“Từ khu bảo tồn... đến Vườn quốc gia Xuân Liên” (Bài 1): “Ngôi nhà lớn” về đa dạng sinh học
Nằm giáp ranh với tỉnh Nghệ An và biên giới Việt - Lào, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên có tổng diện tích 25.601ha. Dưới tán rừng nguyên sinh xanh mướt mát ấy là hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm đã và đang được bảo tồn hiệu quả bằng sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý (BQL) VQG Xuân Liên.
Cây pơ mu hàng nghìn năm tuổi tại VQG Xuân Liên.
Kỳ thú thế giới sinh vật VQG Xuân Liên
Đất trời miền Bắc, Bắc Trung bộ đã qua những ngày mưa dầm dề, nồm ẩm nhưng bạt ngàn núi rừng Xuân Liên vẫn chìm trong sương mù. Cái hùng vĩ, hoang sơ, phóng khoáng của núi rừng nơi đây đã khơi dậy trong tâm trí những vị khách lạ biết bao niềm thích thú được tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên đầy mới mẻ, kỳ thú này. Đôi lời giới thiệu của Ths. Mai Xuân Phương, Phó Giám đốc VQG Xuân Liên khiến chúng tôi càng thêm phần hứng khởi: “VQG Xuân Liên hiện có hơn 5 nghìn ha rừng nguyên sinh, là “ngôi nhà chung” của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, được đánh giá là 1 trong 5 trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cao ở Việt Nam”.
Số liệu từ quá trình công phu, dài hơi nghiên cứu, điều tra, thống kê cho thấy: VQG Xuân Liên có tới 1.228 thực vật bậc cao có mạch khác nhau thuộc 659 chi, 181 họ thực vật của 5 ngành thực vật bậc cao. Trong đó có nhiều loài thực vật rừng quý hiếm, thuộc danh mục IUCN, được ghi tên trong sách đỏ. Điển hình như: Vù hương, chò chỉ, táu mặt qủy và táu muối, các loài hạt trần qúy hiếm như pơ mu, bách xanh, sa mu dầu cùng nhiều loài trong nhóm lan Hài... đều là những loài đặc hữu và được xếp vào nhóm nguy cấp, hoặc cực kỳ nguy cấp. Trong cánh rừng pơ mu, sa mu có 2 “cụ cây” hàng nghìn năm tuổi được công nhận cây di sản. Ngoài các giá trị về tính đa dạng, VQG Xuân Liên còn là cái nôi của các loài thực vật đặc hữu. Trong 10 năm gần đây, Xuân Liên là nơi phát hiện nhiều loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, trong đó có những loài đặc hữu riêng của Xuân Liên như: Mộc hương Xuân Liên, Thiên lý Xuân Liên, Sồi Xuân Liên, Thượng tiễn Xuân Liên...
Hệ sinh thái động vật trong VQG Xuân Liên cũng không kém phần phong phú. Trong 1.811 loài động vật ghi nhận được ở VQG Xuân Liên, đã xác định có 94 loài nguy cấp quý hiếm (chiếm 5,19% tổng số loài). Trong đó có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN, 2012; 56 loài ở mức đe dọa của Việt Nam được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 2007; và 71 loài được ghi trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ với 23 loài xếp theo phụ lục IB, 48 loài xếp theo phụ lục IIB. Có 18 loài thuộc công ước CITES (căn cứ theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017). Đặc trưng nhất là các loài như: Vượn đen má trắng bắc; voọc xám; mang pù hoạt; tê tê vàng; beo lửa; báo gấm; gấu ngựa; sơn dương; gà tiền mặt vàng; rắn hổ chúa; rùa đầu to; rùa hộp trán vàng bắc; khướu mỏ dài...
Chung tay bảo tồn ĐDSH - kiến tạo tương lai xanh
Bảo tồn ĐDSH là quá trình quản lý mối tác động qua lại giữa con người với các gen, loài, hệ sinh thái nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho thế hệ hiện tại mà vẫn duy trì tiềm năng của chúng để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các thế hệ tương lai. Nhận thức sâu sắc điều đó, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), bảo tồn ĐDSH đã được BQL VQG Xuân Liên đặc biệt chú trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp với những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật được BQL VQG Xuân Liên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính ĐDSH, giảm áp lực tiêu cực ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Những năm qua, VQG Xuân Liên đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trong đó, thực hiện 3 đề tài cấp Nhà nước, 2 nhiệm vụ cấp bộ, 6 đề tài cấp tỉnh và nhiều nhiệm vụ khoa học khác. Từ kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp VQG Xuân Liên xây dựng được cơ sở dữ liệu, lập danh lục khu hệ động thực vật rừng hiện có nhằm phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH; ưu tiên điều tra nghiên cứu cơ bản về đặc điểm phân bố, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học, tái sinh và các giải pháp bảo tồn đối với các loài nguy cấp, quý hiếm. Qua công tác nghiên cứu, đã phát hiện 14 loài mới cho khoa học.
VQG Xuân Liên đã nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Bảo tồn và phát triển các loài Lan (Hài Lông, Hài Vân, Thủy tiên Hường); bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu Na rừng, Giổi ăn hạt; nghiên cứu khai thác, phát triển các loài Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc,...
Nhiều kết quả nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, điển hình như: Kết quả công bố giám sát loài vượn đen má trắng tại Xuân Liên năm 2020 (Tạp chí Discover Magazine, năm 2020); Công bố sự tồn tại của loài Mang Roosevelt đã bị coi là tuyệt chủng từ năm 1929 được tìm thấy ở Xuân Liên chính là loài mang pù hoạt (Tạp chí Conservation Genet 2014 15:993–999, Springer); công bố sự thành công đầu tiên tại Việt Nam bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào (Invitro) đối với loài lan Hài Lông, Hài Vân Bắc (Tạp chí Nông nghiệp và PTNT-Kỳ 1-tháng 11/2018) và lan thủy tiên hường (Tạp chí Nông nghiệp và PTNT-Kỳ 1-tháng 10/2019)... VQG Xuân Liên là 1 trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về ứng dụng phần mềm GPS Photolinks trong quản lý các loài cây cổ thụ; đơn vị đầu tiên ứng dụng Smart mobile trong hoạt động tuần tra, kiểm tra an ninh rừng... Đây là những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung vươn tầm quốc tế; là cơ sở để các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến, cùng phối hợp tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, đưa hoạt động bảo tồn thiên nhiên từng bước ổn định, phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào công tác quản lý, BVR, BQL VQG Xuân Liên làm tốt công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã về tự nhiên. Trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý tài nguyên rừng và bảo tồn ĐDSH, BQL VQG Xuân Liên đã tích cực tiếp cận với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm nguồn tài trợ cho các dự án phát triển dân sinh, kinh tế cho Nhân dân vùng đệm. Trong hơn 25 năm qua, VQG Xuân Liên đã triển khai thực hiện được trên 30 dự án, mô hình phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các mô hình nâng cao năng lực phát triển sản xuất; tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm; tổ chức giao khoán BVR hàng năm trên diện tích rừng đặc dụng và thành lập 12 tổ BVR cộng đồng với 260 thành viên, là lực lượng nòng cốt trong phối hợp tuần tra, kiểm tra an ninh rừng và xử lý vi phạm...
Với những kết quả nêu trên, VQG Xuân Liên ngày càng nâng cao vai trò, vị trí trong hệ thống bản đồ các khu rừng đặc dụng trong cả nước. Tài nguyên động, thực vật rừng trong VQG Xuân Liên đã được phục hồi và phát triển bền vững, độ che phủ của rừng được nâng lên (từ 76% năm 2000 lên trên 97% như hiện nay). Năm 2018, được Hiệp hội các VQG và khu bảo tồn Việt Nam phối hợp với Hội Động vật học Frankfut bình chọn VQG Xuân Liên (lúc bấy giờ là Khu BTTN Xuân Liên) là khu bảo tồn xuất sắc nhất Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên cho biết: “Xuân Liên không chỉ là VQG quan trọng mà còn có lợi thế lớn trong du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và thích ứng biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh và vùng đất ngập nước hồ Cửa Đạt giúp bảo vệ nguồn gen quý, cân bằng sinh thái và duy trì nguồn nước đầu nguồn, đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong vùng và vùng hạ du của tỉnh Thanh Hóa”.
Sự ĐDSH tại các khu BTTN, VQG nói chung, VQG Xuân Liên nói riêng luôn đứng trước nguy cơ bị tổn thất, xâm hại bởi các yếu tố: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là những nguy cơ xuất phát từ sự hạn chế về nhận thức của con người trong việc bảo vệ ĐDSH. Phó Giám đốc BQL VQG Xuân Liên Mai Xuân Phương chia sẻ: “BVR, bảo tồn ĐDSH là nhiệm vụ chung của tất cả cư dân sinh sống trên trái đất này, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, chủng tộc. Vì vậy, cùng với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên BQL VQG thì điều quan trọng hơn cả là sự nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng hành của toàn xã hội trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của rừng, giá trị của ĐDSH đối với cuộc sống, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau”.
Bài và ảnh: Thanh Hương
{name} - {time}
-
2025-04-13 12:47:00
Phát triển dong riềng thành cây trồng chủ lực
-
2025-04-13 09:52:00
Thủ tướng gửi thư chúc mừng đồng bào Khmer dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây
-
2025-04-11 07:00:00
Bản tin Tài chính 11/4: Tăng dữ dội, giá vàng mỗi ngày lập 1 kỷ lục mới
Dự báo thời tiết 11/4: Bắc Bộ nắng nóng cục bộ trước khi đón không khí lạnh
50 năm Thống nhất đất nước: Hòa giải, hòa hợp dân tộc - tiếng nói của người trở về
Nhiều dự án giao thông đã cơ bản hoàn thành để đưa vào khai thác dịp 30/4
Bản tin Tài chính 10/4: Giá vàng bất ngờ tăng
Dự báo thời tiết 10/4: Nhiều khu vực nắng nóng
Đi tìm lời giải cho nỗi lo “chưa giàu đã già”
Quảng Ninh: Hoàn thành ghép thận cho hai bệnh nhân ngay trong đêm
Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh cả nước
Học sinh THCS, THPT học 2 buổi/ngày: Không thể làm đồng loạt, càng không thể ép buộc