(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, (Khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2000 - 2020 đã có sức lan tỏa rộng lớn, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

20 năm khởi sắc từ một phong trào

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, (Khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2000 - 2020 đã có sức lan tỏa rộng lớn, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngay sau khi thành lập, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, phụ trách 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đồng thời tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo kịp thời, đầy đủ.

Từ thực hiện hiệu quả 5 nội dung

Sau 20 năm, khẳng định, từ phong trào đoàn kết xóa đói, giảm nghèo đến thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật hay xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao..., đã có những bước chuyển rõ nét. Thực tế, qua thực hiện phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ các xã khó khăn được phân công đỡ đầu; phối hợp có hiệu quả với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động thiết thực, hiệu quả, đó là tự nguyện hiến đất để làm đường, đóng góp tiền của, sức lao động trong xây dựng nông thôn mới hay hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Những việc làm hiệu quả, thiết thực đã góp phần giảm hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 32.230 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,27% (tính đến cuối năm 2019).

BCĐ Phong trào các cấp đã quan tâm chỉ đạo, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã với mức 4,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển; 4 tỷ đồng/công trình đối với các xã miền núi, ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135; 3,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã còn lại. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao như huyện Nga Sơn, Hà Trung, Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, thành phố Sầm Sơn... với mức hỗ trợ, đầu tư từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi nhà văn hóa - khu Thể thao thôn.

Sau 20 năm thực hiện phong trào, đến nay trên địa bàn tỉnh có 8 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh phục vụ cộng đồng; 27/27 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện. Tính đến tháng 8/2020, Thanh Hóa có 545/559 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 97,5% và 4.187/4.357 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 96,1%; trong đó có 3.372/4.357 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 77,4%.

Đến chuyển biến tích cực trong thực hiện 7 phong trào

Qua 20 năm thực hiện, phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH, được triển khai sâu rộng tới từng làng, thôn, bản, tổ dân và được mọi người, mọi nhà tích cực tham gia hưởng ứng. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định; tỷ lệ gia đình văn hóa không ngừng được tăng lên.

Từ mô hình làng Văn hóa Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống), phong trào xây dựng làng văn hóa đã nhanh chóng phát triển, nhân rộng ra nhiều các địa phương khác trong tỉnh và đã trở thành phong trào quần chúng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, được đông đảo nhân dân đồng thuận, hưởng ứng. Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ, năm 2019 có 3.133/4.357 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 71,9%. Năm 2020,có 3.704/4.357 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xét công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 85%.

Với 5 nội dung toàn diện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc chủ trì đã trở thành một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 340/481 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,7%; 29/78 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 37,2%. Và tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 2.228/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện; 754/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh.

Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được quan tâm, phát triển sâu rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 42,6% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 29,8% hộ gia đình thể thao; 3.370 CLB thể dục thể thao; 555 sân bóng đá (60m x 90m), 149 nhà tập luyện, 213 bể bơi, 4.289 sân bóng chuyền, 4.644 sân cầu lông, 2.381 bàn bóng bàn, 132 sân quần vợt, 125 sân bóng rổ, 4.046 sân chơi, bãi tập... thu hút đông đảo mọi người dân tham gia, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe cho nhân dân.

Trong 20 năm qua, phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến là công tác trọng tâm của phong trào thi đua, mang đậm tính nhân văn và xã hội sâu sắc. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, được các cấp có thẩm quyền khen thưởng. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh có 4 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới; 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động... Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước trao tặng. Giai đoạn 2016 đến 2020, tỉnh Thanh Hóa có 3 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng; 228 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng...

Qua 20 năm triển khai Chương trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, một cuộc hành trình dài mà ở đó với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tình làng, nghĩa xóm được củng cố; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Thiện Nhân


Thiện Nhân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]