(vhds.baothanhhoa.vn) - Kể từ ngày thành lập Bảo tàng Thanh Hóa (1983) đến nay đã 35 năm, một khối lượng di sản đồ sộ được trưng bày và lưu giữ trong bảo tàng, được sưu tầm từ các vùng miền trong tỉnh, minh chứng cho niềm tự hào của quê hương đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ba mươi lăm năm ấy, Bảo tàng Xứ Thanh

Kể từ ngày thành lập Bảo tàng Thanh Hóa (1983) đến nay đã 35 năm, một khối lượng di sản đồ sộ được trưng bày và lưu giữ trong bảo tàng, được sưu tầm từ các vùng miền trong tỉnh, minh chứng cho niềm tự hào của quê hương đất nước.

Để đáp ứng quảng bá tuyên truyền cách mạng trong tình hình mới cho nhân dân trong tỉnh, cũng như du khách trong nước và quốc tế thông qua hệ thống di sản văn hóa, ngày 10/12/1983, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 1291 thành lập Bảo tàng tổng hợp trực thuộc Ty Văn hóa Thông tin. Tổ chức bộ máy lúc ban đầu có phòng quản lý di tích, phòng trưng bày truyền thống, phòng kho bảo quản và phòng tổ chức hành chính, dưới sự điều hành chỉ đạo của Sở chủ quản. Đến nay Bảo tàng Thanh Hóa đã lưu giữ và trưng bày 32.000 tài liệu, hiện vật trong đó có 3 bảo vật quốc gia. Có thể nói nơi đây là một kho lưu giữ hiện vật quý hiếm, phong phú đa dạng, phản ảnh đầy đủ mối quan hệ di sản thiên nhiên, xã hội của cả nước mà Thanh Hóa là điểm giao thoa kết nối.

Từ khi hình thành phòng bảo tồn, bảo tàng cho đến ngày thành lập Bảo tàng tổng hợp tỉnh, đơn vị đã tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ như trưng bày, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người xứ Thanh từ thời tiền sử cho đến thời kỳ phong kiến, nhất là giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH của dân tộc và của Thanh Hóa thu hút nhiều du khách đến xem, nghiên cứu, trải nghiệm và thêm tự hào về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng.

Để phù hợp với thời kỳ hội nhập, nhiều năm qua bảo tàng đã đầu tư chỉnh lý, nâng cấp kể cả về ánh sáng bục bệ, kệ giá, tư liệu, hiện vật trên cơ sở phân chia các giai đoạn sự kiện lịch sử như 1945 - 1975, thời kỳ 1975 - 1986, 1986 - nay,... Việc tỉnh đầu tư dự án kinh phí nâng cấp bảo tàng là nguồn động viên lớn đối với sự nghiệp bảo tàng Thanh Hóa. Những cung đoạn cải tạo phòng trưng bày, mua hiện vật, tài liệu, phương tiện thuyết minh, nghe nhìn hằng năm... đã làm cho cán bộ nhân viên đơn vị phấn chấn hơn, chất lượng công tác cũng được nâng lên nhiều. Song song với hoạt động nghiệp vụ, nhiều cán bộ đã rút đúc được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình tác nghiệp đồng thời cũng tại đây một số cán bộ được cơ quan cử đi học các chương trình trên đại học ngoại ngữ, thuyết minh.

Các thế hệ CBVC-LĐ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa gặp mặt, ôn lại truyền thống nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị. (Ảnh: Lê Hồng Sử)

Nhìn lại 35 năm qua, từ khi thành lập, bảo tàng tỉnh, sự nghiệp chuyên ngành đã phát triển mạnh cả về quy mô đến chất lượng, nghiên cứu, trưng bày, quảng bá tuyên truyền các giá trị di sản trong bảo tàng. Hằng trăm cuộc trưng bầy tại chỗ, triển lãm, phối hợp lưu động đã đem lại hiệu quả cao, góp phần động viên quần chúng nhân dân trong tỉnh yêu quê hương đất nước, hăng say lao động, học tập, sản xuất. Công tác đối nội, đối ngoại của bảo tàng, người ta thường ví là nơi kết nối giữa người xem với người được đón nhận khách đến xem mà nhất là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, tầng lớp nhân dân đã trở thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa thông qua di sản phong phú, hấp dẫn tại bảo tàng.

Quá trình đổi mới nghiệp vụ bảo tàng mà những mốc thời gian về mặt tổ chức bộ máy của đơn vị hầu như cơ bản giữ nguyên, nhưng hoạt động cũng rất hiệu quả. Do yêu cầu quản lý sâu về chuyên môn, năm 2003, phòng quản lý di tích tách ra thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa, một thiết chế mới phù hợp với tình hình hội nhập và phát triển du lịch. Như vậy, cơ bản bảo tàng Thanh Hóa không có gì xáo trộn mà tập trung chuyên môn sâu hơn về nghiệp vụ để phục vụ cho công tác sưu tầm, kho lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày, quảng bá, tuyên truyền giá trị di sản bằng những tư liệu và hiện vật. Đến nay về mặt tổ chức, bộ máy đơn vị giao động khoảng 30 cán bộ viên chức còn ở lại công tác, hay nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác đều là những người có trình độ đại học, trung học, thạc sĩ, tiến sĩ, có người đã có hàng chục đầu sách viết về khoa học lịch sử, địa chí cấp tỉnh, cấp huyện, xã, phường.

Nhiều cuộc trưng bày đã gây tiếng vang như văn hóa Đông Sơn, Hàm Rồng chiến thắng, Thanh Hóa trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa thực hiện lời Bác Hồ dạy và nhiều cuộc trưng bày vật báu xứ Thanh tại Trung tâm Triển lãm tỉnh,...

Nhìn lại chặng đường hoạt động 35 năm qua, có lúc thăng lúc trầm nhưng những người lãnh đạo của bảo tàng vẫn chung sức chung lòng cùng anh em trong cơ quan xây dựng đơn vị đoàn kết để phát triển, trong đó có các anh chị Trịnh Ngữ, Lê Văn Huyên, Lê Thành Hiểu, Hoàng Thị Chiến, Trịnh Đình Dương, Phạm Tấn, Lê Thị Vinh, Lê Ngọc Tạo, Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hồ Tuấn Minh. Nhiều cán bộ trưởng phó phòng ban, nhân viên hiện ở lại công tác hay đã chuyển công tác và có người đã trưởng thành là cán bộ lãnh đạo, chủ tịch hội, tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học đã đóng góp tích cực cho quê hương.

Thực chất của công tác bảo tàng suy đến cùng là bảo quản lưu giữ, nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị di sản phục vụ đời sống xã hội. Vì vậy du lịch và bảo tàng gần như đồng hành trên một con đường là nhằm thỏa mãn nhu cầu về văn hóa vật thể và phi vật thể cho nhân dân, là sự kết nối con người với xã hội. Vì vậy không cách nào khác, bảo tàng cần phải đổi mới toàn diện cả về nhận thức trên một tư duy mới giữa năng lực nghệ thuật trưng bày hiện vật với quảng bá tuyên truyền di sản:

Thứ nhất, đổi mới về tư duy logic giữa sưu tầm nghiên cứu khoa học với nghệ thuật trưng bày, quảng bá, thuyết minh tuyên truyền là một vấn đề tiên quyết để tiếp cận hội nhập.

Bảo tàng Thanh Hóa tuy thành lập cách đây 35 năm rồi nhưng nhìn chung còn phải đổi mới nhiều kể cả cách thức trưng bày và thuyết minh, tuyên truyền.

Về sưu tầm và kho bảo quản, phân loại còn bất cập, tuy tại Bảo tàng Thanh Hóa có hàng ngàn hiện vật quý hiếm nhưng việc kiểm kê, phân loại một cách chính xác, khoa học thì còn có những ý kiến khác nhau cần được quan tâm đúng mức.

Ở Thanh Hóa, hiện tại trong lòng đất, ở nhà dân vẫn còn những hiện vật quý hiếm, rất cần cho công tác trưng bày chuyên đề có tính hấp dẫn cao song bảo tàng phải chủ động có kế hoạch, quy hoạch để sưu tầm nhất là vùng miền, địa phương phát tích. Đã có hiện vật mà công tác nghiên cứu khoa học để làm rõ nội dung, không gian, thời gian xuất xứ kể cả về thuộc tính, chất liệu hiện vật thì việc trưng bày không có sức thuyết phục vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Nhiều bảo tàng ở nước ta cũng đã va vấp hiện vật thật giả, hiện vật không rõ xuất xứ nguồn gốc giữa nơi này nơi kia, lầm lẫn niên đại cũng đã xảy ra, vì thế Bảo tàng Thanh Hóa rất cần công tác kiểm kê đánh giá lại thực trạng để phục vụ cho công tác trưng bày, thông qua việc nghiên cứu khoa học có bài bản.

Về công tác trưng bày, quảng bá tuyên truyền, đây là khâu cực kỳ quan trọng, là cột sống của bảo tàng.

Tuy mấy năm gần đây ta có được nâng cấp theo dự án nhưng phòng trưng bày vẫn hẹp, ánh sáng chưa đáp ứng nhu cầu cho việc trưng bày, bục bệ, kệ giá đặt hiện vật tuy khá hơn trước nhiều nhưng người xem cũng chưa thỏa mãn vì trong tủ đặt hiện vật nhất là nghệ thuật biểu cảm so sánh giá trị cùng loại chưa có sức hấp dẫn cao vẫn theo cách làm cũ. Lối đi ra vào, tầm nhìn đa chiều hiện vật trong tủ kính còn hạn chế đối với người xem. Công tác thuyết minh cho du khách cần phải đổi mới ngắn gọn, phương tiện loa đài phải thích hợp trong phòng để người nghe rõ tiếng, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái. Người thuyết minh phải có trình độ ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh để hướng dẫn, giải thích khi khách nước ngoài có nhu cầu làm rõ nội dung hiện vật. Tuy Bảo tàng Thanh Hóa có nâng cao hơn một bước về trưng bày kể cả nội dung và hình thức song so với yêu cầu hội nhập, phát triển du lịch thì còn phải đổi mới hơn nữa.

Bảo tàng Thanh Hóa phải là điểm nhấn mở đầu cho du lịch nếu lấy TP Thanh Hóa là điểm xuất phát của các tour điểm đến tham quan trong tỉnh. Bởi lẽ trong bảo tàng xứ Thanh trưng bày các hiện vật từ thời kỳ sơ khai nhân loại, hình thành nhà nước phong kiến cho đến nhà nước xã hội chủ nghĩa, điều đó chứng minh tất cả các chứng tích trên địa bàn của tỉnh đều có quan hệ mật thiết với bảo tàng. Vì vậy, đến thành phố Thanh Hóa mà chưa tham quan bảo tàng là chưa đến Thanh Hóa. Đó là mong muốn, còn trong tình hình hiện nay với hoạt động bó hẹp trong khuôn viên và nhà khép kín, Bảo tàng Thanh Hóa còn chưa phải là một điểm đến của bất cứ tour du lịch hấp dẫn và quan trọng nào. Ngoài việc trưng bày có nội dung phong phú, nghệ thuật đẹp, thuyết minh giỏi, phải nâng cao công tác quảng bá, tuyên truyền hơn nữa trên nhiều phương diện trong đó có hệ thống truyền thông. Mặt khác làm tốt các nhiệm vụ, chức năng của bảo tàng, rất cần có kế hoạch thu nhập qua bán hàng quà lưu niệm, đặc sản chế tác từ nghề thủ công truyền thống của Thanh Hóa, việc này nhiều nước, nhiều tỉnh thành đã làm, sao bảo tàng không làm được?. Muốn thực hiện nhiệm vụ này, bảo tàng nên có một đề án tổng thể và chi tiết cho từng bước, cung đoạn kể cả nhân lực, vật lực và tài lực, có sự kết nối với ngành du lịch trong tỉnh.

Phát triển sự nghiệp bảo tàng xứ Thanh không có cách nào khác là phải đổi mới phương thức hoạt động trong đó có nghệ thuật trưng bày, tuyên truyền, quảng bá, năng động trong cách tiếp cận xu thế hội nhập, góp phần phát triển kinh tế du lịch xứ Thanh. Bên cạnh những việc cần làm ngay tại chỗ, bảo tàng sớm đề nghị tỉnh xây dựng bảo tàng mới để có điều kiện làm tốt sự nghiệp chuyên ngành phục vụ nhân dân và phải là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Hoàng Hoa Mai


Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]