(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ai quan tâm, hoặc đã trải, đã sống trong những năm 1946, 1947 chắc hẳn không thể nào quên được một thời điểm lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng có nhiều biến cố, nhiều sự kiện dồn dập - một dấu mốc trên chặng đường cứu nước của dân tộc ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946 đến bài thơ chúc Tết Đinh Hợi - 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VH&ĐS) Những ai quan tâm, hoặc đã trải, đã sống trong những năm 1946, 1947 chắc hẳn không thể nào quên được một thời điểm lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng có nhiều biến cố, nhiều sự kiện dồn dập - một dấu mốc trên chặng đường cứu nước của dân tộc ta.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946 và Chúc Tết Đinh Hợi - 1947 của Bác nằm trong bối cảnh trên. Đó là hai văn bản, một là văn bản chính trị - lịch sử có giá trị như một tác phẩm nghị luận, một là lời chúc Tết bằng thơ. Cả hai tác phẩm này tuy thể loại khác nhau nhưng cùng một mục đích xác định và thể hiện đường lối, tư tưởng chiến lược, mục tiêu cuộc kháng chiến, cương lĩnh hành động, lòng quyết tâm và sự hy sinh cần thiết để đảm bảo thắng lợi của công cuộc Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

Mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác nói lý do vì sao chúng ta buộc phải tiến hành kháng chiến cứu nước mà nguyên nhân gây chiến tranh là hoàn toàn do thực dân xâm lược Pháp: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ.

Như mọi người đều biết, Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những tưởng nhân dân ta sẽ được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, nhưng chẳng bao lâu, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã trở lại đánh chiếm Sài Gòn, các đô thị Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ rồi tiến công ra miền Bắc, đánh Hải Phòng, Lạng Sơn, đổ quân vào Đà Nẵng. Để tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc, Bác đã cùng Đảng, Chính phủ bình tĩnh, sáng suốt đề ra phương án bảo toàn, củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị đối phó nếu tình thế cực xấu xảy ra; đồng thời khôn khéo chủ động ký Hiệp ước sơ bộ, Đàm phán chính thức ở Phôngtênnơblô, ký Tạm ước... Bác cũng có Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, nhưng thực dân Pháp ngạo mạn lấn tới tận cùng. Ngày 18/12/1946, chúng gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ Hà Nội, giao quyền kiểm soát Thủ đô và cự tuyệt đàm phán với đại diện Chính phủ ta. Tình hình căng thẳng đến cực độ, không còn đường nào khác, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp trong các ngày 18-19/12/1946 - đêm lịch sử, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau khi nói rõ vì sao phải kháng chiến, Bác kêu gọi mọi người hành động: Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Kết thúc lời kêu gọi, Bác khẳng định mạnh mẽ: Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, cả nước đã nhất tề đứng lên bằng hành động cụ thể tiêu diệt quân xâm lược mà tiêu biểu là cuộc chiến đấu oanh liệt đầu tiên của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Khi đài phát thanh truyền đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, vừa dứt, đèn chiếu sáng trên đường phố Hà Nội phụt tắt và tiếng súng nổ vang dội khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các chiến sĩ vệ quốc quân và tự vệ Hà Nội đã nêu cao tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh chiến đấu dũng cảm, kiên cường bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, cùng đồng thời tiến công giành giật với địch từng căn nhà, góc phố, gây cho địch nhiều thiệt hại. Những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng bào và chiến sĩ những ngày đầu bước vào cuộc chiến đấu càng củng cố và đẩy quyết tâm của toàn dân tộc lên cao độ.

Nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, quân và dân cả nước đã đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. (Ảnh: Tư liệu)

Khi Tết cổ truyền Đinh Hợi đến, tối 30 Tết, tức ngày 20/1/1947, mặc cho trời rét, mưa to, đường trơn lầy lội, Bác trực tiếp đến Đài phát thanh đọc lời chúc năm mới. Giữa phút giao thừa thiêng liêng của đất trời và lòng người, từ Chùa Trầm (Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiếng nói Bác Hồ: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông./ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng./ Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông./ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập nhất định thành công!

Chúc Tết Đinh Hợi-1947 vừa là lời chúc Tết đồng bào và chiến sĩ, biểu hiện tình cảm sâu sắc, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của Bác, vừa là sự tiếp tục, tiếp nối thể hiện tư tưởng chủ đạo của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Nếu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến Bác kêu gọi khẩn thiết toàn dân tộc nhất tề cầm vũ khí đứng lên cứu nước trong tình hình nước sôi lửa bỏng không có sự lựa chọn nào khác thì Chúc Tết Đinh Hợi-1947 là lời động viên, cổ vũ, khích lệ quân và dân anh dũng chiến đấu trong khí thế hào hùng của dân tộc. Chúc Tết Đinh Hợi-1947 có một điểm hết sức đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử chống xâm lược và lịch sử văn học nước nhà, trong lời chúc, Bác đã khéo léo trình bày một cách cô đọng, đúc kết ngắn gọn nhất đường lối kháng chiến trong một câu thơ chứa đựng khẩu hiệu chiến lược: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Khi có người hỏi về toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, Bác đã trả lời giản dị và dễ hiểu nhất bằng những ví dụ cụ thể toàn dân kháng chiến là thế nào, toàn diện kháng chiến là thế nào. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến là đường lối tập hợp lực lượng, là cương lĩnh hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp đánh địch trên mọi mặt trận, tiền tuyến và hậu phương, chiến đấu và sản xuất, quân sự, chính trị và ngoại giao... Chính vì thế Bác đã Gửi thư, Lời tuyên bố, Lời kêu gọi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, đến nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ toàn diện, mới có sự san bằng khoảng cách giữa các tầng lớp, giữa người lãnh đạo và lực lượng kháng chiến: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Đó chính là khí thế mùa xuân, khí thế lao vào cuộc trường kỳ kháng chiến vững vàng, quyết tâm, mạnh mẽ, tin tưởng và tự hào bằng cả chí ta, lòng ta, sức ta, người ta với sự chủ động hoàn toàn đã quyết, đã đồng, đã mạnh, đã đông để tiêu diệt quân thù.

Một điều cần lưu ý nữa là, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác kêu gọi: Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Toàn dân tộc đã nhất tề đứng lên, đến Chúc Tết Đinh Hợi-1947 tình thế đã có những chuyển biến, sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chúng tại các đô thị, tạo ra một thời gian chiến lược quý báu để chuyển đất nước vào thời chiến và giờ đây ta đã bắt đầu hội đủ một số điều kiện cơ bản, bắt đầu làm chủ tình hình để đối phó với quân xâm lược, Bác kêu gọi tiến lên: Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Từ đứng lên đến tiến lên là một khoảng cách, một chuyển biến của thực tiễn, một sự chủ động, một thế chiến lược; cũng như khi kết lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là khẩu hiệu kháng chiến thắng lợi muôn năm, nhưng đến Chúc Tết Đinh Hợi-1947: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi là một sự điều chỉnh, chỉ rõ là xuất phát từ tình hình thực dân Pháp muốn đánh nhanh, tốc chiến tốc thắng. Để đối phó và làm thất bại chiến lược của kẻ thù, trị lửa phải dùng nước ta chủ động đánh lâu dài, trường kỳ kháng chiến đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi.

Thời gian đã lùi xa, nhưng lịch sử vẫn còn đó. Toàn Đảng, toàn quân ta long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến - ngày mở đầu cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân đế quốc mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Đọc lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và bài thơ Chúc Tết Đinh Hợi-1947 để ôn cố tri tân, tăng thêm nguồn sức mạnh trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc như Bác kính yêu của chúng ta hằng mong muốn.

Lê Xuân Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]