông trầm ngâm: “Tâm tư, nguyện vọng của bà con đến lúc này vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục thực hiện 2 điểm trường TH cho con em mình, về 1 điểm trường là điều bà con không bao giờ muốn”.

Qua gần 4 năm thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa đã sắp xếp, giảm được 76 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, số trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập, giải thể giảm được 98 trường. Tuy nhiên, để sáp nhập về 1 điểm trường, chủ yếu vẫn là cấp THCS còn cấp TH, phần lớn vẫn duy trì điểm trường lẻ.

Trong khi đó, đối với khu vực miền núi, việc sáp nhập trường học sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã khó thực hiện hơn do điểm dân cư, địa hình… Riêng huyện Như Thanh, với sự nỗ lực lớn trong sáp nhập trường học, quan điểm của huyện sẽ thực hiện sáp nhập về 1 điểm trường đối với cấp THCS. Đến nay, 2/3 đơn vị trường học đã thực hiện.

Không thể phủ nhận, sáp nhập trường học mang lại môi trường học tập tốt hơn. Trên hành trình đấy, còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tại Hậu Lộc, một huyện đồng bằng ven biển, sau sáp nhập xã đã có 4 trường TH và 6 trường THCS sáp nhập. Với mỗi đơn vị trường sau sáp nhập, huyện dành nguồn từ 3 tỷ đồng trở lên để đầu tư cơ sở vật chất. Còn ở huyện Thọ Xuân, việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các trường sau sáp nhập và xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được huyện quan tâm chỉ đạo. Theo đó huyện đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện của trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời còn hỗ trợ gói trang thiết bị với trường xây dựng chuẩn mới là 200 triệu đồng, trường công nhận lại là 100 triệu đồng...

Thực tế, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã tạo một số điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục, là tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên hành chính. Quy mô trường, lớp sau sáp nhập tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục…Theo lộ trình sắp xếp các trường đến năm 2025, tỉnh sẽ còn 1.803 trường mầm non, TH, THCS, TH&THCS.

Thẳng thắn nhìn nhận, sau sáp nhập xã, cũng đặt ra một số khó khăn cho ngành giáo dục, đó là một bộ phận học sinh đi học phải di chuyển khoảng cách xa hơn. Việc thực hiện các chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại cơ sở giáo dục mới sau khi sắp xếp đôi khi chưa kịp thời. Việc sáp nhập, hợp nhất các trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, có những trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng sau khi sáp nhập một số tiêu chí không đảm bảo điều kiện… “Thời gian tiếp theo, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các nhà trường phải có giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính sau sáp nhập, giải thể… Đồng thời, tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo giai đoạn tránh sự chồng chéo, thu hút các nguồn đầu tư công và hỗ trợ từ Nhà nước", PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]