(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống lớn của người Mường ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở các huyện miền núi

(VH&ĐS) Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống lớn của người Mường ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Điển hình như: lễ hội Mường Khô (Bá Thước), lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành), lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy)... Các lễ hội được phục dựng và tổ chức không chỉ thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực miền núi, mà còn góp phần bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng.

Trong số các lễ hội được phục dựng phải kể đến lễ hội Mường Khô ở xã Điền Lư (Bá Thước). Theo tìm hiểu của chúng tôi, lễ hội Muờng Khô xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ XIX và được huyện Bá Thước khôi phục lại vào năm 2005. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng Giêng, lễ hội Mường Khô lại được chính quyền, nhân dân xã Điền Lư tổ chức. Nét đặc sắc ở lễ hội Mường Khô nằm ở những hình thức diễn xướng dân gian truyền thống như: phường bùa, trống dàm, múa Pồôn pôông, hát xường lại được những người dân chân lấm, tay bùn biểu diễn. Việc chính quyền địa phương duy trì tổ chức lễ hội được xem như là phương thức hữu hiệu để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường huyện Bá Thước, đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình.

Đối với dân tộc Thái ở Quan Sơn hiện còn lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng, như: Hát khặp, múa cá sa, khua luống, đánh trống chiêng, hầu như đều được các làng, bản duy trì và tổ chức vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, dịp đầu năm. Điểm nổi bật trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái của huyện Quan Sơn, chính là huyện đã phục dựng nguyên vẹn Lễ hội Mường Xia, sau hơn 50 năm bị mai một. Vốn chỉ bó hẹp trong phạm vi 4 xã biên giới gồm: Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn và Na Mèo, song Lễ hội Mường Xia lại trở thành tài sản chung của đồng bào các dân tộc Quan Sơn. Bởi những giá trị về văn hóa tâm linh, văn hóa vật thể và phi vật thể hàm chứa trong Lễ hội Mường Xia.

Trong ba ngày từ 24 - 26/3, hàng năm hàng vạn đồng bào các dân tộc huyện miền núi Na Mèo, Quan Sơn lại có dịp giao lưu vui chơi cùng lễ hội Mường Xia. Lễ hội ngoài việc tổ chức các trò chơi, trò diễn mang đậm văn hóa dân tộc Thái, như: Múa cá sa (hát múa quanh cây hoa), nhảy sạp, đánh trống chiêng, khua luống, ném còn... còn là sự tri ân với người có công, thờ hòn đá vía và tục chơi Pha Dua gắn với truyền thuyết chuyện tình Pha Dua đã trở thành một nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Quan Sơn.

Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu năm ở các huyện miền núi góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.

Còn ở Lang Chánh cứ vào tháng giêng hằng năm người dân xã Quang Hiến lại tổ chức lễ hội dân gian truyền thống là lễ hội chùa Mèo. Xác định trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, không chỉ góp phần giáo dục con người về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh... mà còn góp phần lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, vì vậy, tại lễ hội, ngoài hoạt động văn hóa tâm linh, xã còn chú trọng tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian nhằm tạo không khí sôi động, vui tươi, lành mạnh, thu hút sự cổ vũ đông đảo của người dân.

Thông qua các lễ hội hay trò chơi, trò diễn của đồng bào các dân tộc thiểu số những ngày đầu năm đã phần nào cho thấy sự nỗ lực của các ngành các cấp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, việc phát triển những giá trị mới còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững.

Trong lúc việc bảo tồn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu thì việc tiếp thu văn hóa mới lại thiếu chọn lọc, chính vì vậy đã gây ảnh hưởng xấu tới văn hóa truyền thống các DTTS. Bởi vậy, thời gian tới hy vọng rằng cùng với sự thay đổi của thời gian đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ gìn được niềm đam mê và bản sắc vốn có của dân tộc mình. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn mang tính hiệu quả, bền vững.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]