(vhds.baothanhhoa.vn) - Đây là “sân chơi” bổ ích cho nhiều họa sĩ trẻ, là nơi họ dần thể nghiệm các hình thức sáng tạo nghệ thuật đương đại mới mẻ và qua đó ngày càng khẳng định được mình trong đời sống mỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và toàn quốc nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

36 con đường màu sắc

Đây là “sân chơi” bổ ích cho nhiều họa sĩ trẻ, là nơi họ dần thể nghiệm các hình thức sáng tạo nghệ thuật đương đại mới mẻ và qua đó ngày càng khẳng định được mình trong đời sống mỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và toàn quốc nói chung.

Chắc hẳn nhiều người e dè, sau 5 năm liệu cũng những gương mặt ấy, con người ấy, cá tính ấy, sức sáng tạo ấy, triển lãm của các thành viên CLB Họa sĩ trẻ Lam Sơn “Những con đường của cuộc sống” có cũ kỹ không? Thực tế thì những nghi hoặc ấy cũng là bình thường thôi. Bởi chẳng có một nhân tố nào được coi là nổi trội là cái “đinh” dài và nhọn hoắt cho cả một triển lãm. Nhưng 66 bức tranh của 36 tác giả lại khiến người thưởng tranh bất ngờ. Đó là 36 con người với hơn 36 niềm suy tư về cuộc sống tự nhiên, về những điều đổi thay của đất nước.

Đông đảo người yêu nghệ thuật tham quan triển lãm “Những con đường của cuộc sống” của CLB Họa sỹ trẻ Lam Sơn. (Ảnh: Hoàng Việt Anh)

Có thể khẳng định, ít có câu lạc bộ nào có sự đoàn kết giữa những người nhiềukinh nghiệm và người chưa có kinh nghiệm, giữa những người được gọi là hội viên Trung ương với những người “tầm” địa phương. Bởi có sự gắn kết mà chất lượng tranh ở triển lãm không còn là thử nghiệm. Một số tác giả khẳng định phong cách, ngôn ngữ của mình. Sau lứa tác giả đã có tuổi như Lê Xuân Quảng, Đỗ Chung, Lê Cậy, Thanh Sơn... vẫn giữ lửa sáng tác và rất cháy. Tiếp đến, những lứa họa sĩ như Nguyễn Hoàng Linh, Phạm Thắng, Lê Thị Thanh, Lê Hải Anh đang rất sung mãn thì tại triển lãm này xuất hiện thêm một lứa họa sĩ rất trẻ. Các họa sĩ trẻ như Thùy Dung, Ngọc Hiếu, Nguyễn Khắc Cường, Vi Văn Độ... đã có những tìm tòi mới trong chất liệu và phong cách tạo hình. Các thử nghiệm của họ táo bạo và có sự tính toán mang hơi thở đương đại. Cách đặt vấn đề với tác phẩm cũng phản ánh những khát vọng mới về đời, về con người và đất nước.

Lần triển lãm này, người xem tranh đã không còn bắt gặp sự trùng lặp trong những đề tài quen thuộc, những đề tài các họa sĩ trẻ quan tâm không thuần nhất là vẻ đẹp quê hương đất nước; họ đã đi sâu hơn vào những vấn đề xã hội, cuộc sống hàng ngày với những đổi thay và sự va đập khiến con người mang vác “Tâm bệnh”. Xét trên mặt bằng chung thì triển lãm “Những con đường của cuộc sống” lần 5, về chất lượng hơn những năm trước đồng thời hội tụ được những người trẻ, trong đó lứa 8X, 9X chiếm khá nhiều. Đặc biệt số họa sĩ trẻ (chưa phải là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã có những nỗ lực sáng tạo đáng ghi nhận trong địa hạt nghệ thuật này. Ngẫm về con đường hôm nay, người nghệ sĩ đôi khi muốn giải thoát mình khỏi thực tại, đến một bến bờ nào đó như qua giấc mộng du. Ước muốn về cuộc sống, về tình yêu người, yêu đời, yêu những điều giản dị nơi thôn quê, hay một góc phố quen. 36 tác giả, 36 phong cách và bút pháp, một chút lãng du của Hoàng Ngọc Dũng hay chân quê mộc mạc qua nét khắc của Lê Hải Anh, sang chảnh như Nguyễn Thế Dung, và hiền lành như tranh lụa của Nguyễn Thị Ngọc...

Triển lãm ngoài 31 gương mặt họa sĩ, nhà điêu khắc đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa còn có sự tham gia của 5 họa sĩ người gốc Thanh Hóa đang sinh sống ở Hà Nội như: Nguyễn Thế Dung, Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Trung Kiên, Tô Ngọc Trang, Phạm Văn Nghĩa. Họ là những người làm nghề chuyên nghiệp, là những người gắn bó với mảnh đất xứ Thanh, và hơn hết có ngôn ngữ hội họa riêng.

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế dẫu rằng có những tác giả dù kỹ thuật tốt nhưng tạo hình còn bị lệ thuộc vào những khuôn thước, thậm chí cũ kỹ, và không chút sáng tạo. Có vẻ như ban tổ chức khá ưu ái các họa sĩ mới khi dành cho họ nhiều không gian cũng như vị trí trưng bày.

Ngoài ra, địa điểm tổ chức hoành tráng, trong khi số lượng cũng như kích cỡ tranh không lớn, khiến cuộc triển lãm như được khoác cái áo hơi... bị to. Và không ít người lo âu khi triển làm kéo hơn 10 ngày, lại có vẻ khá xa khu trung tâm, liệu có đủ sức níu kéo mọi người đến xem tranh. Đồng hành với suy nghĩ ấy là mong ước có một khu nhà triển lãm ngay trong trung tâm. Còn với tôi, tôi chỉ nghĩ nếu bản thân các nghệ sĩ, sau ngày khai mạc, họ vẫn có mặt ở triển lãm, chắc chắn sẽ không ít người đến chia vui và thưởng tranh.

Song, vẫn cần phải khẳng định, đến với triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ Lam Sơn lần thứ 5 này, người xem như được nhìn ngắm những con đường, những hướng đi mới thật ấm áp và tiềm tàng sức sống. Đây cũng là “sân chơi” bổ ích cho nhiều họa sĩ trẻ, là nơi họ dần thể nghiệm các hình thức sáng tạo nghệ thuật đương đại mới mẻ và qua đó ngày càng khẳng định được mình trong đời sống mỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và toàn quốc nói chung.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]