(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu Trịnh Khắc Phục là khai quốc công thần nhà Lê thì Trịnh Duy Tinh - cháu sáu đời của ông lại là võ tướng có nhiều công tích trong việc đánh đuổi quân Mạc, giành lại đất đai, góp phần vào thành công của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Võ tướng dốc lòng vì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Nếu Trịnh Khắc Phục là khai quốc công thần nhà Lê thì Trịnh Duy Tinh - cháu sáu đời của ông lại là võ tướng có nhiều công tích trong việc đánh đuổi quân Mạc, giành lại đất đai, góp phần vào thành công của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Võ tướng dốc lòng vì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Đền thờ họ Trịnh ở làng Thủy Chú.

Góp công đuổi quân Mạc ra phía Bắc

Vùng đất cổ Thủy Chú (làng Chủa) nay thuộc thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) vốn là địa bàn cư trú của người Mường cổ xưa. Vào thời nhà Trần, có cụ Thậm vốn họ Trịnh, trong một lần qua đất Thủy Chú, thấy cảnh vật tốt tươi, đất đai màu mỡ nên đã dời nhà đến đây, từng bước gây dựng nên cơ nghiệp họ Trịnh trên đất Thủy Chú.

Nhiều năm về sau, người con gái họ Trịnh ở Thủy Chú là bà Trịnh Thị Ngọc Thương đã nên duyên cùng ông Lê Khoáng - người đất Lam Sơn và sinh ra Lê Lợi. Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn thì Trịnh Khắc Phục, người làng Thủy Chú là cháu đàng ngoại của bà Ngọc Thương đã sát cánh cùng Lê Lợi trong suốt những năm tháng “nếm mật nằm gai” để cùng nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nên cơ nghiệp nhà Lê. Bởi có nhiều công trạng với nước, với dân, về sau Trịnh Khắc Phục đã được người dân Thủy Chú tôn làm Thành hoàng làng. Trên đất làng Thủy Chú, trong lịch sử, họ Trịnh là dòng họ lớn, danh giá.

Theo các tài liệu sử và gia phả dòng họ, Trịnh Duy Tinh là cháu sáu đời của Trịnh Khắc Phục. Ông sinh ra ở đất Thủy Chú, sống trong giai đoạn mà sự nghiệp Trung hưng nhà Lê diễn ra mạnh mẽ.

Dưới đời vua Lê Thế Tông, Trịnh Duy Tinh được tuyển vào lính, làm nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Yên Trường trên đất Thanh Hóa. Nhà Mạc sau nhiều lần tấn công vào Yên Trường thất bại vẫn không từ bỏ âm mưu tiêu diệt quân Lê - Trịnh. Năm 1575, tướng Mạc Kính Điển lại đem đại quân đánh vào Thanh Hóa nhằm gây sức ép lên Yên Trường. Tiếp đó, tướng Mạc Ngọc Liễn tiến công vào huyện Lôi Dương (thuộc Thọ Xuân ngày nay) - uy hiếp trực tiếp Yên Trường. Trước tình thế ấy, Tiết chế quân đội nhà Lê là Trịnh Tùng với tài thao lược và cầm quân đã sai Thái phó Hoàng Đình Ái đem quân đánh đuổi họ Mạc ở các huyện. Đồng thời tăng cường lực lượng phòng thủ, bảo vệ Yên Trường. Bốn năm sau đó, quân Nam triều mới đuổi được quân Mạc ra phía Bắc. Sau thắng lợi này, vua Lê Thế Tông đã trọng thưởng cho tướng sĩ, Trịnh Duy Tinh từ một người lính đã được phong giữ chức Quản lĩnh Tân Hưng hầu (được xem là chức quan đứng đầu một đại đội).

Đến năm 1581, họ Mạc lại sai tướng Mạc Đôn Nhượng thống lĩnh đại quân vào đánh các huyện ở Thanh Hóa. Quân Mạc đóng quân ở khu vực núi Đường Ngang (được cho là núi Chẹt, huyện Quảng Xương ngày nay). Bấy giờ, Trịnh Tùng sai lão tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân đội từ Tây Đô (Vĩnh Lộc) tiến xuống đánh họ Mạc. Trong trận này, Trịnh Duy Tinh cũng theo tướng Hoàng Đình Ái, Trịnh Văn Hải tham gia đánh trận. Sau thời gian giao chiến, quân Mạc đại bại, buộc phải thu tàn quân ra phía Bắc.

Tương truyền, sau thắng lợi, trên đường khải hoàn trở về, quân Lê - Trịnh đã qua nghỉ ở làng Vân Đô, huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Minh, TP Thanh Hóa). Tại đây, Trịnh Duy Tinh đã quen và lấy bà Thiều Thị Phiên. Về sau, con cháu ông Trịnh Duy Tinh và bà Thiều Thị Phiên đã cùng nhau phát triển dòng họ Trịnh ở đất làng Vân Đô, tôn ông Trịnh Khắc Phục làm thủy tổ.

Lại nói, sau khi đánh thắng quân Mạc, Trịnh Duy Tinh được phong chức Thiên Uy vệ chỉ huy đồng tri, Phù Hưng hầu, giữ nhiệm vụ bảo vệ kinh đô (lúc này đóng ở Vạn Lại). Không lâu sau, do có nhiều công trạng trong bảo vệ kinh thành, ông được nhà vua tặng thưởng tước Nghiêm Quận công.

Đến chém đầu tướng nhà Mạc

Năm 1592, nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh bại, vua Lê lấy lại được Thăng Long, đánh dấu thắng lợi của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Vương triều nhà Mạc không còn song tàn quân Mạc ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì vẫn chưa dừng việc quấy phá. Năm 1594, tướng Mạc Kính Dụng đem tàn quân đánh chiếm Thái Nguyên, sang năm 1595, Trịnh Duy Tinh được cử làm Tổng binh Thái Nguyên chỉ huy quân sĩ đánh dẹp quân Mạc. Chỉ sau một thời gian ngắn, Trịnh Duy Tinh đã chém đầu được tướng nhà Mạc là Đỗ Điền và nhiều binh lính khác, chiến tích này đã được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại.

Võ tướng dốc lòng vì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Theo phả hệ dòng họ Trịnh, võ tướng Trịnh Duy Tinh là cháu sáu đời của khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục.

Khi chúa Trịnh Tùng qua đời, hai người con trai là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân bất hòa trong việc tranh giành quyền lực. Lợi dụng tình thế này, họ Mạc đóng ở đất Cao Bằng đã nhanh chóng tập hợp tàn quân, mưu đồ chiếm lại Thăng Long. Trước tình thế ấy, Trịnh Tráng đã đem quân vượt sông Hồng để chặn đánh quân Mạc. Còn Nghiêm Quận công Trịnh Duy Tinh làm nhiệm vụ hộ giá vua Lê vào đất Thanh Hóa lánh nạn. Đến khi Trịnh Tráng đánh tan quân Mạc, Trịnh Duy Tinh lại hộ giá nhà vua ra Thăng Long.

“Nhờ bảo vệ việc đưa đón vua Thần Tông an toàn... Trịnh Duy Tinh được phong Phụ quốc Thuần tín dương vũ uy dũng Tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Điện tiền đô hiệu điểm, Lục Quận công, trở thành võ quan nhất phẩm, phụ trách quân điện tiền bảo vệ kinh đô... Trịnh Duy Tinh với những chiến công dẹp Mạc phò Lê đã trở thành một công thần oanh liệt của nhà Lê Trung hưng” (sách “Văn tài võ lược xứ Thanh”).

Cũng theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, Trịnh Duy Tinh có hai người con trai là Trịnh Duy Nhất và Trịnh Duy Túy đều là những võ tướng trung thành với sự nghiệp phò tá triều đình Lê - Trịnh. Do lập được nhiều công trạng, võ tướng Trịnh Duy Nhất đã được phong chức Tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Kim Ngô vệ đô chỉ huy sứ, Cẩm Viên hầu - tức làm tướng chỉ huy vệ quân bảo vệ hoàng cung. Còn người em trai Trịnh Duy Túy về sau cũng giữ chức Tán trị công thần, Cẩm Y vệ đô chỉ huy sứ, Mậu Đông hầu. Trịnh Duy Tinh và các con trai của ông đều là những võ tướng tài ba, có nhiều công lớn giúp nhà Lê trong công cuộc đánh dẹp nhà Mạc, khôi phục và bảo vệ ngai vàng cùng đất đai của nhà Lê.

Sau những năm tháng dốc sức tận hiến cho triều đình nhà Lê, đến lúc qua đời, Trịnh Duy Tinh được đưa về an táng trên quê vợ ở làng Vân Đô. Con cháu họ Trịnh cùng người dân đã chung tay lập dựng đền thờ ông. Đồng thời, thờ thủy tổ dòng họ Trịnh là Trịnh Khắc Phục. Các triều đại về sau sắc phong Trịnh Khắc Phục làm Thượng đẳng phúc thần đại vương và Trịnh Duy Tinh làm Trung đẳng phúc thần đại vương.

Ông Trịnh Duy Lâm, hậu duệ dòng họ Trịnh ở đất Thủy Chú, thị trấn Sao Vàng, chia sẻ: “Dòng họ Trịnh ở Thủy Chú rồi Vân Đô, từ cụ Trịnh Thậm, đến khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục, rồi Thái bảo Bình Lạc hầu Trịnh Duy Hiếu, Nghiêm Quận công Trịnh Duy Tinh... đều là những nhân vật lịch sử nổi tiếng, võ tướng uy danh, có nhiều đóng góp quan trọng cho các vương triều trong lịch sử dân tộc. Tên tuổi của các bậc tiền nhân chẳng những được sử sách lưu danh, mà người đời vẫn luôn nhắc nhớ. Đi qua thời gian, lần giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, lòng thêm kính ngưỡng, tự hào trước tài năng, công đức của các bậc tiền nhân”.

* Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách “Văn tài võ lược xứ Thanh”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]