Trưởng thành sau cơn bão
“Tớ viết bức thư này để gửi tới các bạn, những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tớ rất buồn và xúc động khi xem những hình ảnh về các bạn. Tớ muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp các bạn vượt qua nỗi khó khăn này...”. Những dòng thư mộc mạc, chứa đựng nhiều tình cảm của một học trò lớp 5 và còn nhiều hơn thế, những tấm lòng con trẻ...
300 chiếc khăn quàng đã được học sinh Trường TH Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) gửi tới các bạn vùng lũ.
Đã có một buổi sinh hoạt đầu giờ tại lớp, khác với những buổi sinh hoạt trước đó ở Trường Tiểu học (TH) Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn). Một buổi sinh hoạt mà ở đó học sinh chăm chú nhìn lên màn hình ti vi để xem những mất mát, đau thương nơi vùng lũ. Và sau đó, tại lễ chào cờ đầu tuần ở ngôi trường này, đã phát động quyên góp ủng hộ học sinh các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão. Sau 4 ngày kêu gọi, nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh với số tiền gần 71.000.000 đồng. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật khác là khăn quàng đỏ, sách giáo khoa, quần áo... Tiền mặt nhà trường đã trực tiếp bàn giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải Nhân. Hiện vật đã được trao tận tay cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ tại xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Những tấm lòng được gói ghém trong những món quà ý nghĩa. Trong số đó, phải kể đến những việc làm thiết thực của học sinh. “Thông qua phong trào “Kế hoạch nhỏ”, học sinh nhà trường đã quyên góp giấy vụn, vỏ chai nước lọc, vỏ lon nước ngọt... Từ những phế liệu này cũng đã tạo một nguồn kinh phí nhỏ để thực hiện việc ủng hộ các bạn vùng lũ. Bên cạnh đó, học sinh còn viết thư thăm hỏi, động viên hoặc đập heo đất, tiết kiệm tiền ăn sáng để gửi tới các bạn...”, Hiệu trưởng Trường TH Hải Nhân, cô giáo Đỗ Thị Thu cho biết.
Nhờ tiết kiệm tiền ăn sáng mà học sinh Lê Phương Thúy, lớp 5B đã ủng hộ 100.000 đồng. Mỗi buổi sáng mẹ cho Phương Thúy 15.000 đồng. Chị Lang Thị Bút, phụ huynh em Lê Phương Thúy, chia sẻ: “Con đã từng tâm sự với tôi, con chỉ ăn hết 10.000 đồng. Số tiền còn lại, cho con được tiết kiệm, bỏ vào heo đất. Tôi rất xúc động khi con xin ý kiến, hãy cho con đập heo đất để lấy tiền ủng hộ các bạn vùng lũ. Tôi đã nói với con, đó là việc làm ý nghĩa. Qua đó, cho thấy con đã có sự trưởng thành về suy nghĩ cũng như hành động”.
Và... những bức thư chan chứa tình cảm...
Không chỉ Phương Thúy, ở Trường TH Hải Nhân còn nhiều học sinh có việc làm như em. Cùng với đó là những lá thư bày tỏ sự đồng cảm, yêu thương... Nơi này có thể bình yên nhưng ở nơi khác, nơi mà bão lũ đi qua, còn nhiều hoàn cảnh cần sự chia sẻ. Trong khó khăn, hoạn nạn, những đứa trẻ cũng đã thấy được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Cô giáo Lê Thị Đan, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh, khi xem xong những phóng sự về bão lũ, có học sinh giơ tay nói: Thưa cô! Em sẽ dùng tiền mừng tuổi để chia sẻ với các bạn. Cũng có học sinh rụt rè, bảo tôi: Em sẽ về đập heo đất, nhưng toàn tiền lẻ có được không cô?. Rất mừng, vì các em đã có được cảm xúc, từ đó có ý thức để biết bản thân cần phải làm gì...”.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” góp phần tạo nguồn kinh phí ủng hộ học sinh vùng lũ.
Cũng trong đợt ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, ở Trường TH Cẩm Tân (Cẩm Thủy) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh... Ở một trường miền núi, khó khăn vẫn còn nhiều nhưng tập thể nhà trường luôn nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”. Đối với học sinh, như chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, thì: “Dù ít, dù nhiều đó cũng là tấm lòng. Điều quan trọng mà các em đã làm được là không cho phép bản thân vô cảm trước nỗi đau bão lũ. Qua những việc làm, hành động ý nghĩa này, cho thấy ở các em đã có sự trưởng thành”.
Những con heo đất đã được “mổ” và cũng có học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng,... để gửi về bà con vùng lũ. Hạnh phúc là được cho đi. Ở lớp 5A, học sinh Nguyễn Chí Hùng phấn chấn, cho biết: “Trong 4 ngày phát động, em đã tiết kiệm được 20.000 đồng từ tiền ăn sáng. Mỗi buổi bớt đi chút thôi là đã gửi được tình cảm đến vùng khó. Chúng em ở đây, cảm thấy còn được may mắn hơn các bạn vùng lũ rất nhiều...”.
Hàng tỷ đồng đã được ngành giáo dục Thanh Hóa chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, có phần đóng góp của học sinh tỉnh nhà. Thông qua những hành động thiết thực, ý nghĩa sẽ giúp các em nhân lên giá trị của tình thương, đặc biệt với học sinh nhỏ tuổi, như chia sẻ của ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh: “Điều quý nhất là các em đã được nuôi dưỡng tình yêu thương, một tinh thần biết sống vì người khác. Trước nỗi đau của đồng bào, không thể vô cảm. Chia sẻ khó khăn tức là có được bài học về tương thân tương ái, hơn nữa là trách nhiệm với cộng đồng. Các em vì thế, cũng sẽ trưởng thành hơn...”.
Bài và ảnh: Ninh Nghi
- 2024-11-14 10:21:00
Mường Lát: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
- 2024-11-14 10:07:00
Phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở Thường Xuân
- 2024-11-09 08:11:00
Bản tin Tài chính 9/11: Vừa tăng trở lại, vàng thế giới “quay xe” giảm
Mua bảo hiểm nhân thọ có được bảo vệ như tư vấn viên tư vấn?
Liên hợp quốc cảnh báo 2024 là năm nóng nhất từ trước tới nay
Các Chi nhánh AGRIBANK tại Thanh Hóa đồng hành cùng Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM
Bản tin Tài chính 8/11: Vàng thế giới bật tăng mạnh, trong nước có dừng “lao dốc”?
Vé máy bay và tàu hỏa Tết còn nhiều, mức giá tăng cao so với năm trước
Tam Lư nỗ lực giảm nghèo bền vững
Nụ cười trở lại trên bản người Mông Tà Cóm
Bản tin Tài chính ngày 7/11: Vàng rớt giá sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Quan Hóa tích cực phòng, chống thiên tai