(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến với những bản làng xa xôi nhất, âm thầm mang niềm vui cho đồng bào vùng khó, đôi chân những cán bộ làm công tác chiếu phim vùng cao của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa không ngưng nghỉ như chẳng biết mệt mỏi. Bởi một chữ nghề và cái nghiệp đã vận vào bản thân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Âm thầm mang niềm vui về bản

Đến với những bản làng xa xôi nhất, âm thầm mang niềm vui cho đồng bào vùng khó, đôi chân những cán bộ làm công tác chiếu phim vùng cao của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa không ngưng nghỉ như chẳng biết mệt mỏi. Bởi một chữ nghề và cái nghiệp đã vận vào bản thân.

Xa dần ánh đèn... phố thị

Nhắc đến Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa nhiều người hẳn vẫn chưa quên được giai đoạn vàng son những năm thập niên 80 và đầu 90 của thế kỷ trước. Là bởi, khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, những loại hình giải trí hiện đại là điều gì đó vô cùng xa xỉ, thì mỗi năm chỉ đôi, ba lần chiếu bóng được ví như món ăn tinh thần “đổi gió”. Hình ảnh sân bãi của các xã, thị trấn kín người chờ đợi khi “gà còn chưa lên chuồng”, tiếng nói cười xen lẫn trước khi ánh đèn máy chiếu bật sáng, để rồi sau đó chỉ còn vang vọng trong không gian âm thanh của những thước phim. Dù là phim điện ảnh, tài liệu... thì với những người dân cũng vô cùng đáng quý.

Đất nước đổi mới phát triển, mỗi nhà đều tự sắm được cho mình vô tuyến, đầu đĩa, âm thanh... cũng là lúc thưa dần những buổi chiếu phim lưu động. Ở đồng bằng, đô thị đã có những rạp chiếu phim đầu tư tiền tỷ vô cùng hiện đại cùng thiết bị công nghệ nghe nhìn tân tiến. Nhưng Thanh Hóa với 11 huyện miền núi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những khó khăn, thiếu thốn vẫn còn hiện hữu. Và ở những nơi này, “lửa nghề” của người làm công tác chiếu phim lưu động vẫn cháy!

Mang niềm vui về nơi bản làng

Năm 2003, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa chính thức được đổi tên. Cùng với đó là những thay đổi cần thiết, phù hợp trong điều kiện phát triển thực tế của xã hội. Trong đó, 6/7 đội chiếu phim lưu động thường xuyên hoạt động phục vụ đồng bào ở 11 huyện miền núi. Và nếu không thực sự yêu nghề, có lẽ họ chẳng thể vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề đến ngày hôm nay.

Ông Phạm Văn Đồng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa, cho biết: 6 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm hoạt động ở 11 huyện miền núi của tỉnh. Trong năm, trung bình mỗi đội sẽ tổ chức chiếu từ 190 - 195 buổi chiếu phục vụ đồng bào. Tùy vào chủ đề của mỗi tháng phim, ngày lễ, kỷ niệm sẽ chiếu những phim tuyên truyền tương ứng. Bên cạnh một số phim giải trí, chủ đề của các phim chiếu tập trung vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền để người dân đề cao tinh thần cảnh giác, chống để đối tượng xấu lợi dụng, kích động; các mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết quân dân... Mỗi tháng, anh em ở các đội chiếu phim lưu động tập trung tại Trung tâm vào ngày mùng 5 để tổng kết hoạt động, nắm bắt kế hoạch, triển khai nhiệm vụ trong tháng mới.

Đội chiếu phim lưu động số 7 đang chuẩn bị chiếu phim phục vụ đồng bào vùng cao Bá Thước.

Là một trong những gương mặt điển hình của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa, Đội trưởng Đội Chiếu phim lưu động số 7 (Bá Thước), anh Thiều Quang Hùng cho biết: “Gần 25 năm làm công tác chiếu phim thì có 15 năm gắn bó với các bản làng của huyện Bá Thước. Mỗi tháng, mỗi đội sẽ tổ chức chiếu khoảng 16 buổi. Tuy nhiên tùy vào điều kiện đường sá đi lại, thời tiết nên việc “cõng phim lên bản” phải mất khoảng hơn 20 ngày trên miền núi. Và còn khoảng 1 tuần cho việc di chuyển về cơ quan và thăm gia đình. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bù lại bà con lại thương quý vô cùng. Cứ nhìn hình ảnh những đứa trẻ vùng cao háo hức ra đón đội mỗi lần lên bản là mọi khó khăn, mệt mỏi như lắng xuống”.

Cũng theo anh Hùng, nếu trước đây mục tiêu là lấy xã làm điểm chiếu thì bây giờ công tác chiếu phim phục vụ đồng bào đã chuyển sang “lấy bản làm điểm chiếu”.

Phải rất khó khăn tôi mới có một buổi gặp gỡ anh Vũ Đình Bộ - Đội trưởng Đội Chiếu phim lưu động số 6 phụ trách địa bàn Mường Lát và một nửa huyện Quan Hóa. Trong câu chuyện của mình, anh Bộ không nói nhiều về những khó khăn, thiệt thòi của bản thân khi công tác ở khu vực cách trung tâm tỉnh đến hơn 200km. Bởi theo anh, đã chọn nghề có nghĩa là đã chấp nhận tất cả.

Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa thì có đến 15 năm anh gắn bó với Đội chiếu phim số 6. Cũng chừng ấy năm anh sống và tiếp xúc với đồng bào ở huyện giáp biên Mường Lát và huyện Quan Hóa. Bởi vậy, anh thấu hiểu và đồng cảm được phần nào những khó khăn, thiếu thốn với người dân nơi đây.

Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi hoài nghi về số lượng khán giả đến xem các buổi chiếu phim lưu động, anh cho biết: “Nhiều bản Mường Lát, nhiều bản người dân vẫn chưa từng biết tới ánh sáng điện lưới. Với cuộc sống còn thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần như vậy thì những buổi chiếu phim lưu động ngay tại các bản, làng liệu có được người dân đón nhận?”.

Như để minh chứng cho câu chuyện về thực tế đời sống người dân ở các bản nghèo xa xôi, anh Bộ tiếp lời: “Với anh em mình chiếc “bô” vẫn thường dùng để đựng rác và nước thải phải không? Nhưng trong một lần đưa phim lên bản chiếu, anh đã được chủ nhà thịnh tình đón tiếp bằng món thịt gà rang múc vào “bô” đấy. Đó là chiếc “bô” mà chủ nhà đã mua khi xuống chợ phiên và nó được dùng để đựng những thứ sạch sẽ khi nhà có khách. Nói như vậy để ta hiểu hơn về sự hạn chế trong nhận thức, tập quán của đồng bào. Tuy nhiên, đừng vì thế mà xa lánh hay kỳ thị họ. Vì suy cho cùng, đồng bào ở đây còn khổ, thiếu thốn và nghèo quá! Họ cần mình giúp đỡ, tuyên truyền để họ hiểu và thay đổi”.

Nghe câu chuyện của anh, tôi chợt hiểu vì sao 15 năm qua, anh và đồng nghiệp cứ miệt mài đi lại giữa hai chiều TP Thanh Hóa - Mường Lát, bất chấp nắng mưa, hay những cung đường hiểm trở. Ở nơi đó, những cán bộ làm công tác chiếu phim tuyên truyền như anh vẫn thấy được giá trị của mình được trân quý. Nhưng sẽ có những hi sinh, thiếu thốn trong đời sống tình cảm gia đình mà anh và “hậu phương” đều phải chấp nhận; rồi những hạn hẹp về chế độ lương của người cán bộ làm công tác văn hóa nói chung. Đổi lại là những tình cảm thương yêu, chờ đón của đồng bào vùng cao. Tôi chợt tự hỏi mình, phải chăng chính những điều đó đã khiến những cán bộ làm công tác chiếu phim tuyên truyền như anh dám hi sinh, đánh đổi và “cam chịu” cuộc sống khó khăn, không còn “hợp thời” khi lên những vùng biên xa xôi.

Và không chỉ anh Hùng hay anh Bộ... mà gần 20 cán bộ làm công tác chiếu phim lưu động ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa vẫn đang làm việc mà hiểu theo nghĩa nào đó còn là sự hi sinh. Có thể, đến một lúc nào đó, khi đời sống đồng bào vùng cao được nâng lên thì những đội chiếu phim lưu độngsẽ phải thay đổi để phù hợp, giống như miền xuôi 2 thập kỷ trước vậy. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dù không mang lại của cải vật chất song những chuyến đi của những cán bộ chiếu phim tuyên truyền, đã ít nhiều mang đến niềm vui tinh thần, thắp lên hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn... cho đồng bào miền núi, vùng cao.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]