(vhds.baothanhhoa.vn) - Di sản văn hóa hoàn toàn có khả năng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa nếu có cơ chế chính sách phù hợp và nguồn đầu tư xứng đáng cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong sự liên kết, phối hợp liên ngành hữu hiệu nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm mang giá trị gia tăng về kinh tế và du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn di sản văn hóa, động lực để phát triển Thanh Hóa

Di sản văn hóa hoàn toàn có khả năng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa nếu có cơ chế chính sách phù hợp và nguồn đầu tư xứng đáng cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong sự liên kết, phối hợp liên ngành hữu hiệu nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm mang giá trị gia tăng về kinh tế và du lịch.

(tiếp theo và hết)

Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-Tg ngày 6/5/2009 xác định rõ 5 lĩnh vực quan trọng có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau là: Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa; di sản văn hóa (DSVH); văn học nghệ thuật; giao lưu văn hóa thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.

Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh: “Bảo tồn DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiếnlược phát triển văn hóa”. Câu hỏi lớn cần được trả lời thấu tình đạt lý là: Ngành Văn hóa phải làm gì để biến các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể trở thành những “lực lượng vật chất” thực sự cần thiết cho “công cuộc kiến thiết đất nước và chấn hưng văn hóa dân tộc” và có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội? Đồng thời, lại phải coi đó là mục tiêu quan trọng cần đạt trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bảo tồn DSVH. Như vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 chúng ta cũng phải tìm ra đáp án cho các câu hỏi nêu ra ở trên.

Theo tôi, điều trước tiên là, việc bảo tồn DSVH phải góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và ổn định - yếu tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững. Thứ hai, bảo tồn DSVH phải thực hiện chức năng giáo dục của văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và vun đắp tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân văn và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, bảo tồn DSVH nhằm cung cấp cho cộng đồng trong xã hội những thông tin xác thực hàm chứa những tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm và bài học lịch sử có ích giúp cho thế hệ hôm nay hiểu đúng quá khứ, nhận thức đúng hiện tại và có thể định hướng tương đối chính xác về xu thế phát triển trongtương lai. Cái mà nhân loại gọi là “túi khôn” chứa đầy những kinh nghiệm bổ ích do tiền nhân để lại. Chúng ta phải coi đây là cơ sở khoa học vững chắc để nâng cao “dân trí”, đồng thời góp phần tích cực vào việc chấn hưng “dân khí” (phẩm chất đạo đức, có ý thức về trách nhiệm xã hội, tình cảm yêu nước, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì độc lập, tự do của quốc gia dân tộc...). Thứ tư, bảo tồn để biến DSVH từ giá trị, tài nguyên thành sản phẩm văn hóa có chất lượng trí tuệ cao dưới dạng các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch văn hóa.

Ông Nguyễn Trần Bạt đã rất đúng khi nhận xét “văn hóa (hay DSVH) là động lực của sự phát triển, tức là con người được trang bị và tự trang bị cho mình những kiến thức, những hệ giá trị để có thể trở thành một nhân tố tạo ra sự phát triển” (Nguyễn Trần Bạt, Không gian tinh thần, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019, tr 44). Từ đó suy ra, DSVH của Thanh Hóa phải cung cấp tri thức, phải góp phần nâng cao năng lực sáng tạo cho 3,6 triệu người dân Thanh Hóa với tư cách là các nhân tố tạo ra sự phát triển. Chỉ có như vậy, DSVH mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa chính là hoạt động đầu tư để nuôi dưỡng và gia tăng nguồn thu. Trong ảnh là Lễ hội bánh chưng - bánh giày đền Độc Cước. (Ảnh: Bùi Trang)

Di sản văn hóa với tư cách là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Bác Hồ đã chỉ dẫn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” theo nghĩa văn hóa là nguồn cổ súy trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển phải thừa nhận văn hóa có vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết hành vi con người và toàn bộ hoạt động xã hội trong đó có hoạt động kinh tế. Chúng ta biết, khoa học - kỹ thuật và công nghệ tạo ra chất lượng hiện đại của xã hội, còn văn hóa lại tạo ra chất lượng tiến bộ của xã hội. Do đó, ngoài phát triển kinh tế còn phải phát triển văn hóa để hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Vì thế cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để tạo ra động lực cho sự phát triển.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ một số yếu tố cấu thành động lực phát triển là: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì lợi ích chung của cả quốc gia dân tộc - yếu tố nền tảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam với tư cách là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển, sự ổn định, dân chủ và công bằng xã hội, hài hòa lợi ích xã hội - nhà nước - tậpthể - cá nhân, đặc biệt là lợi ích vật chất thiết thực cho con người.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long có 4 yếu tố cơ bản trong hệ chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam: Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, nhân ái, khoan dung, trọng đạo lý, nghĩa tình, đoàn kết, gắn bó, yêu thương, cần cù, sáng tạo. Kèm theo đó, ông gợi mở 4 giá trị phổ quát cần hướng tới là: Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên để hội nhập thế giới, có sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, có khả năng thích ứng với xu thế hiện đại, có khả năng kết nối, hợp tác, làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích, ý thức kỷ luật cao, tự trọng và trung thực. Tôi cho rằng sáng tạo các giá trị văn hóa mới làm giàu kho tàng DSVH cũng tức là góp phần tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Do đó vấn đề đặt ra là, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch tổng thể trong dài hạn và đầu tư nguồn lực kinh tế tương xứng cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nhằm biến các giá trị tinh thần thành nguồn lực vật chất “sức mạnh mềm” cho phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Và quan trọng nhất là cần triển khai rộng khắp chương trình giáo dục di sản vấn đề bảo tồn DSVH. Bảo tồn là khoản đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận chứ không phải chỉ là chi phí. Đầu tư cho bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa chính là hoạt động đầu tư để nuôi dưỡng và gia tăng nguồn thu chứ không phải là “gánh nặng” ngân sách như một số người còn nhầm tưởng.

Liên kết và phối hợp liên ngành một cách hữu hiệu tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng trong bảo tồn DSVH ở Thanh Hóa là một trong những định hướng chiến lược quan trọng

Lâu nay chúng ta quen hiểu vấn đề bảo tồn DSVH chỉ với tư cách là những hạng mục di tích đơn lẻ, tách biệt với môi trường sinh thái - nhân văn của một khu vực cư dân cụ thể. Mặt khác, trong các dự án phát triển, người ta quan tâm tới yếu tố kinh tế và lợi nhuận mà còn xem nhẹ yếu tố môi trường, hệ sinh thái và văn hóa. Thực tế cho thấy, khủng hoảng hệ sinh thái (biểu hiện cụ thể là biến đổi khí hậu) trên phạm vi toàn cầu còn nguy hiểm và tai hại hơn khủng hoảng kinh tế rất nhiều. Vì thế, bàn về bảo tồn DSVH, chúng ta cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên bao quanh các di tích lịch sử - văn hóa. Trường hợp tỉnh Thanh Hóa, trước hết việc bảo tồn DSVH phải đặt trong bối cảnh bảo tồn các hệ sinh thái tiêu biểu như: rừng núi, đồi núi trung du, đồng bằng ven biển, hải đảo và đặc biệt là hệ sinh thái hai bên bờ các con sông lớn. Phải nhìn nhận môi trường sinh thái là yếu tố quan trọng cấu thành môi trường sống của con người và cùng với DSVH trở thành tài nguyên, tiềm năng lớn cho phát triển du lịch.

Vấn đề bảo tồn DSVH có liên quan mật thiết tới chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về: “Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch”, “làng văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, “gia đình văn hóa” hoặc phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Tuy nhiên, xây dựng “huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch” vẫn là mô hình mang tính đặc trưng, vì nó tạo ra sự gắn kết với các mô hình hoạt động khác, trong đó có mô hình “làng đô thị nông nghiệp bền vững”. Gắn với mô hình này lại xuất hiện các khái niệm mới “Di sản văn hóa làng”, “Du lịch trải nghiệm cộng đồng” và OCOP - mỗi cộng đồng một sản phẩm hoặc mỗi di tích lịch sử - văn hóa một dạng dịch vụ du lịch. Nhờ thế người ta có thể tạo ra một chuỗi các sản phẩm hay một hệ thống các tuyến điểm du lịch gắn bó hữu cơ với nhau. Mô hình "làng đô thị nông nghiệp bền vững" sẽ tạo ra các lợi thế giúp người nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình.

Ví dụ cụ thể như, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ xét theo quan điểm bảo tồn hiện đại cần được đặt trong bối cảnh xây dựng huyện Vĩnh Lộc với mô hình “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Đồng thời, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ còn phải gắn kết với việc bảo tồn “Di sản văn hóa làng” của 3 làng liền kề khu di sản là: Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn. Bên cạnh đó, Ban quản lý di sản Thành Nhà Hồ còn phải liên kết với các bên có liên quan, đặc biệt là ngành du lịch để biến khu di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa của 3 làng liền kề từ dạng tài nguyên thành những sản phẩm du lịch có hàm lượng trí tuệ cao và có sức hấp dẫn với du khách. Hoặc việc bảo tồn cảnh quan sinh thái - văn hóa hai bên bờ sông Mã chắc chắn phải gắn chặt với việc bảo tồn làng cổ Đông Sơn và hàng loạt các làng, bản văn hóa khác trải dài từ thượng nguồn tới hạ lưu con sông này. Bằng cách đó, Thanh Hóa sẽ có một chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù - một tuyến, điểm du lịch sông nước đặc sắc, hấp dẫn không nơi nào có được.

Cần nhấn mạnh một quan điểm nhận thức mới trong phát triển là, nhất thiết phải tận dụng thế mạnh của các thành tựu công nghệ số vào việc thiết lập (cơ sở dữ liệu lớn - “big date”) về di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa. Và cần coi đây là loại “công cụ đặc thù” để lưu trữ thông tin khoa học về các mặt giá trị tiêu biểu của di sản phục vụ cho yêu cầu bảo tồn DSVH trong tương lai.

Tóm lại, di sản văn hóa hoàn toàn có khả năng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa nếu có cơ chế chính sách phù hợp và nguồn đầu tư xứng đáng cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong sự liên kết, phối hợp liên ngành hữu hiệu nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm mang giá trị gia tăng về kinh tế và du lịch. Điều này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng nội dung và định hướng trong nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

PGS Đặng Văn Bài

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]