(vhds.baothanhhoa.vn) - Người Việt lười đọc sách - đó vẫn là thực tế khiến nhiều người trăn trở. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, câu chuyện văn hóa đọc, nhìn từ thư viện, nhà sách lại cũng khiến người ta có suy nghĩ tích cực hơn, về việc khơi dậy nhu cầu, sở thích và hình thành thói quen văn hóa đọc trong bạn trẻ.

Văn hóa đọc trong bạn trẻ: Nhìn từ thư viện, nhà sách

Người Việt lười đọc sách - đó vẫn là thực tế khiến nhiều người trăn trở. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, câu chuyện văn hóa đọc, nhìn từ thư viện, nhà sách lại cũng khiến người ta có suy nghĩ tích cực hơn, về việc khơi dậy nhu cầu, sở thích và hình thành thói quen văn hóa đọc trong bạn trẻ.

Văn hóa đọc trong bạn trẻ: Nhìn từ thư viện, nhà sáchBạn trẻ đến Thư viện tỉnh để đọc sách, tra cứu tài liệu và học tập.

Trong những ngày hè nóng bức, nếu có dịp ghé Thư viện tỉnh, bạn sẽ không khỏi bất ngờ. Cậu bé Nguyễn Hoàng Anh - học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nếu hôm nào không có lịch học thêm, cháu lại được bố mẹ đưa đến đây. Đến thư viện, cháu được đọc rất nhiều sách, có không gian đọc sách thoải mái, có nhiều bạn và được tham gia các trò chơi đố vui cùng sách thú vị. Cháu rất thích”. Cậu bé cũng không quên khoe “Ở nhà cháu cũng có nhiều sách, là sách được bố mẹ mua cho mỗi lần đi chơi nhà sách”. Và dù mới là học sinh lớp 5 nhưng Nguyễn Hoàng Anh đã có “thâm niên” làm thẻ bạn đọc tại thư viện 4 năm rồi.

Theo chân Nguyễn Hoàng Anh đến phòng đọc thiếu nhi (Thư viện tỉnh). Ở đây có cả trăm bạn đọc nhỏ tuổi đang cùng nhau đọc sách. Điều đáng nói, không chỉ có bạn đọc nhí, nhiều phụ huynh khi đưa con đến thư viện cũng tranh thủ… đọc. Chị Nguyễn Phương (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) cho biết: “Mấy tháng trước tôi thấy con về bảo, các bạn trong lớp đều có thẻ bạn đọc tại thư viện, con cũng muốn làm thẻ. Thú thật, đó cũng là lần đầu tiên tôi cùng con đến thư viện. Trước đây cứ nghĩ, thư viện chỉ dành cho người già rảnh rỗi. Ai ngờ đến đây mới thấy mình đã nhầm. Vậy là nhân tiện làm thẻ thư viện cho con, tôi làm luôn cho cả mình. Ở nhà “hở ra” là lướt điện thoại nhưng khi đến đây, thấy các con đọc sách say mê, tôi cũng ham lắm".

Văn hóa đọc trong bạn trẻ: Nhìn từ thư viện, nhà sáchNhiều bạn trẻ dành thời gian đến nhà sách để tìm mua những cuốn sách yêu thích.

Rời phòng đọc sách thiếu nhi, lên phòng Địa chí (Thư viện tỉnh) - phòng đọc những tưởng vốn “kén bạn đọc”, tôi tiếp tục... bất ngờ khi gặp ở đây cũng không ít bạn đọc trẻ. Em Hoàng Cẩm Nga (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) cho biết: “Em thích đọc các sách về văn học, thiên văn và lịch sử. Có nhiều đầu sách không có ở nhà sách, chỉ có ở thư viện. Không chỉ đến thư viện đọc sách, em còn cùng các bạn đến đây để ôn bài, tra cứu tài liệu… thực sự rất thú vị”.

Nếu thường xuyên đến Thư viện tỉnh, bạn sẽ thấy, thực tế sôi động của không khí đọc sách tại đây. Những hình ảnh đó khiến chúng ta sẽ lạc quan hơn, bởi có không ít người vẫn đang quan tâm, chăm chỉ đọc sách mỗi ngày. Với họ, đọc sách đã trở thành một nhu cầu tự thân. Bà Thiều Thị Nghĩa - Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc (Thư viện tỉnh) nhìn nhận: “Có không ít gia đình, từ ông bà, bố mẹ, đến các con, cháu nhiều năm là bạn đọc thân thiết của thư viện. Trong những gia đình mà người lớn quan tâm đến việc đọc sách thì con cái cũng sẽ được tạo lập thói quen đọc từ rất sớm. Một tín hiệu vui là, tỉ lệ người dân đăng ký làm thẻ bạn đọc tại thư viện tăng qua mỗi năm, điều này chứng tỏ, hiện nay đã có nhiều người quan tâm, chú trọng đến văn hóa đọc hơn”.

Không chỉ ở thư viện, ghé các nhà sách, bạn cũng sẽ không khó bắt gặp những bạn trẻ say mê bên những... tựa sách. Đó có thể là cậu bé tranh thủ lướt nhanh những trang còn thơm mùi giấy của cuốn truyện tranh mới xuất bản; hay bạn nữ không rời mắt bên những tác phẩm văn học nổi tiếng; cũng có thể là cả gia đình cùng đưa nhau đi mua sách vào một ngày cuối tuần… Tất cả khiến người ta thấy, cuộc sống ngoài kia có bận rộn nhường nào, hay những thiết bị điện tử, mạng xã hội có “lên ngôi” ra sao, vẫn có một bộ phận những người yêu mến sách - dành thời gian, tiền bạc cho văn hóa đọc.

Có mặt ở nhà sách Tiền Phong (TP Thanh Hóa) vào ngày cuối tuần, tôi gặp Mai Phương (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) đang say sưa lựa chọn sách, em cho biết: “Tháng nào em cũng đi nhà sách để chọn mua một vài cuốn sách yêu thích. Tiền bố mẹ cho tiêu vặt em dành để mua sách, ngoài ra còn cả tiền mừng tuổi nữa. Ngày nhỏ em thích đọc truyện tranh, lớn hơn thì thích các sách về văn học, lịch sử thế giới và trong nước…”. Cũng theo Mai Phương: “Ngày nhỏ em thường được bố mẹ đọc sách cho nghe trước khi đi ngủ, lớn lên chút nữa thì được bố mẹ mua các cuốn sách (truyện) mỏng, nhiều hình ảnh để tự đọc. Bây giờ lớn hơn, em tự đi nhà sách, tự mua sách cho mình”.

Nhìn từ thư viện, nhà sách, người ta thấy, có một bộ phận không nhỏ những người trẻ vẫn có thói quen và cả tình yêu, dành cho văn hóa đọc. Không phải họ rảnh rỗi, cũng không phải họ không biết đến facebook, tiktok… Là giữa rất nhiều thú vui giải trí khác, người ta vẫn lựa chọn sách. Và đọc sách, hơn cả thú vui giải trí, đã trở thành thói quen, nhu cầu tự thân.

Văn hóa đọc trong bạn trẻ: Nhìn từ thư viện, nhà sáchNhiều bạn trẻ dành thời gian đến nhà sách để tìm mua những cuốn sách yêu thích.

Vấn đề là, làm thế nào để có thể tạo lập thói quen đọc sách, từ đó khơi dậy nhu cầu đọc sách trong mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi tin rằng, không nhiều người sinh ra đã thích đọc sách, cũng không phải ai sinh ra đã thích ti vi. Hãy thử tưởng tượng, một đứa trẻ, từ khi còn chưa biết con chữ, nếu như mọi thú vui giải trí đều gắn liền với chiếc ti vi, điện thoại. Khi lớn lên, đứa trẻ đó ngoài thời gian dành cho việc học, lại “tranh thủ” lúc rảnh rỗi chỉ để làm bạn với các thiết bị điện tử, đứa trẻ đó lớn lên, liệu có thể yêu thích việc đọc? Điều này lý giải vì sao, nhiều trẻ em ở khu vực miền núi, vùng khó khăn, không có nhiều sự lựa chọn giải trí thì lại dành nhiều hơn thời gian cho việc đọc sách.

Mỗi ngày, mỗi người đều hữu hạn trong khoảng thời gian 24 tiếng. Khi chúng ta dành nhiều thời gian cho những thú vui giải trí khác, lẽ dĩ nhiên sẽ không còn thời gian cho việc đọc. Xa lạ với văn hóa đọc, cũng bởi từ việc không được hình thành thói quen đọc. Và tôi tin rằng, những bạn trẻ mà mình tình cờ gặp đang say mê đọc sách tại thư viện, nhà sách - họ đã có nhiều thời gian dành cho việc tạo lập thói quen đọc.

Và tôi lại nhớ đến cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ - người lúc sinh thời vẫn được ví như “kho tri thức sống”, khi mà các kiến thức về văn học, văn hóa, văn nghệ dân gian, lịch sử, khảo cổ, dân tộc học… ông đều am hiểu. Đặc biệt hơn khi biết rằng, mọi tri thức ông có được, phần lớn đều đến từ việc chăm chỉ đọc sách mỗi ngày.

Làm thế nào để khơi dậy nhu cầu, hình thành thói quen đọc sách của mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ? Đó là câu hỏi mà nếu chỉ “đổ lỗi” cho người trẻ “thờ ơ, quay lưng” với văn hóa đọc thì có lẽ sẽ không thực sự “công bằng”. Bởi hơn ai hết, hãy cho họ có nhiều hơn những “cơ hội” được hình thành thói quen. Và hơn ai hết, cha mẹ vẫn sẽ là những người định hướng, dẫn đường đến với “văn hóa đọc” tốt nhất cho con của mình. Nếu có thể, hãy dành nhiều thời gian hơn, đưa con trẻ đến thư viện, nhà sách. Chắc chắn, chúng ta sẽ gặp nhiều điều thú vị mà mình chưa biết, ở đó.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]